CIA đoạn tuyệt với quá khứ "đen"?
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) vừa giải mật tài liệu kể về hàng loạt hoạt động bất hợp pháp của họ cách đây vài chục năm. Liệu hành động "vạch áo cho người xem lưng" này có chứng minh rằng CIA đã đoạn tuyệt với quá khứ "đen"?
Nhà lãnh đạo Fidel Castro, mục tiêu ám sát bất thành của CIA |
Khi truy cập vào tập hồ sơ được giải mật đó, người ta không khỏi giật mình. Đáng chú ý nhất có thể kể đến âm mưu sát hại nhà lãnh đạo Fidel Castro của Cuba. Theo tài liệu được công bố, tình báo Mỹ vào đầu thập niên 60 đã thông qua một số công ty trung gian để liên hệ với Johnny Roselli - nhân vật có tiếng trong thế giới ngầm Las Vegas. Một khoản tiền 150.000 USD đã được treo thưởng nếu kế hoạch sát hại Fidel được Roselli thực hiện thành công. Cuộc tiếp xúc giữa đại diện CIA với Roselli diễn ra tại khách sạn Hilton Plaza ở New York.
Sau đó, CIA tiến xa thêm một bước nữa khi tiếp xúc với hai trùm tội phạm Momo Salvatore Giancana và Santos Trafficant, những kẻ nằm trong danh sách truy nã đặc biệt của Mỹ. Giancana đã gợi ý rằng sử dụng súng để ám sát là mạo hiểm, tốt hơn là cho thuốc độc vào thức ăn hoặc nước uống của Fidel. Sau đó, người ta đã cung cấp cho sát thủ Juan Orta 6 viên thuốc độc. Tuy nhiên, Orta đã gặp trục trặc sau đó và đề nghị người khác thay thế. Sát thủ thứ hai này đã định ám sát Fidel nhiều lần nhưng thất bại. Về hành động câu kết với tội phạm này, các lãnh đạo CIA lúc đó biện hộ rằng "một nhiệm vụ nhạy cảm đôi khi đòi hỏi một hành động kiểu băng đảng".
Một trong những hành động mờ ám khác của CIA đó là việc xem trộm thư và nghe lén điện thoại của công dân Mỹ, đặc biệt là các nhà báo và những nhà hoạt động chống chiến tranh. Năm 1972, nhà báo Jack Anderson, người nổi tiếng với việc phanh phui nhiều vụ bê bối chính trị, đã bị nghe lén. Nhiều lá thư gửi tới nữ diễn viên điện ảnh Jane Fonda, nhân vật tích cực chống chiến tranh Việt Nam, cũng bị mở trộm. CIA còn cầm giữ các nhân viên tình báo nước ngoài. Những hành động kiểu như trên đã được dư luận bàn đến từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên nó được kể theo kiểu "tự truyện".
Giám đốc CIA hiện nay, ông M.Hayden, đã quyết định công bố tài liệu tuyệt mật này như hành động dỡ tấm mạng che bí ẩn khỏi bộ mặt CIA. Với bước đi đó, CIA dường như muốn chứng tỏ rằng họ đã đoạn tuyệt với quá khứ hắc ám. Tuy nhiên, thực tế dường như đang chống lại họ. Thời gian gần đây, đặc biệt là trong chiến dịch chống khủng bố, tình báo Mỹ vẫn hứng chịu làn sóng chỉ trích từ dân chúng trong nước và dư luận quốc tế.
Báo The Washington Post vào tháng 11.2005 cho biết các màn bắt cóc, giam giữ và tra khảo nghi phạm khủng bố đã được CIA thực hiện tại những trại giam bí mật ở châu Âu. Cách đây chừng một tháng, một nghị sĩ châu Âu cho biết ông có đủ bằng chứng để chứng minh điều mà The Washington Post đưa. Chuyện tình báo Mỹ được chính quyền bật đèn xanh cho nghe lén điện thoại và xem trộm thư của công dân cũng bị chỉ trích gay gắt. Xem ra, CIA vẫn chưa thể đoạn tuyệt với "truyền thống" của mình.
Ý kiến bạn đọc