Bộ trưởng Giáo dục: 'Không để thày cô xúc phạm học sinh'
“Đề nghị chấm dứt việc cho phép xúc phạm học trò. Nếu xảy ra thì phải xử cho nghiêm. Ai không kìm được mình nên xin ra khỏi ngành sớm”, chiều 23/5, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan điểm trước hàng loạt vụ xúc phạm học sinh xảy ra thời gian gần đây.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, tại buổi giao ban giám đốc Sở hồi tháng 4, cũng đã có những trường hợp đau lòng như giáo viên nhét giẻ vào miệng học sinh, bắt học sinh quỳ. Khi đó, Bộ đã yêu cầu các giám đốc Sở phổ biến cho từng trường không để thày cô giáo xúc phạm học sinh.
Theo Bộ trưởng, sau những sự kiện đáng tiếc xảy gần đây, cần phải có văn bản yêu cầu tổ chức sinh hoạt, tập huấn cho tất cả thày cô để chấm dứt việc cho phép xúc phạm học trò. Còn việc nào đã xảy ra thì phải xử cho nghiêm.
Sau khi bị "hỏi cung" chỉ vì 47.800 đồng, bé Trâm ở Đồng Tháp đã phải nhập viện trong điên loạn. Ảnh: A.N. |
Đề cập tới nguyên nhân gây ra tình trạng "thày xúc phạm trò", ông Nhân lý giải: "Một là hệ thống giáo dục của chúng ta yếu kém. Cái nữa là có những thày cô, đặc biệt là giáo viên mẫu giáo không học trường mầm non. Do là con em người dân địa phương được đưa vào ngành nên họ không có hiểu biết sư phạm".
Ông khẳng định, đã là nhà giáo được đào tạo qua trường lớp thì không thể chấp nhận chuyện thày cô xúc phạm học trò. Học sinh tiểu học và mầm non còn rất nhỏ nên các em sợ thày cô. Do vậy, từ nay đến hè các địa phương cần có những đợt sinh hoạt, cam kết không tái diễn việc làm phi giáo dục này. "Ai không kìm được mình thì nên xin ra khỏi ngành sớm. Đừng ở trong ngành để rồi bảo không kìm được", Bộ trưởng nói.
Trao đổi với VnExpress về việc cô giáo cho cả lớp tát một học sinh, Bộ trưởng khẳng định, việc xúc phạm học sinh như vậy là không thể chấp nhận được và Sở GD&ĐT Thái Bình sẽ phải có trách nhiệm xử lý. "Thày cô làm như vậy tức là đã không hiểu được vai trò của người thày. Xã hội không chấp nhận thái độ đó".
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, thày cô vi phạm trong thời gian vừa qua cũng chỉ là số ít. "Trong số 1 triệu giáo viên, từ đầu năm tới giờ, thử thống kê xem có bao nhiêu người làm sai? Tôi nghĩ chắc không quá 20 người. Số người tốt nhiều hơn rất nhiều. Ai sai thì xử sai, ai tốt thì nói tốt".
Theo "Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học" của Bộ GD&ĐT, giáo viên có hành vi xúc phạm danh dự người khác, gian lận trong thi cử, đánh giá sai kết quả học tập, ép học sinh học thêm thu tiền... sẽ bị xếp loại kém. Về kỹ năng sư phạm, giáo viên tuyệt đối không phê bình học sinh trước lớp hoặc toàn thể phụ huynh; biết cách xử lý tình huống cụ thể để giáo dục học sinh; chấm, chữa bài kiểm tra cẩn thận để giúp học sinh tiến bộ... |
Ý kiến bạn đọc