Sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2
Hội nghị giao ban lần thứ 3 cuộc vận động (CVĐ) “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (Hai không) sau 8 tháng thực hiện đã được Bộ GD-ĐT tổ chức tại 7 cụm đối với khối phổ thông.
Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi tại trường THPT Hà Nội - Amsterdam năm học 2005 - 2006.Ảnh: Viết Thành
|
CVĐ “Hai không”: thanh tra ở 21 tỉnh thành, giải quyết 177 đơn thư
Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra việc thực hiện CVĐ của Bộ GD-ĐT, được tổng hợp từ 62 tỉnh, thành cho biết : sau giao ban lần 2 đến nay, các địa phương đã rà soát kế hoạch và tập trung chỉ đạo các hoạt động, đặc biệt đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; rà soát số học sinh “ ngồi nhầm lớp” và có biện pháp bồi dưỡng, phụ đạo cho các em. Thanh tra Bộ đã thanh, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ở 21 tỉnh, thành; xem xét, giải quyết 177 đơn thư khiếu nại, tố cáo đủ điều kiện trong số 370 đơn thư đã nhận. Các sở cũng đã giải quyết một số vụ việc nổi cộm, tuy nhiên cũng có một số sai phạm chưa được xử lý nghiêm túc, triệt để.
Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp để tích cực triển khai và thực hiện tốt CVĐ. Với quan điểm “lấy xây để chống”, ngoài việc tuyên truyền vận động, ngành GD-ĐT Thủ đô đã thực hiện tốt quy định cho điểm và quản lý điểm của học sinh; tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá; triển khai kiểm định chất lượng giáo dục cho 100% trường THCS. Nhiều trường đã thực hiện chia phòng thi, chấm chéo bài cho những bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Sở đã thực hiện 33 cuộc thanh , kiểm tra tại 33/37 trường THPT (23 cuộc thanh tra toàn diện, 15 cuộc kiểm tra việc thực hiện CVĐ, 6 cuộc thanh kiểm tra công tác dạy thêm, học thêm); kiểm tra 11/14 quận huyện và 15 trường tiểu học về công tác đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Thí sinh làm bài tốt nghiệp tại Hội đồng thi trường Phan Chu Trinh Ảnh: Viết Thành
|
Thêm lực lượng để thêm khách quan
Sau khi nghe ý kiến của các cơ sở, phương án tăng cường thêm lực lượng giám sát là cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ đã được Bộ GD-ĐT thay đổi so với dự kiến ban đầu. Thay cho việc có thêm một lực lượng giám sát viên, mỗi hội đồng thi là 4 người , ngoài ra còn có sự tham gia của các lực lượng xã hội, phương án sẽ được thực thi là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia vào lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ. Từ trước tới nay, lực lượng này chỉ khoảng dăm người, là cán bộ, giáo viên của các Sở GD-ĐT được đổi chéo và hầu như chỉ kiểm tra hồ sơ và thanh tra lưu động một số hội đồng trong khâu coi thi. Nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường cử những người am hiểu về thi, tham gia đoàn thanh tra ủy quyền và giám sát các khâu từ in, sao đề đến coi thi, chấm thi. Lực lượng này không làm thay phần việc của hội đồng thi và thực hiện nhiệm vụ của thanh tra ủy quyền. Mỗi địa điểm thi sẽ có 2 thanh tra ủy quyền, như vậy lực lượng này sẽ là vài trăm người ở mỗi địa phương. Đây là phương án khả thi và giữ được sự ổn định.
Thi tốt nghiệp lần 2 không vì thành tích
Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và điều này là có cơ sở. Bởi nếu vì thành tích thì sẽ không làm chặt kỳ thi lần đầu. Lý do để ngành GD-ĐT tổ chức lần thi thứ 2 ai cũng hiểu. Một khi tổ chức thi thật nghiêm túc có thể dẫn đến tỷ lệ không đỗ tốt nghiệp cao hơn các năm học trước, tính trên cả bình diện từng địa phương lẫn cả nước. Thực tế này đã từng xảy ra vào một kỳ thi tốt nghiệp cách đây chừng mươi năm, lúc ấy tỷ lệ tốt nghiệp của một số tỉnh thành “rớt” thảm hại, Bộ đã phải có giải pháp tình thế là tổ chức kỳ thi lần 2 và cũng chỉ một lần duy nhất. Những năm sau, mọi chuyện lại trở về như cũ. Lo ngại sự mất ổn định về xã hội và cũng là để tạo điều kiện cho học sinh đã học xong chương trình THPT có bằng tốt nghiệp để bước vào cuộc sống, từ năm nay và dự kiến sẽ kéo dài 3 năm, Bộ sẽ tổ chức kỳ thi thứ 2, vào khoảng cuối tháng 8. ý nghĩa xã hội và tính nhân đạo của kỳ thi này có lẽ không phải bàn đến, nhưng vấn đề là làm thế nào để thay đổi chất lượng của học sinh sau 8 tuần ôn tập ? Câu hỏi này không dễ trả lời, tuy nhiên trách nhiệm thì đã được xác định thuộc về các địa phương và các trường THPT. Trong dự thảo của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thìNhà trường tổ chức bồi dưỡng hè trong khoảng 8 tuần để cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT lần 2”. Như vậy, trường nào dạy kém, học sinh trượt tốt nghiệp, trường đó phải có trách nhiệm phụ đạo. Địa phương nào kém, nhiều học sinh trượt tốt nghiệp thì sẽ phải bỏ công, bỏ của mà tổ chức kỳ thi lần 2 .
Chất lượng giáo dục thấp, trách nhiệm ấy trước tiên thuộc về ngành GD-ĐT các địa phương. Tuy nhiên, xác định được nguyên nhân học sinh yếu kém và có biện pháp giải quyết từ gốc, ấy mới là cách giải quyết cơ bản. Còn chỉ làm từ “ngọn”, tức là tập trung vào kỳ thi cuối bậc học phổ thông, e rằng, 3 năm thôi chưa đủ.
Ý kiến bạn đọc