Kỳ thi thứ 2 dễ nảy sinh tâm lý 'tháo khoán'
Chiều 23/4, tại Hội nghị giao ban lần thứ 3, nhiều giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng nếu không làm nghiêm, kỳ thi tốt nghiệp thứ 2 dễ nảy sinh tâm lý "tháo khoán", "đỗ vớt". Một số người lo lắng, nếu coi thi nghiêm và mức độ khó không giảm, ít thí sinh qua được cửa ải này.
Tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định chính thức về phương án tổ chức thi tốt nghiệp lần 2. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngày 22-24/8, thí sinh thi trượt tốt nghiệp THPT sẽ được tham gia kỳ thi đợt 2 với mức độ đề thi cũng như lần 1. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng, kỳ thi này không đặt nặng vấn đề học sinh trượt lần 1, sau 2 tháng ôn sẽ đỗ. Mục tiêu chính là giúp các em gần đạt trình độ tối thiểu có được mảnh bằng vào đời.
Từ ngày 15/6, các trường sẽ tổ chức ôn thi. Thí sinh không nhất thiết phải thi tất cả các môn dưới 5, có thể tính số môn phải thi lại, miễn sao tổng điểm của 6 môn phải đạt 30 trở lên. Việc đăng ký dự thi phải được thực hiện trước ngày 2/8. Tốt nghiệp kỳ thi lần 2 này, thí sinh được tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2008.
Thanh tra làm "căng", việc tiếp đón sẽ bớt nhiệt tình
Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Trần Xuân Đình băn khoăn, nếu không cẩn thận, kỳ thi lần 2 dễ rơi vào tình trạng “tháo khoán”, “đỗ vớt” và lại nảy sinh tiêu cực.
Còn ông Đỗ Văn Thuấn, giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, khẳng định, đây không phải là thi tháo khoán, do vậy, dù tổ chức gọn nhẹ nhưng vẫn phải làm chặt và nghiêm túc. “Thanh tra ủy quyền của Bộ “cắm” ở các hội đồng thi có thể sẽ làm rất tốt. Có một vấn đề, thanh tra Bộ đến, hội đồng tiếp đón ăn ở chu đáo. Nếu ngày đầu làm “căng”, việc tiếp đón sẽ bớt nhiệt tình”, ông Thuấn thẳng thắn.
Thi lần 2 nghiêm túc như lần 1
Lo lắng về việc tổ chức bồi dưỡng hè cho học sinh trượt đợt 1, bà Nguyễn Thị Lợi, giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình đặt câu hỏi: "Lấy kinh phí đâu để tổ chức thi đợt 2 khi đây là khoản phát sinh không nằm trong dự toán ngân sách đầu năm?"
Còn Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Nguyễn Tất Thắng cho rằng, thi lần 2 sẽ rất tốn kém và khó khăn ngay từ khâu xếp phòng. Sẽ có trường hợp chỉ có vài thí sinh thi một môn, nhưng vẫn phải xếp phòng riêng, giám thị riêng. "Thời gian ôn tập chỉ 2 tháng liệu có đủ cho các em nắm bắt được kiến thức. Liệu có thể lui ngày thi vào tháng 10 hoặc 12 cho các em có thời gian chuẩn bị tốt hơn", ông Thắng nói.
Đồng quan điểm với một số lãnh đạo Sở GD&ĐT lo lắng về tỷ lệ đỗ trong kỳ thi lần 2, ông Phan Văn Lân, Giám đốc Sở Phú Thọ cho rằng, mức độ đề thi phải dễ hơn thì học sinh mới có thể qua.
Thứ trưởng Vọng cho biết, Thủ tướng đã đồng ý dành một khoản ngân sách ôn tập cho học sinh yếu kém. Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc lại: "Lần 2 làm thì phải nghiêm túc như lần 1".
Dự kiến, trong tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định chính thức về phương án tổ chức thi tốt nghiệp lần 2.
Học sinh ngồi nhầm lớp, giáo viên đứng nhầm chỗ
Thừa nhận thực tế yếu kém của giáo dục địa phương, ông Thuấn cho rằng, nếu học sinh được điểm kém, lỗi của các em chỉ một phần, trách nhiệm lớn thuộc về giáo viên. “Chúng ta tập trung vào đánh giá xếp loại học sinh mà quên đi xếp hạng giáo viên. Phải đánh giá khách quan, giáo viên không thể toàn là chiến sĩ thi đua”.
Không chỉ học sinh ngồi nhầm lớp mà còn có nhiều giáo viên đứng nhầm chỗ. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà. |
Đồng tình với quan điểm này, giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang Hoàng Văn Thinh, khẳng định, không thể đổ trách nhiệm cho học sinh học kém bởi lỗi lớn thuộc về giáo viên. Vừa qua, Sở đã xử lý 9 giáo viên thiếu trách nhiệm trong việc soạn bài.
Còn bà Nông Thị Bích Hà, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái thừa nhận, cái yếu của tiểu học chính là khâu quản lý. Càng cấp thấp, năng lực quản lý của giáo viên càng yếu và cải tiến chất lượng dạy - học cũng trở nên “lơ mơ”. “Chúng ta đi tìm học sinh ngồi nhầm chỗ, nhưng thực tế, vẫn còn cả những giáo viên cũng đứng nhầm chỗ”, bà Phó giám đốc băn khoăn.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng nhận định: "Gần đây, liên tục có thông tin về giáo viên xúc phạm nhân phẩm của học sinh. Đó là những trường hợp rất cá biệt nhưng nó cho thấy họ không hiểu trách nhiệm làm thày cũng như xa rời những quy tắc thông thường của xã hội".
Ý kiến bạn đọc