Học kỳ 3 để giúp học sinh có kiến thức thực chất

07:57, 25/04/2007

Thí sinh có điểm dưới 5 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc do điều kiện khách quan không dự kỳ thi này, sẽ học thêm để dự thi lại vào tháng 8 tới. Phương án được Bộ Giáo dục Đào tạo đưa ra tại buổi giao ban với các ĐH, CĐ và Trung học chuyên nghiệp (THCN) phía Nam, hôm qua.


 
 Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại diện một ĐH bên lề buổi giao ban. Ảnh: Đ.K.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2, dự kiến tổ chức ngày 22-24/8, có quy trình và kết quả được thực hiện, đánh giá như kỳ thi tổ chức vào cuối tháng 5 (lần 1) hằng năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được dự kỳ tuyển sinh của các trường nghề tiến hành thi hoặc xét tuyển muộn và dự thi bình thường kỳ tuyển sinh ĐH, Cao đẳng và THCN năm sau. 

Kỳ thi lần 2 này có thể tiến hành 2-3 năm, đến khi công tác dạy và thi theo tiêu chí Hai không (không tiêu cực trong thi cử và không bệnh thành tích trong giáo dục) tiến hành nghiêm ngặt ở các cấp học. Việc dạy học kỳ 3, khoảng 8 tuần, sau khi biết kết quả thi lần 1 là giúp các em bổ sung kiến thức, hoàn thành chương trình THPT tốt nhất trong khả năng, có được chứng chỉ và kiến thức thực chất để vào đời.

Ông Nhân cho biết, kết quả thi học kỳ 1 vừa qua, không ít địa phương có tỷ lệ học sinh đạt điểm kém chiếm 20-30%, thậm chí có nơi tỷ lệ này tới 45-52%. Như vậy các em học lực dưới trung bình một chút, không đỗ tốt nghiệp lần 1 có thể khá đông. Học kỳ 3 là dịp thày cô bồi dưỡng thêm kiến thức, giúp các em có cơ hội phấn đấu để nâng điểm lên.

"Có ý kiến cho rằng để chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, tốt nghiệp rớt bao nhiêu thì rớt. Nhưng chúng ta cũng nên đặt mình vào vị thế cha mẹ học sinh để có biện pháp giúp các em hoàn thành chương trình THPT, có được chứng chỉ thực chất vào đời. Học kỳ 3, ngành giáo dục chắc chắn sẽ vất vả hơn để phục vụ mục đích này", ông Nhân bày tỏ.

Bộ Giáo dục Đào tạo chủ trương, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các ĐH, CĐ có trách nhiệm phối hợp với các sở Giáo dục Đào tạo, giám sát việc tổ chức thi. Bộ sẽ thành lập đoàn thành tra do Bộ ủy quyền, với thành phần là cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm quản lý và tổ chức thi của các ĐH, CĐ, trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, giám sát tại chỗ các khâu sao in đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo... Dự kiến mỗi hội đồng thi có 2 giám sát viên của các ĐH, CĐ nhắc nhở hoặc lập biên bản nếu Hội đồng thi có sai phạm.

Giám thị vi phạm quy chế thi có thể bị loại khỏi ngành

Hầu hết đại diện các ĐH, CĐ đồng tình với phương án trên của Bộ. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, việc để các địa phương tự tổ chức thi, coi thi có thể dễ phát sinh tiêu cực.

"Hội đồng thi là người của tỉnh, địa phương thì sẽ có những mối quan hệ phức tạp do là người nhà, quen biết hoặc bạn hữu, đồng nghiệp... dễ nể nang. Còn Hội đồng thi của địa phương khác đến, không quen biết người địa phương, coi thi sẽ khách quan hơn", Ông Võ Nguyên Hồng, Hiệu phó Cao đẳng Cộng đồng Bà Rịa - Vũng Tàu, nhận định.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Xê, Hiệu phó ĐH Cần Thơ, đề xuất, nên để các ĐH tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, vì dù sao, thực tế, các kỳ thi ĐH có quá trình tổ chức nghiêm túc hơn phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng, việc thay đổi đơn vị làm Hội đồng thi trong thời điểm này khá phức tạp, khó thực hiện. Tuy nhiên, quy chế thi năm nay sẽ nghiêm khắc hơn. "Nếu phát hiện người nào tiếp tay tuồn bài thi từ ngoài vào hoặc làm hộ bài thi thì sẽ khai trừ khỏi ngành. Vì những người có hành vi này đã phạm đến đạo đức, quy chế và hủy hoại con đường làm nghề giáo của mình", ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng cho biết, đầu tháng 5, Bộ sẽ có đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi, đặc biệt là những tỉnh năm trước có nghi ngờ tiêu cực. Các tỉnh sẽ phải họp báo để cam kết tổ chức thi nghiêm túc với công luận.

Tạo điều kiện để các trường đào tạo nhân lực theo nhu cầu

Tại buổi giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân còn thông báo, tháng 11, Bộ sẽ thành lập trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực, triển khai các chương trình đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp ở bậc ĐH và Cao đẳng. Trung tâm này có nhiệm vụ tiếp cận, tìm hiểu yêu cầu cụ thể từ các công ty có khả năng tiếp nhận nhân lực lớn.

Nhà nước sẽ cho vay trước tiền để sinh viên học và trường đầu tư trang thiết bị giảng dạy. Sinh viên sau tốt nghiệp, được doanh nghiệp tiếp nhận sẽ trích lương hàng tháng trả lại chi phí đào tạo này. "Nhà nước có thể cho vay 500 tỷ đồng để tiến hành việc đào tạo theo nhu cầu. Như vậy, người học không lo thiếu tiền học, nhà trường cũng không lo thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị. Mô hình này sẽ tiến hành trước ở những thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp lớn: TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ...", ông Nhân nói.

Bộ cũng thành lập Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, nhận đặt hàng của doanh nghiệp. Trung tâm này chuyển tiền đến nơi đào tạo, làm gia tăng số lao động được đào tạo, tiến tới năm 2010, có 50% người có chuyên môn đúng nghề mà xã hội đang cần. Bộ và ban, ngành liên quan còn dự định lập chợ lao động có kỹ năng trên mạng, để hỗ trợ công tác đào tạo theo nhu cầu trên.

Cũng theo ông Nhân, nhờ Việt Nam gia nhập WTO, hiện có không ít đối tác nước ngoài đặt vấn đề hợp tác, lập cơ sở đào tạo. Bộ đang lên chương trình để sau 10 năm, tiếng Anh sẽ điểm mạnh của sinh viên Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu hội nhập kinh tế thế giới. Sẽ có 4 nước: Australia, New Zealand, Canada và Anh tham gia vào chương trình này. Dự kiến năm 2008 có 10 trường được chọn đào tạo thí điểm theo chương trình. Bộ cũng sẽ tiến hành đánh giá các trường chuyên để đào tạo nhân tài đúng mức vào tháng 8 tới.


VnExpress

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kỳ thi thứ 2 dễ nảy sinh tâm lý 'tháo khoán'
Chiều 23/4, tại Hội nghị giao ban lần thứ 3, nhiều giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng nếu không làm nghiêm, kỳ thi tốt nghiệp thứ 2 dễ nảy sinh tâm lý "tháo khoán", "đỗ vớt". Một số người lo lắng, nếu coi thi nghiêm và mức độ khó không giảm, ít thí sinh qua được cửa ải này.
25/04/2007
Tổng thống Iran "chủ động" thương lượng với Mỹ
Hôm 23/4, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã bất ngờ đề nghị thương lượng trực tiếp với Tổng thống Mỹ Bush về chương trình hạt nhân của Iran. Tuyên bố này được đưa ra sau khi các Ngoại trưởng EU mới đây bật đèn xanh cho việc thực hiện nghị quyết của LHQ về trừng phạt Iran.
25/04/2007
Sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2
Hội nghị giao ban lần thứ 3 cuộc vận động (CVĐ) “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (Hai không) sau 8 tháng thực hiện đã được Bộ GD-ĐT tổ chức tại 7 cụm đối với khối phổ thông.
24/04/2007
Cựu tổng thống Nga Yeltsin qua đời
Điện Kremlin hôm nay thông báo, ông Boris Yeltsin, vị tổng thống đầu tiên của nước Nga đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76.
24/04/2007