Cựu tổng thống Nga Yeltsin qua đời
Điện Kremlin hôm nay thông báo, ông Boris Yeltsin, vị tổng thống đầu tiên của nước Nga đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 76.
Cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, hãng tin Interfax dẫn lời các nguồn tin y tế cho biết, cựu tổng thống Nga tắt thở sau một cơn đau tim. Trong thời gian cầm quyền, ông Yeltsin từng nhiều lần gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ liên quan đến tim mạch.
Boris Yeltsin sinh năm 1931 tại quận Taltsa, thuộc vùng Sverdlovsk Oblast của Nga. Thời trẻ, cựu tổng thống Nga học ngành xây dựng tại Học viện Bách khoa Ural và tốt nghiệp năm 1955. Ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô từ năm 1961 và tới năm 1985 thì được bầu vào Bộ Chính trị Liên Xô, kiêm giữ chức tương đương thị trưởng hiện nay của Matxcơva.
Con đường chính trị của Yelsin thăng tiến nhờ sự hậu thuẫn của những nhân vật quan trọng nhất Liên Xô thời đó như Mikhail Gorbachev và Yegor Ligachev. Nhưng căng thẳng giữa Yeltsin với những lãnh đạo này nổ ra năm 1987 khiến ông mất dần các chức vụ. Sau đó Yeltsin được phục hồi và tiếp tục quan điểm chỉ trích gay gắt Tổng thống Gorbachev.
Tháng 3/1989, Yeltsin được bầu vào Xô Viết tối cao, tức Quốc hội Liên Xô và một năm sau đắc cử chức chủ tịch đoàn của cơ quan lập pháp này. Ngày 12/6/1991, Yeltsin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của nhà nước cộng hòa Nga, đánh bại đối thủ được Gorbachev hậu thuẫn là Nikolai Ryzhkov.
Trong cuộc đảo chính lật đổ Gorbachev tháng 8/1991, Yeltsin đã nhanh chóng có mặt tại trụ sở Xô viết tối cao ở Matxcơva để giải quyết. Sau đó ông được nhiều người tán dương như một nhân vật có công đứng lên kêu gọi dân chúng tuần hành phản đối đảo chính.
Sau đó ít ngày, phe đảo chính phải tháo chạy khỏi Matxcơva và Gorbachev trở lại thủ đô. Tuy nhiên, lúc này quyền lực của Gorbachev đã bị lung lay nghiêm trọng và sự ủng hộ đã chuyển sang Boris Yeltsin. Cùng năm này, chính phủ Nga đã dần dần nắm quyền kiểm soát chính phủ Liên Xô.
Boris Yeltsin (trái) và Mikhail Gorbachev năm 1991. Ảnh: AP. |
Ngay sau khi Ukraina trưng cầu dân ý tách khỏi Liên Xô vào đầu tháng 12/1991, Yeltsin đã gặp Tổng thống Ukraina Leonid Kravchuk cùng lãnh đạo Belarus là Stanislai Shushkevich, sau đó cả ba tuyên bố giải tán Liên Xô và thay bằng Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) trên cơ sở tự nguyện tham gia của các nước cộng hòa.
Ngày 24/12/1991, Nga kiểm soát ghế của Liên Xô tại Liên Hợp Quốc và chỉ một ngày sau, Tổng thống Gorbachev tuyên bố từ chức, đánh dấu sự sụp đổ của Liên Xô. Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Nga Boris Yeltsin sau sự kiện chấn động thế giới này là việc tăng cường tái cơ cấu nền kinh tế và nước Nga bắt đầu bước vào một giai đoạn hỗn loạn.
Boris Yeltsin tiến tới việc nắm quyền tuyệt đối tại Nga bằng quyết định cho giải tán Xô viết tối cao năm 1993, đồng thời cho thực hiện giai đoạn chuyển tiếp tới cuộc bầu cử cơ quan lập pháp mới mang tên Duma Quốc gia. Sự kiện này châm ngòi cho cuộc khủng hoảng đẫm máu tại quốc hội Nga. Boris Yeltsin đã lệnh cho xe tăng bắn vào toà nhà này, khiến những người thuộc phe đối lập đang cố thủ bên trong phải ra hàng.
Quá trình tập trung quyền lực của Tổng thống Nga Boris Yeltsin được tiếp nối bằng cuộc trưng cầu dân ý năm 1993 thông qua hiến pháp mới của Nga, trong đó mở rộng quyền lực của tổng thống như chỉ định các thành viên chính phủ, bãi nhiệm thủ tướng và có thể giải tán cả Duma Quốc gia.
Một trong những sự kiện được nhắc đến nhiều khi Boris Yeltsin làm tổng thống Nga là việc ra lệnh cho quân đội tiến vào Chechnya, tấn công lực lượng phiến quân đòi ly khai, tháng 12/1994. Hai năm sau, Yeltsin đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ hai và trong thời gian này, các vấn đề liên quan đến tim mạch đã hành hạ ông.
Tổng thống Nga Boris Yeltsin trong chiến dịch vận động tái đắc cử năm 1996. Ảnh: AFP. |
Cuối năm 1996, Boris Yeltsin phải trải qua một ca cuộc thuật đường rẽ của tim và phải nằm điều trị nhiều tháng trong bệnh viện. Trong nhiệm kỳ hai, Yeltsin cũng đã vượt qua hai lần sóng gió lớn trên chính trường, đó là cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị năm 1998 và nỗ lực luận tội ông trong Duma Quốc gia năm 1999.
Cũng trong năm 1999, Yeltsin đã chỉ định một chính trị gia khá kín tiếng vào thời điểm ấy là ông Vladimir Putin vào chức thủ tướng, đồng thời thông báo ý định chọn Putin làm người kế nhiệm của mình. Thời gian này, tỷ lệ ủng hộ đối với Yeltsin xuống đến mức thảm hại và ông quyết định từ chức vào ngày 31/12/1999. Thủ tướng Vladimir Putin trở thành quyền tổng thống và sau đó đắc cử trong cuộc bỏ phiếu.
Sau khi từ chức, cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin hầu như không xuất hiện trước các phương tiện thông tin đại chúng.
Ý kiến bạn đọc