Cấp tiểu học: Bắt đầu “giảm nghỉ hè, tăng nghỉ tết”
Nội dung này được ông Trịnh Quốc Thái - Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - xác nhận, bắt đầu được triển khai từ năm học 2007-2008.
Các em học sinh vui chơi tại công viên Tao Đàn |
Học kỳ 2 có 17 tuần thực học và thời gian nghỉ tối đa là bốn tuần: có 1-2 tuần cho các hoạt động ngoại khóa, tập thể của nhà trường; nghỉ giữa học kỳ 1-2 tuần. Các trường tiểu học sẽ hoàn thành chương trình chậm nhất là ngày 30-6, so với khoảng cuối tháng 5 như hiện nay.
Như vậy, thay vì HS phải học liên tục một mạch chín tháng rồi nghỉ liền ba tháng hè, các em sẽ được phân phối thời gian nghỉ và học cân đối, hợp lý hơn.
Hỏi: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thí điểm hay đồng loạt trong toàn quốc?
Ông Trịnh Quốc Thái: Có thể thực hiện ngay chủ trương này mà không cần phải thí điểm. Chúng tôi dự kiến sẽ đưa vào quy định biên chế năm học theo hướng “mở”: bộ đưa ra khung thời gian một năm học như tôi đã trình bày ở trên; dựa vào đó, giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng biên chế năm học phù hợp các điều kiện thực tế của địa phương mình. Bộ giao quyền chủ động cho các địa phương thực hiện sao cho hợp lý.
Chúng tôi sẽ đưa vào quy định biên chế năm học 2007-2008. Kế hoạch nghỉ học kể trên sẽ được áp dụng từ năm học mới bắt đầu vào tháng 9 tới và kỳ nghỉ hè hai tháng đầu tiên là năm 2008.
Hỏi: Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng áp dụng giải pháp thay đổi biên chế năm học, rút ngắn thời gian nghỉ hè, tăng số ngày nghỉ trong năm học đối với HS tiểu học có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động dạy và học, thưa ông?
Ông Trịnh Quốc Thái: Thực hiện rút ngắn thời gian nghỉ hè để phân bổ thời gian nghỉ đều hơn trong năm học trước hết sẽ phù hợp tâm sinh lý của trẻ trong độ tuổi bậc tiểu học. Đồng thời, trên thực tế,Việt Nam trải rộng qua nhiều vùng miền có những đặc điểm về địa lý, điều kiện khí hậu khác biệt, cũng cần có một quy định về thời gian nghỉ học cho phù hợp.
Với thời lượng và cách phân chia ngày nghỉ mới, chắc chắn có thể giảm bớt cường độ học tập của HS tiểu học, giảm bớt áp lực về thời gian đối với cả thầy và trò trong mỗi học kỳ. HS có thời gian nghỉ giữa học kỳ sau mỗi chặng học tập, nhà trường cũng có thêm thời gian để tổ chức sinh hoạt chuyên đề, bồi dưỡng chuyên môn cho GV.
Hỏi: Theo ông, việc thực hiện kế hoạch này có thành công, đạt được những mục tiêu tích cực như Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn?
Ông Trịnh Quốc Thái: Tôi tin là sẽ thành công, căn cứ trên sự hưởng ứng của dư luận, sự đồng thuận của đông đảo các bậc phụ huynh, chuyên gia giáo dục, giáo viên… Đồng thời còn một yếu tố bảo đảm cho sự thành công, đó là kế hoạch này hoàn toàn phù hợp xu hướng đổi mới công tác quản lý giáo dục hiện nay: tăng cường tính tự chủ của địa phương trong việc lập kế hoạch, giao quyền chủ động nhiều hơn cho các cấp quản lý giáo dục địa phương và bản thân người GV đứng lớp trong việc thực hiện phân phối chương trình.
Xét từ góc độ xã hội, tôi cho rằng đây còn là một biện pháp để giảm bớt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan trong mùa hè. Khi HS nghỉ hè liên tục trong một thời gian dài, phụ huynh vừa khó khăn về điều kiện chăm sóc, kèm cặp, vừa có tâm lý muốn các em không sao nhãng việc học tập, sợ con em quên mất kiến thức sau thời gian nghỉ dài nên sẽ rất dễ hưởng ứng việc học thêm.
Ý kiến bạn đọc