Bầu cử Tổng thống Pháp: Bất ngờ và gay cấn
Chỉ còn một ngày trước khi 44,5 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu chọn người kế nhiệm Tổng thống Jacques Chirac, người ta chưa thể đoán trước người nào trong số 12 ứng cử viên sẽ là chủ nhân của Điện Elysee nhiệm kỳ 2007-2012.
Áp-phích của 12 ứng cử viên |
Đến đúng 0 giờ ngày hôm nay 21-4, giờ khóa cửa các đợt thăm dò dư luận và các đợt vận động tranh cử của 12 ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2007-2012, kết quả các cuộc thăm dò vẫn còn rất mông lung.
Chỉ có một điều chắc chắn là ứng cử viên của đảng cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) Nicolas Sarkozy vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận vừa qua. Ở hai đợt thăm dò dư luận gần đây nhất do hãng IPSOS và IFOP công bố, ứng cử viên Sarkozy vẫn đứng đầu với 30 và 28% số phiếu được hỏi.
Ứng cử viên đảng Xã hội (PS) Segolene Royal, người luôn là đối thủ nặng ký nhất của chủ tịch đảng UMP kể từ đầu chiến dịch tranh cử tới giờ, tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai với 23 và 22,5% số phiếu được hỏi.
Ứng cử viên đảng Liên minh vì nền dân chủ Pháp (UDF) Francois Bayrou chính là nhân vật gây bất ngờ nhất trong cuộc đua giữa Sarkozy - Segolene Royal kể từ đầu chiến dịch tính đến tận cuối tháng 1 vừa qua khi đạt tới tỷ lệ 18 và 20% số phiếu trong hai cuộc thăm dò.
Trong khi đó, ứng cử viên kỳ cựu của đảng cựu hữu Mặt trận quốc gia (FN) Jean Marie Le Pen tiếp tục trở thành dấu hỏi lớn với 13% số phiếu bầu trong cả hai đợt thăm dò dư luận ở lần tranh cử tổng thống thứ 5 và cũng có thể là lần cuối của mình.
Cũng theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, ứng cử viên trẻ tuổi nhất Besancenot của đảng Liên đoàn cộng sản cách mạng (LCR) vừa mới bước sang tuổi 33 đạt được số phiếu cao nhất trong số những ứng cử viên còn lại với 4% số người được hỏi. Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp (PCF) Marie George Buffet thu hút được 2,5% ý kiến người được hỏi. Đứng cuối cùng trong bảng thăm dò ý kiến là ứng viên Gérald Schivardi của Đảng những người lao động (PT), chỉ thu hút được sự ủng hộ của 0,5% số người được thăm dò ý kiến.
Kịch tính tới phút cuối
Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử tổng thống Pháp để lựa chọn vị tổng thống thứ 6 của nền Cộng hòa thứ năm này là cuộc bầu cử gay cấn và quan trọng bậc nhất kể từ năm 1974 tới nay. Chính kết quả các cuộc thăm dò dư luận vừa qua đã chứng minh điều đó.
Theo quy định bầu cử của Pháp, ứng cử viên nào đạt được quá nửa số phiếu bầu ở vòng một sẽ nghiễm nhiên trở thành chủ nhân của điện Elysee. Thế nhưng, kết quả thăm dò dư luận cho thấy hiện nay có tới bốn ứng cử viên có cơ hội lọt vào vòng hai là Nicolas Sarkozy (UMP), Segolene Royal (PS), Francois Bayrou (UDF) và Jean Marie Le Pen (FN). Cũng theo kết quả phân tích, chỉ có cựu Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy là người có nhiều khả năng nhất đi thẳng tới vòng hai, còn cơ hội đang chia đều cho cả ba ứng viên còn lại.
Ứng cử viên Nicolas Sarkozy nhận được sự hậu thuẫn lớn từ phía các nhà lãnh đạo đương nhiệm như Tổng thống Jacques Chirac, Thủ tướng Villepin và đảng cầm quyền UMP được coi là gương mặt sáng giá cho đến thời điểm này khi luôn dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận. Với cương lĩnh tranh cử là “Tập hợp, mọi điều đều có thể xảy ra”, ứng cử viên 52 tuổi khởi đầu sự nghiệp chính trị từ nghề luật sư này được coi là có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo vì đã từng kinh qua các chức vụ như bộ trưởng ngân sách, bộ trưởng kinh tế, bộ trưởng nội vụ, chủ tịch hội đồng tỉnh.
Tuy nhiên, với cách thức xử lý cứng rắn đối với các đối tượng gây ra vụ bạo động ở các khu ngoại ô nghèo ở Pháp cuối năm 2005 và quyết tâm theo đuổi chính sách thắt chặt hơn nữa với người nhập cư bất hợp pháp, ông Sarkozy sẽ khó có thể giành được thiện cảm từ phía các cử tri gốc ngoại quốc.
Ứng cử viên đảng PS Segolene Royal là đối trọng lớn nhất của Nicolas Sarkozy trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua. Vị nữ cựu bộ trưởng môi trường 53 tuổi đã thổi một luồng gió mới vào cuộc tranh cử căng thẳng và nóng bỏng năm nay khi có một số đợt thăm dò dư luận thu được số điểm ngang bằng với ứng cử viên của đảng UMP.
Người ta đã không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng trước áp-phích tranh cử của bà Segolene in dòng chữ rất ngắn gọn nhưng đầy quyết tâm “Sự thay đổi, Segolene Royal nữ tổng thống của nước Pháp”. Cương lĩnh tranh cử của bà là “Công bằng hơn, nước Pháp sẽ mạnh hơn”. Chỉ có sự sụt giảm điểm một cách đều đặn trong những đợt thăm dò dư luận gần đây nhất mới khiến cho những người ủng hộ bà lo ngại về một kết quả không mấy khả quan để trở thành vị nữ tổng thống đầu tiên của nước Pháp, ngay cả một khi bà lọt vào vòng hai với ứng cử viên Sarkozy.
Không còn nghi ngờ gì nữa, gương mặt ấn tượng nhất trong chiến dịch tranh cử vừa qua chính là Francois Bayrou. Ứng cử viên của đảng UDF từ chỗ chỉ đứng thứ tư ở cuộc thăm dò dư luận cuối năm ngoái đã vươn lên thứ ba với số phiếu thăm dò gần bằng Segolene Royal.
Từ một ứng cử viên ít được các phương tiện truyền thông nhắc tới, giờ đây, Francois Bayrou trở thành chủ đề chính của nhiều bài báo, các cuộc tranh luận của các phóng viên, các nhà phân tích chính trị. Thậm chí, trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ứng cử viên đảng UDF còn có nhiều khả năng chiến thắng cựu Bộ trưởng Nội vụ Sarkozy nếu cả hai cùng lọt vào vòng hai. Vị giáo sư văn khoa và là cựu bộ trưởng giáo dục 55 tuổi này đang có lợi thế rất lớn nếu tiếp tục được cử tri tín nhiệm như thời gian qua và lọt vào vòng hai cùng ứng cử viên Sarkozy.
Người được coi là ẩn số lớn nhất đến thời điểm này vẫn không ai khác ngoài ứng cử viên kỳ cựu Jean Marie Le Pen đã 78 tuổi. Vị lãnh đạo đảng FN từng gây sốc lớn trên chính trường Pháp khi lọt vào tới vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống năm 2002 và loại luôn cả người luôn được xếp cao hơn mình là ứng cử viên đảng Xã hội Lionel Jospin tiếp tục khiến dư luận chú ý khi công bố rằng tỷ lệ bỏ phiếu cho ông trong những đợt thăm dò dư luận vừa qua vẫn thấp hơn con số thực tế!
Lịch sử bầu cử Pháp đã cho thấy rằng đôi khi kết quả bầu cử lại trái hẳn với số liệu của các cuộc thăm dò dư luận. Và điều đó đã từng xảy ra với Le Pen. Không loại trừ rằng, một lần nữa, lịch sử lập lại với “kỷ lục gia” về số lần tham gia tranh cử này.
Dựa trên những kết quả thăm dò trên, có thể thấy ba ứng cử viên hàng đầu cho đến thời điểm này có cơ hội lọt vào vòng sau đều là những nhà lãnh đạo chính trị thuộc thế hệ mới, trẻ trung hơn. Tất cả đều tuyên bố sẽ mở ra một thời kỳ mới đối với nước Pháp. Tất cả đều công bố những dự định, chiến lược mang tính đột phá để tạo sự khởi sắc cho một nước Pháp đang trên đà tụt dốc bởi sự trì trệ, bảo thủ và cứng nhắc.
Cuộc bỏ phiếu lịch sử
Theo thông báo của Ủy ban bầu cử Pháp, khoảng 882.000 cử tri thuộc các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp sẽ tiến hành bầu cử sớm hơn vào ngày 21-4. Tiếp đó, các cử tri trên toàn lãnh thổ nước Pháp và một số vùng lãnh thổ hải ngoại sẽ đi bỏ phiếu bầu vị tống thống mới kế nhiệm Tổng thống Jacques Chirac bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày chủ nhật 22-4. Kết quả sơ bộ vòng một sẽ được công bố vào lúc 20 giờ cùng ngày. Nếu không có ứng cử viên nào giành được quá nửa số phiếu bầu, thì vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 6-5 tới giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất.
Cử tri Pháp đang kỳ vọng sẽ tìm được một người lãnh đạo xứng đáng để đưa nước Pháp trở về đúng với vị thế của mình, một thời kỳ khác và ưu việt hơn với những gì đã từng xảy ra khi các cuộc bạo động lan tràn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nợ nần chồng chất, lạm phát leo thang, thu nhập của người dân giảm, các mối mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc.
Có phải vì trách nhiệm của lá phiếu cử tri lớn như thế, nên có tới gần 30 phần trăm cử tri cho đến giờ vẫn lưỡng lự chưa biết bỏ phiếu cho ai?
Ý kiến bạn đọc