Vai trò của người thầy trong cuộc vận động "hai không"
Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" đang được toàn xã hội quan tâm. Nhiều người còn coi đây là cuộc cách mạng lớn, nhằm góp phần chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.
Thử bàn lối ra
Trong bài "Kinh nghiệm ba xây, ba chống" viết ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: "Bất kỳ việc gì bước đầu cũng khó khăn, phải biết gỡ cái nút khó chính thì những khó khăn khác sẽ được giải quyết dễ dàng hơn". Vậy cái nút khó chính trong cuộc vận động này là gì?
Theo chúng tôi, đó không gì khác, trước hết là ở vai trò của người thầy - một khâu quan trọng nhất trong "sự nghiệp trồng người". Sự sa sút, mà đặc biệt là sự sa sút về phẩm chất và đạo đức của người thầy là nguyên nhân chính và cố hữu, dẫn đến việc xuống cấp, yếu kém của ngành giáo dục - đào tạo nước nhà trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đội ngũ những người thầy tốt có bản lĩnh vững vàng, ngày càng có nhiều những "thầy không ra thầy" đã làm cho nhiều lớp "trò không ra trò". Các thầy "dạy không thực chất", "đức không thực chất" chính là nguyên nhân làm cho học trò "học không thực chất" và "thi không thực chất".
Một báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 20-9-2006) đã đưa ra nhiều bất cập trong đội ngũ giáo viên, cả về số lượng và cơ cấu, về trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm. Tỷ lệ đạt chuẩn ở giáo viên mầm non hiện nay chỉ hơn 70%; tỷ lệ giáo viên phổ thông không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn hiện nay ở tiểu học là 23%, THCS là 11,6% và THPT là 19,1%, tỷ lệ giáo viên chưa đạt yêu cầu về năng lực sư phạm khoảng 20%. Đáng chú ý, tỷ lệ giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn về đạo đức ở các cấp từ 3 đến 5%.
Tuy những số liệu trên đây vẫn chỉ là những con số chưa thật đầy đủ, nhưng cũng đủ cho thấy số giáo viên hiện nay không đạt chuẩn về yêu cầu đạo đức nghề nghiệp là không nhỏ (trong tổng số gần một triệu giáo viên trong cả nước).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó có một phần quan trọng nhất là một thời gian dài, chúng ta đã buông lỏng việc giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ làm công tác giáo dục, nhất là đối với giáo viên.
Trong giáo dục và học tập, đã không chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ XHCN, văn hóa, kỹ thuật lao động và sản xuất. Dẫn đến không ít nhà giáo nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí xa lạ với một nền giáo dục XHCN, hiểu lệch lạc về cơ chế thị trường, đã chạy theo những cám dỗ tầm thường trái ngược với bản chất "mô phạm" của người thầy.
Đó chính là nguyên nhân sâu xa nảy sinh những tiêu cực và tệ nạn trong ngành giáo dục - đào tạo. Coi trọng vai trò và chấn chỉnh đội ngũ người thầy chính là gỡ cái nút khó chính của cuộc vận động.
Đây có phải giải pháp duy nhất?
Chúng tôi không khẳng định đây là giải pháp duy nhất, mà chỉ cho rằng là cái nút khó chính của cuộc vận động. Muốn cuộc vận động đi đến kết quả, cần phải kết hợp nhiều giải pháp cụ thể khác, cùng với những chế tài và sự quan tâm đồng bộ của toàn xã hội.
Không phải duy nhất, nhưng chắc chắn đây là giải pháp quan trọng bậc nhất, bởi vì khi nào chúng ta không có đội ngũ người thầy "vừa hồng, vừa chuyên", thì không thể có một nhà trường tốt và một nền giáo dục tốt.
Chúng tôi tâm đắc với một số nhà khoa học và nghiên cứu giáo dục đã đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện cuộc vận động như: Phải kiên quyết xóa bỏ ngay nạn dạy thêm, học thêm tràn lan; có chế tài rõ ràng với các giám thị khi để cho học sinh quay cóp, gian lận trong thi cử; kỷ luật nghiêm khắc với hành vi hối lộ, nhận hối lộ trong việc chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, chạy bằng; xây phương thức tuyển sinh thích hợp; kiểm tra "thực chất" bằng cách "thi kiểm định xác suất", v.v.
Tuy nhiên, càng trăn trở, càng suy ngẫm một cách thấu đáo thì đó cũng chỉ là những giải pháp cụ thể mang tính "hạ sốt", chứ chưa phải là giải pháp để chữa trị tận gốc căn bệnh trầm kha này.
Những giải pháp cấm học thêm, dạy thêm, thi môn nọ, môn kia, xét học bạ, cộng điểm học sinh giỏi, chống quay cóp,... đã diễn ra hàng chục năm nay ở lúc này, lúc khác, ở chỗ này, chỗ khác, mà theo chúng tôi, nguyên nhân chính vẫn là sự "xuống cấp" trong đội ngũ người thầy.
Suy cho cùng, nếu không làm ngay việc giáo dục lại đội ngũ người thầy thì chúng ta khó lòng thực hiện cuộc vận động và rồi tiêu cực vẫn nảy sinh trong cái vòng luẩn quẩn. Còn giáo dục như thế nào thì không ai khác, trước hết chính là lực lượng làm giáo dục. Hơn ai hết, thầy giáo, cô giáo phải tìm tòi, hiến kế các giải pháp cho quá trình tự "gột rửa" đội ngũ mình như thầy Khoa, thầy Hoàng và nhiều tấm gương khác, dù nghèo khó vẫn luôn "nói không với tiêu cực".
Tin rằng, thầy tốt sẽ được toàn xã hội tôn vinh, quý trọng, chia sẻ khó khăn và hết lòng che chở. Giáo dục lại người thầy chính là gỡ cái nút khó chính trong cuộc vận động, góp phần quan trọng giải quyết tận gốc căn bệnh tiêu cực mà nhân dân đang mong đợi.
Ý kiến bạn đọc