Thế giới chung tay vượt qua cơn khát

16:30, 23/03/2007

Ngày Nước thế giới năm nay với chủ đề "Ðối phó với khan hiếm nước" nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác ở cấp độ quốc gia và quốc tế để bảo vệ nguồn nước trên toàn cầu.


Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) dự báo, đến năm 2025, khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới sẽ sống trong các vùng khan hiếm nước nghiêm trọng; hai phần ba dân số thế giới phải sống trong điều kiện thiếu nước. Vì vậy, quản lý nguồn nước công bằng, hiệu quả và bền vững là thách thức lớn trong tương lai.

Nước là yếu tố thiết yếu đối với phát triển và xóa đói, giảm nghèo. Khả năng tiếp cận với nước sinh hoạt là nhu cầu căn bản nhất của con người và là trọng tâm của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tuy nhiên, hiện nay, gần 1,1 tỷ người, chủ yếu tại các nước đang phát triển, đang không được tiếp cận các nguồn nước uống sạch và hơn 2,4 tỷ người đang phải sử dụng nước thiếu vệ sinh.

Ước tính đến năm 2050, khoảng 2-7 tỷ người trong tổng dân số thế giới là 9,3 tỷ người sẽ bị thiếu nước do bùng nổ dân số, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Khoảng một phần năm số quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trong 30 năm tới.

Theo báo cáo của FAO, trong thế kỷ qua, mức độ sử dụng nước đã tăng gấp đôi tốc độ tăng dân số, đặc biệt tại các vùng khô hạn, nơi có hơn 2 tỷ người sinh sống và một nửa trong số đó là người nghèo. Hầu hết các nước này nằm ở vùng Cận Ðông, Nam Á và Bắc Phi.

Các cuộc xung đột về nước đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Ðông và châu Phi trong vài thế kỷ nay. Chương trình đánh giá nguồn nước toàn cầu (WWAP) cho biết, đến năm 2020, mức tiêu thụ nước tính theo đầu người trên toàn thế giới sẽ bị giảm đi một phần ba so với hiện nay. Ðến năm 2025, hai phần ba dân số thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng.

Nông nghiệp là ngành sử dụng nước nhiều nhất, chiếm hơn 70% lượng nước của các hồ chứa, kênh rạch và từ nguồn nước ngầm trên thế giới. Trong khi đó, 60% lượng nước này bị sử dụng không hiệu quả. Tính trung bình, để sản xuất 1 tấn gạo cần tới 1.000 tấn nước. Do tình trạng thiếu nước, đến năm 2030, sẽ có tới 45 triệu ha canh tác sẽ không đủ nước tưới.

Ðể giải quyết thách thức trên, các chuyên gia kinh tế kêu gọi tăng cường các kỹ thuật tưới tiêu hợp lý hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc canh tác các loại cây trồng có sức đề kháng cao với khô hạn và nước mặn có thể hạn chế được việc sử dụng nước. Nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống phân phối nước sẽ giảm khối lượng nước thất thoát trong quá trình tưới tiêu. Một trong những giải pháp đối phó khan hiếm nguồn nước là áp dụng các biện pháp kỹ thuật như thu nước mưa, giảm lượng nước lãng phí trong tưới tiêu, tăng hiệu suất sử dụng nước, thay đổi mùa vụ và chế độ tưới.

Một nguyên nhân khác gây thiếu nước ngọt là tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Theo cảnh báo của WWAP, hầu hết các con sông lớn trên thế giới hiện nay đều nằm trong tình trạng ô nhiễm. Tới năm 2020, lượng nước trung bình được cung cấp cho mỗi người dân trên thế giới sẽ chỉ bằng một phần ba so với hiện nay. Mục tiêu giảm một nửa số người nghèo cùng cực trên toàn thế giới khó có thể đạt được trước năm 2030 bởi những ước tính trước kia về sản lượng lương thực không đạt được do thiếu nước tưới tiêu. LHQ cho biết, cuộc khủng hoảng nước của thế giới nghiêm trọng tới mức có thể phải mất 30 năm để xóa đói nghèo.

LHQ đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 giảm một nửa số người không được dùng nước sạch trên thế giới. Nhiệm vụ này rất khó khăn do tốc độ tăng dân số quá nhanh và việc đầu tư cho các dự án nâng cấp hệ thống nước ngọt ngày càng giảm. Hiện nay, viện trợ phát triển dành cho các dự án về nước tại những nước nghèo chỉ có khoảng từ 4 đến 4,5 tỷ USD/năm, do đó cần tăng gấp đôi khoản viện trợ phát triển cho các dự án về nước cũng như tăng số tiền tài trợ cho mỗi dự án.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Iraq: Đạn súng cối bắn vào địa điểm Tổng thư ký LHQ đang họp báo
Hôm nay một quả đạn súng cối đã làm rung chuyển nơi Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Thủ tướng Iraq Nouri Maliki đang tiến hành họp báo tại Baghdad.
23/03/2007
Hoa Kỳ giúp Việt Nam tăng cường an ninh hạt nhân và phòng, chống cúm gia cầm
Ngày 21.3, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM cho biết: Trung tuần tháng ba, tại Washington, Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia-Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (NNSA) đã ký một hợp đồng với Uỷ ban Năng lượng nguyên tử (VAEC)-Bộ KHCN VN, về việc lò phản ứng Đà Lạt sẽ được chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu urani làm giàu mức độ cao (HEU) sang nhiên liệu urani làm giàu ở mức thấp (LEU).
22/03/2007
Thái-lan cam kết tôn trọng tiến trình dân chủ
Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia (CNS) Sondhi Boonyaratkalin hôm nay thừa nhận có những chậm trễ trong việc thiết lập nền dân chủ như ước nguyện của người dân, tuy nhiên CNS và chính phủ Thái-lan sẽ nỗ lực để thực hiện các cam kết theo lộ trình dân chủ đã vạch ra.
21/03/2007
Nga: Số thợ mỏ thiệt mạng đã lên tới hơn 100 người
Các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy một người sống sót hôm 20/3 và đang tìm kiếm 4 người còn mất tích tại một mỏ than ở Siberia sau khi 106 công nhân thiệt mạng trong thảm họa hầm mỏ tồi tệ nhất tại Nga kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ
21/03/2007