Sẽ bỏ kỳ thi đại học vào năm tới?

15:02, 28/03/2007

Không còn hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ riêng rẽ, thay vào đó là một “kỳ thi quốc gia sau THPT”.


Đó là nội dung chính của đề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh được Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục soạn thảo.

Tại cuộc hội thảo góp ý kiến cho đề án này tại Hà Nội sáng 27-3, Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục KT&KĐCLGD. Ông Ninh cho hay:

- Theo đề án được chúng tôi xây dựng, từ năm 2008 sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia với tên gọi “Kỳ thi quốc gia sau THPT”. Kết quả kỳ thi sẽ vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào trường ĐH, CĐ, TCCN. Dự kiến kỳ thi này sẽ được tổ chức vào tháng bảy hằng năm. Kỳ thi quốc gia sau THPT sẽ thi tất cả tám môn trong chương trình THPT bao gồm toán, ngữ văn (gồm phần ngôn ngữ và văn học), ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Trong các kỳ thi sau THPT sẽ chỉ có một đề thi chung, không phân biệt hệ THPT và bổ túc THPT.

* Thi nhiều môn như vậy có quá nặng cho thí sinh (TS)?

- Tăng số môn trong kỳ thi nhưng không phải TS sẽ thi cả tám môn. Để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, TS vẫn chỉ thi sáu môn như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Trong đó có ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, một môn bắt buộc do Bộ GD&ĐT qui định hằng năm, đảm bảo để HS học toàn diện. Hai môn còn lại do TS tự chọn trong số các môn còn lại. TS không được học ngoại ngữ (ví dụ HS học theo chương trình bổ túc THPT) hoặc học không đủ thời gian qui định sẽ được thi thay thế ngoại ngữ bằng môn khác.

* Phương thức xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, TCCN sẽ như thế nào, thưa ông?

- Để sử dụng kết quả trong kỳ thi này xét tuyển vào ĐH, CĐ hay TCCN, trước kỳ thi, các trường ĐH, CĐ và TCCN phải công bố các môn thi theo yêu cầu tuyển chọn vào các ngành đào tạo của trường mình, kể cả môn năng khiếu nếu có, không nhất thiết phải theo các khối thi như hiện nay. TS dự định đăng ký xét tuyển vào trường nào sẽ chọn môn thi phù hợp để lấy kết quả dự tuyển vào trường đó và những trường có cùng môn thi, khối thi khác. Riêng các môn năng khiếu sẽ tổ chức thi riêng.

Theo dự kiến, HS được đăng ký môn thi trong tháng sáu. Lịch thi sẽ được sắp xếp lần lượt liên tục để nếu TS có nhu cầu, nguyện vọng có thể dự thi tối đa đủ cả tám môn, lấy kết quả xét tuyển vào nhiều trường ĐH khác nhau. Mặt khác phương thức thi cũng thay đổi: chuyển toàn bộ sang thi trắc nghiệm với thời lượng thi rút ngắn còn một nửa và TS được chủ động lựa chọn những môn thi phù hợp. Kỳ thi này hoàn toàn không nặng hơn so với hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh hiện nay.

* Yếu tố “đổi mới”, “cải tiến” của phương án một kỳ thi quốc gia sau THPT so với cách thi cử hiện nay là gì, thưa ông?

- Khi chúng ta chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN là đã đạt được một số yêu cầu: TS sẽ chỉ phải thi một lần ở nơi gần nhất, giảm áp lực, giảm tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức... cho cả TS và xã hội. Để tổ chức được một kỳ thi theo phương hướng như tôi đã trình bày, sẽ phải thực hiện một loạt giải pháp. Và mỗi giải pháp đó đồng thời chính là một việc làm mang tính đổi mới, cải tiến. Trước hết, với một kỳ thi quốc gia như vậy, chúng ta sẽ hoàn thành khâu thi, có kết quả rồi mới tổ chức xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh. Như vậy ta đã đạt được một mục tiêu lâu nay của cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ, đó là việc tách riêng “thi” và “tuyển”, Bộ GD&ĐT đảm trách phần thi, các trường ĐH, CĐ được tự chủ, chủ động trong khâu tuyển. Đồng thời, TS có cơ hội đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau hơn tùy thuộc khả năng và nguyện vọng do không bị ràng buộc bởi ba môn thi của từng khối thi cố định như hiện nay.

* Thưa ông, các trường lo ngại thi như vậy, độ chính xác của kết quả nằm ngoài sự kiểm soát của các trường ĐH, CĐ (nếu có tiêu cực coi thi)?

- Thứ nhất là thi bằng phương pháp trắc nghiệm có thể hạn chế đến mức tối thiểu sự gian lận, tiêu cực, nhất là những tiêu cực mang tính tổ chức. Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp chúng ta thực hiện những biện pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát, hạn chế tiêu cực, giảm sự can thiệp của con người vào quá trình thi cử giúp cuộc thi có chất lượng cao hơn, khách quan hơn... Thứ ba, còn có sự giám sát của xã hội.

* Thưa ông, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng không nên tổ chức thi “hai trong một” vì mục đích của hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là khác nhau?

- Có thể tổ chức một kỳ thi quốc gia phục vụ cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN vì hai mục tiêu này cùng dựa trên yêu cầu kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT. Mức độ yêu cầu có thể khác nhau. Chúng tôi sẽ giải quyết sự khác nhau đó bằng đề thi. Đó là vấn đề mang tính kỹ thuật, một đề thi hoàn toàn có thể thỏa mãn được hai yêu cầu, mục tiêu khác nhau: mỗi môn thi đều ra theo chương trình THPT, có phần đề thi theo chương trình chuẩn để có điểm sàn xét tốt nghiệp và phần đề thi theo chương trình nâng cao, phân hóa tương ứng với mức điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ.  


Tuổi trẻ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

30-3: Công bố môn thi tốt nghiệp THPT
Theo thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, ngày 30-3 sẽ công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT 2007.
28/03/2007
Myanmar giới thiệu thủ đô mới
Hôm nay, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Myamar đã giới thiệu về thủ đô mới với thế giới bên ngoài. Thủ đô mới của Myanmar sẽ là Naypyidaw hiện đang được xây dựng cách thủ đô cũ Rangoon 460 km về phía bắc.
28/03/2007
Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ được quyền xét tuyển thẳng
Bộ GD-ĐT vừa có công văn cụ thể hóa hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2007. Theo đó, sẽ tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đối với thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) lớp 12 trung học phổ thông (THPT) năm 2006 đã tốt nghiệp THPT năm 2007 được tuyển thẳng vào ĐH, CĐ.
28/03/2007
Tăng cường giám sát thi tốt nghiệp THPT
Tại hội thảo tập huấn về thi năm 2007 do Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục tổ chức sáng 27/3, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ mời các tổ chức xã hội như cựu giáo chức, hội khuyến học, cựu chiến binh... tham gia giám sát, bảo vệ cho kì thi tốt nghiệp THPT 2007.
28/03/2007