Giao ban giám đốc Sở GD&ĐT - Thảo luận vấn đề: Học sinh yếu kém và “ngồi nhầm lớp”

08:29, 13/03/2007

Hội nghị giao ban giám đốc sở GD&ĐT được tổ chức vào ngày 7/3 qua cầu truyền hình với 4 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.


Với việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “hai không” do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát động, học kỳ 1 vừa qua các sở GD&ĐT đã rà soát kết quả học tập của HS các cấp để có đánh giá thực chất hơn.

Kết quả xếp loại học lực của HS các cấp trên toàn quốc trong học kỳ qua có những thay đổi. Tỷ lệ HS được xác định có học lực yếu, kém nhiều hơn so với các năm trước. Nếu các năm trước, tỷ lệ HS yếu, kém các cấp chỉ ở mức dưới 10%, thì kết quả vừa qua cho thấy, bậc tiểu học trên toàn quốc, tỷ lệ HS yếu kém là 5,7%, bậc THCS là 17% và bậc THPT là 23%. Có những tỉnh, tỷ lệ HS yếu, kém ở mức từ 40- trên 50%. Tình hình mới đặt ra vấn đề phải làm gì để giúp đỡ HS có học lực yếu, kém và chấm dứt tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”. Đây cũng là nội dung xuyên suốt của cuộc họp giao ban giám đốc sở GD&ĐT vừa được tổ chức.

Số HS yếu, kém tăng từ 2-3 lần so với các năm trước

Báo cáo kết quả tổng hợp rà soát HS phổ thông yếu, kém trên toàn quốc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng cho biết: Số lượng HS yếu, kém trong đợt rà soát vừa qua ở nhiều địa phương tăng gấp 2-3 lần so với các năm trước. Kết quả trên không có nghĩa là năm học này, chất lượng GD giảm sút hơn mà đó là sự phản ánh thực chất hơn về học lực của HS. HS yếu, kém là thực trạng vốn có của tất cả các sở GD&ĐT, nhưng chậm được khắc phục nên tồn đọng kéo dài.

Nếu so sánh với kết quả tốt nghiệp của HS nhiều năm qua, tỷ lệ HS yếu, kém vừa được các cơ sở báo cáo có thể khiến dư luận lo ngại. Tuy nhiên việc nhìn thẳng vào thực tế để đi tìm giải pháp khắc phục mới là hướng đi được dư luận xã hội đồng tình.

Theo đánh giá chung của Bộ GD&ĐT, việc rà soát, phân loại học lực của HS vừa qua đã được thực hiện nghiêm túc và kết quả tương đối sát với thực tế. HS yếu, kém tập trung chủ yếu ở các vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sâu, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Trong cuộc giao ban các giám đốc sở GD&ĐT, một số giám đốc lãnh đạo ngành GD&ĐT các tỉnh cũng thừa nhận tỷ lệ HS yếu kém cao và tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”. Giám đốc sở GD&ĐT Khánh Hòa phát biểu: Không chỉ có chuyện HS “ngồi nhầm” 1 lớp mà còn có những HS “ngồi nhầm” đến 3 lớp. Bà Phạm Thu Hà, giám đốc sở GD&ĐT Đồng Tháp cũng khẳng định: Thực tế (ở nhiều địa phương) có HS “ngồi nhầm” đến cả một cấp học.

HS yếu, kém không có nghĩa là đều “ngồi nhầm lớp”. Nhưng thực tế có những HS vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến chỉ đạt học lực yếu, kém song vẫn cứ được lên lớp như mọi HS bình thường khác. Vì thế hơn cả tình trạng HS yếu, kém, việc HS “ngồi nhầm lớp” trở thành vấn đề nhức nhối trong ngành GD&ĐT ở nhiều địa phương những năm qua.

Không phải lỗi của riêng ai?

Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT đã phân tích những nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng có HS yếu kém, trong đó có nhiều nguyên nhân thuộc về ngành GD&ĐT. Đó là sự hạn chế, chưa sâu sát trong công tác chỉ đạo của các cấp quản lý GD, chưa dám nhìn thẳng vào thực trạng yếu, kém về chất lượng GD của các địa phương để giải quyết. Có một số cán bộ quản lý yếu kém về trình độ, năng lực quản lý, nhận thức không đúng đắn về chất lượng GD về chất lượng phổ cập GD, chưa thực sự tâm huyết, có trách nhiệm với nghề nghiệp, thiếu sự kiểm tra sát sao dẫn đến việc có những HS “ngồi nhầm lớp” trong nhiều năm mà không có biện pháp giúp đỡ các em tiến bộ.

Đội ngũ GV những năm qua trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, không đồng bộ. GV ở các vùng khó khăn yếu kém về năng lực trình độ chuyên môn, khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ, khó khăn trong giao tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi phải đảm nhiệm dạy nhiều đối tượng HS, dạy chéo môn, chéo ban, dạy nhiều giờ.

Những HS yếu, kém đa phần rơi vào trường hợp HS không nhận thức đúng đắn về mục đích học tập, lười học hoặc không có thời gian học tập. Một bộ phận HS yếu kém thuộc diện thiểu năng trí tuệ, phải tham gia học hòa nhập

HS yếu kém cũng do nhận thức của một số cán bộ, nhân dân ở các địa phương về GD. Thay vào việc quan tâm để con em mình có kết quả học thật, thi thật thì chỉ chú trọng đến việc làm sao để có kết quả đánh giá, thi cử tốt nên đã có tác động tiêu cực đến đội ngũ cán bộ quản lý GD và các nhà giáo.

Bên cạnh đó, những khu vực kinh tế - xã hội, trình độ dân trí chậm phát triển, điều kiện dạy và học thiếu thốn, điều kiện địa lý, giao thông đi lại khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng GD thấp, có nhiều HS yếu, kém. Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không tạo điều kiện cho trẻ được học tập, những gia đình không quan tâm đúng mức đến việc học tập của con trẻ cũng khiến trẻ sa sút dần và trở nên những HS yếu, kém.

Nhiều giám đốc sở GD&ĐT nhất chí với phân tích của Bộ GD&ĐT. Đề cập đến vấn đề năng lực của GV, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh phát biểu: Có một vấn đề mà chúng tôi nhận thấy chưa được giải quyết triệt để là GV của chúng ta chưa thể sâu sát đến từng đối tượng HS khác nhau trong một lớp học. Phần nhiều GV sa vào việc cố gắng hết sức thực hiện các yêu cầu của chương trình- SGK nên bỏ sót việc kèm cặp đối với HS yếu, kém. Trong khi đó, tình trạng sỹ số HS/lớp đông, ở nhiều khu vực, nhiều trường, HS chưa được học 2 buổi/ngày cũng là một trở ngại trong việc khắc phục tình trạng HS yếu, kém.

Theo kết quả đánh giá, HS các vùng khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ yếu, kém cao. Trong khi có một nguyên nhân “kéo lùi chất lượng GD” mà nhiều vị lãnh đạo các sở đề cập đến lại là việc dạy tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ vào lớp 1 nhưng không giao tiếp được với cô giáo thì không thể nói là đạt được chất lượng dạy học tốt. Tuy tỷ lệ HS yếu, kém gia tăng theo cấp học, bậc học cao tỷ lệ này càng lớn. Nhưng theo một số lãnh đạo cấp sở thì việc “làm tốt cái móng” quan trọng hơn nhiều. Đa phần những HS yếu kém đều bị hổng kiến thức ngay từ bậc học đầu tiên. Theo ông Nguyễn Văn Quý, giám đốc sở GD&ĐT Yên Bái thì một khi hệ thống GD mầm non còn chưa làm tốt việc chuẩn bị cho trẻ những điều kiện cần thiết để bước vào lớp 1 thì tình trạng HS yếu, kém chưa thể khắc phục được.

Ông Đỗ Hữu Tài, phó giám đốc sở GD Đồng Nai đề cập đến vấn đề chia sẻ trách nhiệm của các cấp ngành, chính quyền địa phương với GD. Một số lãnh đạo các sở cũng bày tỏ băn khoăn khi thực hiện việc “đánh giá thực chất” thì lại bị địa phương “kiểm điểm”. Điều đó “góp phần” làm gia tăng bệnh thành tích, gia tăng tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”, HS yếu kém. Ngay trong cuộc họp giao ban giám đốc sở, có vị giám đốc cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cho “hạ từ từ” kết quả tốt nghiệp năm nay để tránh...sốc. Những điều còn lăn tăn này có thể sẽ làm giảm sự quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề HS yếu, kém như cách ví von của một vị giám đốc sở “tư tưởng không thông thì đeo bình tông cũng nặng!”

Phụ đạo “tại chỗ” hay cho HS lưu ban?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân:

“Nếu chúng ta làm nghiêm túc thì không ít kết quả thi đua các năm trước sẽ không có lại nữa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thể giúp đỡ thêm một bộ phận thanh, thiếu niên có đủ năng lực để bước vào đời. Mục tiêu của ngành GD&ĐT không phải là việc cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho các em mà là việc cung cấp kiến thức thực sự và kỹ năng. Nếu chúng ta cứ khuyến khích HS lên lớp mà không hiểu biết gì, sợ HS nghỉ học mà cho các em lên lớp thì chúng ta sẽ phải gánh lấy hậu quả. Chúng ta buồn vì kết quả đánh giá vừa qua cho thấy tỷ lệ HS yếu, kém còn cao. Nhưng lúc này không nên đổ lỗi cho nhau. Mỗi lực lượng xã hội đều có một phần trách nhiệm trong vấn đề này, trong đó có các thầy cô giáo, cán bộ quản lý GD, có chính quyền địa phương, các đoàn thể, gia đình và bản thân các em HS. Với trách nhiệm của mình, chúng ta phải khẳng định được rằng ngành GD&ĐT không buông tay trong việc khắc phục tình trạng HS yếu kém và kêu gọi các lực lượng xã hội cùng đồng lòng để thay đổi môi trường GD theo hướng tích cực...”

Về giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng HS yếu kém, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo các sở GD&ĐT tập trung thảo luận hai hướng thực hiện : Nên giúp đỡ HS yếu, kém theo cách bồi dưỡng, phụ đạo để các em bổ sung kiến thức theo kịp các HS khác trong lớp hay chuyển các em xuống lớp dưới, đúng với trình độ của các em? Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng cũng đề nghị đại diện các sở GD&ĐT thảo luận về ý kiến “ nên hay không cho HS yếu, kém học chương trình rút gọn, chỉ tập trung học các môn chính (như chương trình phổ cập GD)

Đa số các ý kiến cho rằng: Nên thực hiện việc phụ đạo cho HS yếu, kém trước. Sau khi phụ đạo, bồi dưỡng thêm ngoài giờ học chính, trong dịp hè mà những HS trong diện trên vẫn không tiến bộ được thì phải cho các em xuống lớp học dưới.

Tuy nhiên, với giải pháp trước mắt trên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ khó khăn mà chỉ có ngành GD&ĐT địa phương thì không giải quyết được.

Nhấn mạnh về những giải pháp trước mắt, ngay trong năm học này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu: Trước mắt là phải nỗ lực bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho các em HS yếu, kém. Các cơ sở GD ngay từ bây giờ phải rà soát, lập danh sách những HS có “nguy cơ trở thành HS yếu, kém” để có kế hoạch bồi dưỡng trong hè. Ưu tiên những HS các lớp cuối cấp, như lớp 5, lớp 9, lớp 12. Vì nếu các em HS yếu kém ở bậc học dưới, chuyển sang bậc học mới sẽ rất khó khăn cho việc phụ đạo. Bộ trưởng đề nghị các sở nên thảo luận và có ý kiến về việc tổ chức học kỳ thứ 3 cho HS lớp 12 năm nay trong diện yếu, kém. Sau đó sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cho đối tượng này. Giải pháp này sẽ tạo điều kiện cho những HS yếu, kém được củng cố kiến thức và đỗ tốt nghiệp một cách thực chất.

Về lâu dài, Bộ trưởng khẳng định sẽ phải có giải pháp để nâng chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm, trong đó chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm tăng cường về số và chất cho đội ngũ GV. Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng đề án tăng lương cho GV theo lộ trình đến năm 2010, tiếp tục hoàn chỉnh đổi mới chương trình GSK, phương tiện dạy học, tăng cường xã hội hóa GD, tăng số HS được học 2 buổi/ngày, vận động trong toàn ngành đóng góp ít nhất 1 ngày lương để xây nhà công vụ cho GV các vùng khó khăn... Bộ trưởng đề nghị Vụ GD Mầm non xây dựng chương trình “quá độ” để HS độ tuổi mầm non ở các vùng đặc thù nhưng chưa phát triển hệ thống trường mầm non được chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi vào lớp 1.

Bộ trưởng chỉ đạo phân phối chương trình chỉ nên mang tính định hướng, còn việc phân phối chương trình cụ thể theo tuần thì giao cho các sở GD&ĐT. Các sở GD&ĐT cũng không triển khai cứng nhắc mà nên để các trường linh hoạt, tạo điều kiện cho GV chủ động dạy học phù hợp với đối tượng HS. Các cơ sở GD tiến hành rà soát, phân loại nhóm đối tượng HS có lực học yếu, kém để thống nhất kế hoạch dạy học tương ứng trong hội đồng sư phạm và cha mẹ HS.. Tăng cường công tác thanh tra chuyên môn thường xuyên và đột xuất nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả dạy học của các cơ sở GD.

Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề HS yếu, kém, xin Thủ tướng có thông báo gửi các UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp với ngành GD giải quyết vấn đề này. Bộ GD&ĐT cũng sẽ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương trong việc triển khai phụ đạo cho HS yếu, kém.
Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thì trong 3 năm tới sẽ phải nỗ lực để chấm dứt tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”. Tuy nhiên, việc giảm tỷ lệ HS yếu, kém sẽ là việc phải làm lâu dài, kiên trì với sự hợp sức, hợp lòng của các lực lượng xã hội, trong đó trách nhiệm chính là của ngành GD&ĐT.


Giáo dục và thời đại

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thêm 30 trường ĐH, CĐ đào tạo liên thông
Bộ GD-ĐT vừa quyết định cho phép thêm 30 trường ĐH, CĐ trong cả nước được đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lên CĐ, từ TCCN lên ĐH và từ CĐ lên ĐH từ năm học 2007-2008.
13/03/2007
Tổng thống Jacques Chirac không tranh cử nhiệm kỳ ba
Tổng thống Pháp Jacques Chirac hôm qua tuyên bố sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ ba trong cuộc bầu cử năm nay.
13/03/2007
Hệ quả của bệnh thành tích
Tại hội nghị giao ban các giám đốc sở GD-ĐT trong cả nước qua cầu truyền hình do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 7-3, đã nêu ra những con số “đau lòng”: Kết thúc học kỳ I năm học 2006-2007 đã phát hiện 2,1 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT có học lực yếu kém (một con số chưa từng xuất hiện trong nhiều năm gần đây).
12/03/2007
Chuyến công du đối đầu giữa 2 đối thủ tại Mỹ La-tinh
Không chịu được thái độ "lấn sân" của Tổng thống Mỹ khi ông này thực hiện chuyến thăm các cường quốc tại Nam Mỹ, người dẫn đầu làn sóng thiên tả, Tổng thống Venezuela H.Chavez cũng lên lịch công du các nước láng giềng.
12/03/2007