Chọn trường dự thi như thế nào?
Nhiều câu hỏi tại các buổi tư vấn xoay quanh việc chọn trường ngành như thế nào? Nhằm tạo thêm thông tin, giúp thí sinh vững tin, chọn ngành - trường để đăng ký dự thi, chúng tôi lưu ý như sau:
Phải hiểu chính bản thân mình
Để hiểu được, các bạn có thể trao đổi với người thân để trả lời được các câu hỏi: Điều gì là quan trọng nhất đối với mình? Lý tưởng nghề nghiệp của mình là gì? Tại sao bạn quan tâm đến nghề nào đó? Và ai có ảnh hưởng hoặc bạn làm thế nào để phát triển sở thích của mình?
Tiếp theo, bạn hãy trả lời câu hỏi: “Mình sẽ phù hợp với những lĩnh vực nghề nghiệp nào?”. Bạn có thể xác định sở thích nghề nghiệp của mình bằng cách làm các bài trắc nghiệm, trong đó không cần nói nghề nào bạn đang theo đuổi.
Theo J. Holland, bất kỳ ai cũng thuộc vào một trong 6 nhóm sở thích nghề nghiệp đặc trưng sau đây: Realistic - tạm dịch là thực tế (R); Investigate - tạm dịch là tìm tòi (I); Artistic - nghệ thuật (A); Social - xã hội (S); Enterprising - dám làm (E) và cuối cùng là Conventional - quy củ (C).
Ứng với mỗi nhóm sẽ có những lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp. Thử làm trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp để tìm hiểu và xác định các ngành phù hợp nhất với mình (sở thích và sức học), qua đó giúp các bạn tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình.
Cuối cùng bạn trả lời câu hỏi: “Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn?”. Bởi nếu chọn được nghề phù hợp, bạn sẽ hạnh phúc hơn, thành công nhanh, gắn bó lâu dài với nghề và ít bị áp lực trong quá trình học tập cũng như làm việc sau này.
Nghiên cứu, tìm hiểu về các ngành-trường:
a. Ngành nào vừa sức? Dựa vào kết quả điểm chuẩn tuyển sinh trong nhiều năm qua, trong đó không xem trọng tỉ lệ ĐKDT/chỉ tiêu, thì có thể chia các trường thành 3 nhóm: Ngành có điểm chuẩn cao (từ 20 điểm trở lên), ngành top giữa và ngành có điểm chuẩn ngang với điểm sàn.
b. Ngành nào là ngành mũi nhọn của thế kỷ XXI? Các bạn có thể tìm hiểu qua các website việc làm, báo chí hoặc qua người thân, nhà tư vấn… Một số website hữu ích như: www.tut.edu.vn/huongnghiep, trắc nghiệm hướng nghiệp, tìm hiểu ngành đào tạo tại các trường đại học cao đẳng;
www.huongnghiep.com.vn, tìm hiểu các thông tin về nghề nghiệp hoặc tham khảo điều kiện tuyển dụng trên các web: http://vietnamworks.com/, http://vietjob.com/.
Xác định năng lực học tập:
Với các học sinh giỏi, việc chọn cho mình một ngành học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông hoàn toàn phụ thuộc vào sự say mê ngành nghề của mình.
Với các học sinh còn lại, ngoài việc tìm hiểu về bản thân thích gì và phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào, học sinh cần tự đánh giá học lực của bản thân trước khi quyết định nên chọn thi ở trường nào. Bạn lần lượt làm theo các bước sau:
Bước 1 - Xác định khối thi nổi trội nhất: Kỳ thi tuyển sinh đại học thường có các khối thi A, B, C, D với các môn thi tương ứng: Toán, Lý, Hóa; Toán, Hóa, Sinh; Văn, Sử, Địa; Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Căn cứ kết quả học tập THPT của các môn này, bạn xác định hai khối thi nổi trội nhất bằng cách xác định điểm học tập của từng khối = Tổng trung bình các môn của khối. Ví dụ: điểm học tập của khối A=trung bình môn toán+trung bình môn lý+ trung bình môn hóa.
Bước 2 - Xác định khả năng tự làm bài thi tuyển sinh. Bạn có thể tự ước đoán khả năng tự làm bài thi tuyển sinh (của khối thi tương ứng), gọi đó là hệ số K, thường 0 K 1. K phụ thuộc nhiều yếu tố.
Ngoài ra, hệ số K cũng có thể được ước đoán bằng cách giải đề thi tuyển sinh (có cùng khối thi) của 2 năm gần nhất, sau đó lấy tổng số điểm của các môn chia cho 60.
Bước 3 - Ước đoán kết quả thi đại học. Mức điểm ước đạt của bạn ứng với khối thi đã chọn cho kỳ thi sắp tới được tính theo công thức: Điểm học tập của khối thi K.
Cuối cùng, dựa vào điểm chuẩn tuyển sinh các năm trước, bạn mới quyết định chọn trường và làm các thủ tục đăng ký dự thi.
Ngoài ra, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi các bạn không cần quan tâm đến nguyện vọng 2, 3 vì chỉ có một NV duy nhất trên hồ sơ đăng kỳ dự thi. NV2, 3 chỉ quan tâm đến sau khi có kết quả thi, chưa trúng tuyển và có kết quả từ điểm sàn trở lên.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều năm qua cho thấy NV2, 3 chỉ là cơ hội cho các thí sinh có kết quả thi cao nhưng chưa trúng tuyển, vì vậy các bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đặt bút làm hồ sơ đăng ký dự thi.
TS Lê Thị Thanh Mai
Chuyên viên Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM/ TPO
Ý kiến bạn đọc