Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ bắt đầu chuyến thăm Trung Đông
Phóng viên BBC Jonathan Beale đi đưa tin chuyến thăm Trung Đông lần này của bà C. Rice nói, việc giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine mang ý nghĩa cấp bách mới ít nhất cũng bởi vì các quốc gia A-rập nói rằng điều này là thiết yếu để mang lại sự ổn định ở Iraq và cho toàn khu vực Trung Đông.
Ông Zalmay Khalilzad, Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Iraq cảnh báo xung đột tại Iraq có thể là mối nguy hiểm cho toàn vùng Trung Đông. Ông nói, sự chia rẽ giáo phái đang ngày càng sâu sắc ở Trung Đông là do những xung đột đẫm máu giữa người A-rập Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shiite tại Iraq.
Các quan chức Mỹ cho biết, tại thành phố Aswan của Ai Cập, bà C. Rice sẽ gặp các nhà lãnh đạo Ai Cập, Jordan, A-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất - được coi là bộ tứ A-rập đồng minh của Mỹ.
Sau đó bà C. Rice sẽ hội đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây và với Thủ tướng Israel Ehud Olmert tại Jerusalem, trước khi bay sang Jordan gặp Quốc vương Abdullah II
Khi rời Washington, bà C. Rice nói, để tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine “cần có động lực và hỗ trợ để đạt tiến bộ trong vấn đề A-rập-Israel… trong giai đoạn đầu của tiến trình này.”
Mỹ mong muốn các quốc gia A-rập trong cuộc họp thượng đỉnh tại A-rập Xê-út ngày 28-3 tới sẽ khôi phục một sáng kiến của A-rập Xê-út đưa ra năm 2002 nhằm giải quyết vấn đề A-rập-Israel.
Sáng kiến này đề xuất bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước A-rập nếu Israel rút quân khỏi tất cả vùng đất A-rập bị nước này chiếm đóng năm 1967.
Israel đã thẳng thừng bác bỏ sau khi sáng kiến này được trình bày lần đầu tại một hội nghị thượng đỉnh A-rập ở Beirut năm 2002, nhưng hiện nay Thủ tướng Israel E. Olmert đang thận trọng xem xét sáng kiến này.
Đây là chuyến thăm thứ bảy của bà Rice tới khu vực Trung Đông trong tám tháng qua, nhưng theo phóng viên BBC, cho đến nay kết quả đạt được không nhiều.
Mỹ hiện vẫn chưa công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine và tuyên bố sẽ không tiếp xúc với các bộ trưởng Palestine là thành viên của Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas mà Mỹ coi là một nhóm khủng bố.
Tuy nhiên bà C. Rice và các quan chức Mỹ khác vẫn sẽ tiếp tục hội đàm với ông M. Abbas và một số nhân vật ôn hòa khác trong chính phủ Palestine.
Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine được thành lập sau khi Hamas – tổ chức điều hành nội các Palestine sau khi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1-2006 - đồng ý chia sẻ quyền lực với Phong trào Fatah của ông M. Abbas.
Thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine đạt đựơc sau mấy tháng xung đột giữa Hamas và Fatah làm hơn 140 người chết.
Ý kiến bạn đọc