Sinh viên chấm điểm thầy, nên hay không?

08:32, 25/01/2007

Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá ở bậc ĐH được coi là “mắt xích” quan trọng để nâng chất lượng đào tạo, trong đó “đánh giá giảng viên” là điểm cần được lưu tâm hơn.


Nhưng trên thực tế việc “đánh giá giảng viên” ở nhiều trường không được chú trọng. Các trường chưa xây dựng được những tiêu chí cụ thể để đánh giá giảng viên, chưa áp dụng nhiều “kênh” để đạt được mục đích một cách công bằng, khách quan và có tác dụng đến sự nỗ lực, tự điều chỉnh mình của giảng viên. Đa số trường thường chỉ đánh giá giảng viên theo kiểu “xếp loại thi đua” với những yêu cầu chung chung. Việc lấy ý kiến sinh viên về thầy giáo, nói theo cách khác để “sinh viên chấm điểm thầy” không được nhiều người ủng hộ do quan điểm truyền thống VN “học trò “chấm” thầy là ngược đời”. Tại hội nghị của Bộ GD&ĐT với các trường ĐH, CĐ HN về vấn đề chống tiêu cực tổ chức mới đây, một số ý kiến của đại diện các trường đề cập đến vấn đề này theo chiều hướng khác nhau.

Trường dân lập đi trước

Bà Đặng Kim Nhung, Phó hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long phát biểu: Thời chiến tranh, chúng ta phát động “thi đua” là đúng, nhưng thời nay kiểu phát động phong trào thi đua chung chung không còn đem lại hiệu quả ( thậm chí là dễ dẫn đến bệnh thành tích) mà phải “cạnh tranh lành mạnh”. Nhà quản lý GD phải là người “kích hoạt” để tạo nên một môi trường “cạnh tranh lành mạnh” thông qua các phương pháp đánh giá, các hình thức xử lý thưởng phạt minh bạch, công bằng. Bà Nhung khẳng định: Không nên bảo thủ với quan điểm “GV là bất khả xâm phạm”. Người thầy đương nhiên ở thời đại nào cũng đáng trân trọng. Nhưng không có nghĩa người thầy làm sai, làm không tốt thì học trò phải chịu. Cần phải xây dựng một nền “văn hóa đánh giá” trong trường học để những GV tốt, cần được tôn vinh, người chưa làm tốt thì phải tự điều chỉnh mình.

ĐH Thăng Long trong nhiều năm đã thực hiện việc lấy ý kiến SV về giảng viên. Mỗi năm trường phát cho SV khoảng 15 vạn phiếu thăm dò. Mỗi mẫu phiếu có khoảng 20- 30 đề mục với các tiêu chí cụ thể, thang điểm cụ thể. SV chỉ cần đánh dấu vào phiếu như kiểu làm bài trắc nghiệm. Kết quả thăm dò ý kiến không công khai trong SV, nhưng là căn cứ để BGH trực tiếp làm việc với từng GV. Theo bà Nhung, sau khi đã tập hợp các kênh đánh giá khác nhau, những GV thực sự có vấn đề không ổn (về trình độ, phương pháp dạy, thái độ, lối sống...) sẽ được nhà trường cảnh báo và yêu cầu trong thời hạn 1 năm phải tự điều chỉnh. Nếu qua thời hạn đó vẫn không chuyển biến tốt thì sẽ phải xem xét lại vị trí giảng dạy của GV đó. Bà Nhung cho biết: Kết quả phiếu thăm dò của sinh viên trường Thăng Long cho thấy, có khoảng 10% GV trong diện “được tôn vinh” và 10- 15% GV trong diện bị SV phàn nàn. Số người phàn nàn đa số là GV trẻ và nguyên do phàn nàn là trình độ, phương pháp giảng dạy không thu hút được SV.

Theo bà Đặng Kim Nhung thì việc “SV đánh giá ngược lại GV” không hề gây nên phản ứng của một GV nào trong trường. Bởi vì ai cũng thấy đó là việc làm hợp lý và hợp cả tình. Việc “đánh giá GV” của ĐH Thăng Long cũng phù hợp với hình thức đào tạo tín chỉ mà trường này kiên trì thực hiện từ nhiều năm qua. Trong đào tạo theo tín chỉ, tiến tới các trường phải chấp nhận một thực tế là thầy giỏi sẽ thu hút được nhiều SV hơn

Khác với ĐH Thăng Long, ĐH Phương Đông cũng cho SV đánh giá GV nhưng việc này được giao cho các khoa. Những tiêu chí đánh giá được định ra căn cứ trên thực tế của mỗi khoa. Song thực tế, có khoa thì triển khai tốt, có khoa vẫn còn tranh luận chưa đi đến thống nhất. ĐH Quản lý và công nghệ HN cũng bắt đầu áp dụng hình thức này.

Trường ngoài công lập so với trường công lập còn nhiều lép vế. Nhưng có lẽ chính vì sự thôi thúc cần tạo nên một “thương hiệu” mà một số trường luôn đề cao chức năng “phục vụ” SV, thực hiện những việc vì quyền lợi người học.

Khó làm quen với cách làm mới

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng HN cho biết: ĐH xây dựng từ những năm trước cũng đã đặt ra vấn đề “lấy ý kiến sinh viên nhận xét về thầy giáo” nhưng việc này đã bị nhiều GV trong trường phản đối vì lý do không thể có chuyện làm ngược là SV đánh giá thầy giáo. Quan điểm bảo thủ này cũng tương tự như việc “cha mẹ sai, con cái cũng không được phép góp ý”. Theo quan điểm hiện đại, quan hệ cha mẹ với con cái không nên so sánh với quan hệ thầy trò. Chính thói quen cho rằng “thầy luôn luôn đúng” đã làm thui chột khả năng sáng tạo, khả năng “phản biện” lại thầy của người học và việc dạy học trở thành việc truyền giảng một chiều.
Ông Hoàng Thắng, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa HN băn khoăn: SV Việt Nam chưa “chuẩn” nên thông tin đưa ra chưa chắc đã chính xác. Nhiều SV vào các trường ĐH không có động cơ học tập tốt, vì thế thầy cho nghỉ, SV lại thấy sướng, thầy dễ tính, cho SV quay cóp, SV lại quý...Nếu để những SV đó nhận xét thầy thì có khi người thầy nghiêm túc lại bị “chê”. Băn khoăn của ông Hoàng Thắng cũng có cơ sở. Tuy nhiên, nếu việc “SV đánh giá thầy” trở thành thứ “văn hóa đánh giá” có ở các trường ĐH thì việc những SV “đánh giá sai” sẽ chỉ là thiểu số. Hơn nữa, kết quả SV nhận xét GV chỉ là một trong những “kênh” thông tin để lãnh đạo các trường xem xét.

Cách để nâng cao vị trí của người thầy

Bà Đặng Kim Nhung tâm sự: Những tiêu cực nổi lên trong môi trường học đường gần đây khiến các GV lương thiện rất khổ tâm. Chúng ta không thể để dư luận “vơ đũa cả nắm” mà phải để những GV tốt được trân trọng, được yêu mến, người làm chưa tốt phải tự điều chỉnh mình. Người đứng ở vị trí GV cũng cần phải biết lắng nghe phản hồi từ phía người học.

Ông Đào Xuân Học, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi HN cho rằng việc cho phép “trò chọn thầy” là một công nghệ đào tạo. áp dụng “công nghệ” này là để người thầy phải luôn trau dồi kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy. Cách làm này tạo được động lực rõ rệt cho người thầy, tạo nên một “cơ chế thị trường” giữa GV với nhau (nói cách khác là môi trường cạnh tranh lành mạnh). Ông Học bày tỏ quan điểm: Hiện nay đào thải công chức theo luật rất khó.. Nhưng nhà trường có thể có những quy định riêng để nếu GV không phấn đấu, có nghĩa là sẽ tự đào thải chính mình.

Thời gian gần đây có nhiều sự việc đau lòng về nhân cách người thầy mà nguyên nhân sâu xa là việc thầy cho phép mình làm những gì mình muốn, trò làm sai thì phải chịu hậu quả, nhưng thầy sai thì không phải chịu trách nhiệm. Việc để SV trở thành một “kênh” đánh giá không chỉ hạn chế được những tiêu cực trong cư xử giữa GV với SV mà còn là động lực để GV phải đổi mới phương pháp, bồi dưỡng kiến thức. Như vậy việc “SV đánh giá GV” không phải là việc “hạ thấp” thầy mà là cách để nâng cao vị trí của người thầy trong các trường ĐH.


Giáo dục & Thời đại

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phong tục đêm Giao thừa và đón Năm mới ở các nước
Năm mới đến, người dân khắp nơi trên thế giới tổ chức đón mừng. Tuy nhiên, phong tục mỗi nơi mỗi khác, từ ngắm pháo hoa đến thưởng thức các món ăn đặc biệt. Phong tục một số nước khá lạ như người Thái té nước vào nhau, người Mexico và Venezuela ăn 12 quả nho khi đồng hồ điểm 12 tiếng. Tất cả các nghi lễ đều chung mục đích đem lại may mắn, hạnh phúc khi bước sang năm mới.
31/12/2006
Đa số dân chúng Mỹ phản đối tăng quân tại Irắc
Kết quả thăm dò dư luận của báo "Bưu điện Oasinhtơn" và truyền hình ABC News công bố ngày 22/1 cho biết có tới 65% số người Mỹ được hỏi phản đối kế hoạch tăng quân Mỹ tại Irắc như đề xuất mới đây của Tổng thống George W. Bush.
24/01/2007
Thái-lan kiểm soát chặt việc vận chuyển gia cầm
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái-lan hôm nay đã yêu cầu Cục Phát triển vật nuôi kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm giữa các tỉnh và tại các điểm kiểm soát dọc biên giới nhằm ngăn chặn khả năng bùng phát dịch cúm gia cầm.
23/01/2007
Bỏ tuyển thẳng vào Đại học - học sinh giỏi QG sẽ được ưu tiên gì?
Một trong những vấn đề được quan tâm lớn nhất trong Hội nghị thi và tuyển sinh vừa qua đó là việc Bộ GD&ĐT chính thức quyết định không tuyển thẳng đối với HS giỏi quốc gia kể từ năm 2007. Theo quy định, các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi quốc gia chọn HS giỏi theo chương trình THPT lớp 12, sau khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT
22/01/2007