Giáo viên, hiệu trưởng đều phải cạnh tranh

09:31, 30/01/2007

Công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý (CBQL), đánh giá xếp loại giáo viên (GV) đã tạo ra sinh khí và động lực mới trong đội ngũ giáo dục Nghệ An. Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã tới địa phương này khảo sát cụ thể hơn về vấn đề này.


VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Hưng, Giám đốc Sở GD-ĐT.

Chớp thời cơ" của Chính phủ

- Thưa ông, Nghệ An đã tiến hành “sàng lọc” theo cách nào?

 

- Từ năm học 2002-2003, hằng năm Nghệ An tiến hành đánh giá, xếp loại 40.000 GV.  Đến nay, số GV không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên 5.400 người.

Những đối tượng này, cùng với chính sách cho nghỉ hưởng 80-100% lương, giải quyết thôi việc, chuyển làm việc khác và đi đào tạo bồi dưỡng, ngành đã giải quyết gần 1.200 GV được nghỉ hưu trước tuổi với số tiền chi trả khuyến khích là 22 tỷ đồng.

Đặc biệt năm 2005, Nghệ An đã chớp được thời cơ hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 16 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, để giải quyết cho những GV không đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy trong thời kỳ mới sắp đến tuổi về hưu.

Tuy nhiên, từ năm 2006, Nghị quyết 16 đã hết hạn, nhưng tỉnh đang đề nghị xin được tiếp tục để giải quyết số GV của “lịch sử” để lại.

Những GV còn lại, khi quy mô cơ học giảm, lúc đó sẽ thừa. Muốn tồn tại thì buộc mỗi GV phải tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng dạy để đáp ứng yêu cầu mới.

- Việc đánh giá xếp loại sẽ có phản ứng của những GV "lão làng" hay có trường hợp khó xử lý trong quá trình "sàng lọc"?

- Sở dĩ, Nghệ An đã thực hiện tốt việc “sàng lọc” đội ngũ là do ngành đã kết hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ quản lý, giáo viên và nhân dân. Đặc biệt, ngành đã làm tốt tư tưởng thông qua đội ngũ CBQL, chia sẻ với những GV không đạt yêu cầu đứng lớp, giải thích rõ ràng, cụ thể vì đây là vấn đề do lịch sử để lại...

- Vậy chất lượng giáo dục của tỉnh sau 4 năm liệu có thay đổi?

-Công tác đánh giá xếp loại GV đã tạo ra sinh khí và động lực mới trong toàn ngành, đòi hỏi mỗi GV phải chăm lo đến công tác giảng dạy và tự bồi dưỡng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Cụ thể trong chất lượng mũi nhọn, những năm gần đây, Nghệ An luôn là một trong những tỉnh “top” đầu toàn quốc. Năm học vừa qua, số HS giỏi quốc gia của Nghệ An đứng đầu cả nước với 80 em, đặc biệt, năm nào cũng có HS giỏi quốc tế. Số HS đỗ ĐH, CĐ tăng cao. Năm 2002 có 6.300 HS, năm 2005 đã tăng lên 11.500 HS. Và số HS thi đỗ ĐH đạt 27 điểm trở lên đứng thứ 2, 3 trong toàn quốc...

Lên miền núi dạy 3-5 năm, về xuôi được biên chế

-Nghệ An có tới 10 huyện miền núi, vùng cao. Liệu, thực hiện chính sách "sàng lọc giáo viên" có dẫn đến tình trạng "lọc" hết giáo viên không đạt chuẩn, các vùng này sẽ thiếu trầm trọng người dạy học?

- Từ năm 2003, tỉnh đã thực hiện đề án tăng cường GV lên công tác tại các huyện vùng cao và thuyên chuyển công tác GV lâu năm ở các huyện trên về địa bàn thuận lợi hơn.

Đến nay, đã có 58,6% SV tốt nghiệp CĐ sư phạm tự nguyện đăng ký đi công tác có thời hạn ở các huyện vùng cao. Chúng tôi thực hiện chính sách: đối với SV mới ra trường lên vùng cao giảng dạy, sau 5 năm đối với nam và 3 năm đối với nữ, sẽ được biên chế ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, được trở lại quê hương hoặc huyện lân cận theo quy định.

Ngoài ra, tỉnh còn có các chế độ chính sách khác hỗ trợ cho các đối tượng này như: phụ cấp, hỗ trợ nuôi con nhỏ, và nếu tình nguyện ở lại công tác lâu dài sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/người để ổn định cuộc sống.

4 năm qua, đã có gần 300 GV lên miền núi giảng dạy, bổ sung kịp thời GV đứng lớp cho các huyện vùng cao.

- GV công tác lâu năm tại miền núi sẽ hạn chế về năng lực, trình độ. Giải quyết những trường hợp này ra sao?

- Qua 4 năm, đã có 366 trong số 389 GV ở các huyện vùng cao có nguyện vọng và được thuyên chuyển về địa bàn thuận lợi. Số còn lại không được xem xét vì không đúng nội dung đề án, như không đúng quê quán, quê chồng, quê vợ, thời gian công tác còn ngắn...

Đặc biệt, còn có 5 trường hợp xin ở lại vì sợ về xuôi không đáp ứng yêu cầu đứng lớp.

Về cơ bản, GV lên miền núi, nếu muốn về xuôi thì phải tự học và nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của tỉnh. Có 256 trong số 366 GV được bố trí đứng lớp ngay, số còn lại bố trí đi học bồi dưỡng thêm hoặc chuyển sang phục vụ hoặc nghỉ chờ giải quyết theo chế độ.

Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi sự nỗ lực lớn của địa phương, vì GV từ vùng cao về xuôi dạy, nhiều địa phương sợ không đảm bảo trình độ đã không nhận, nhưng chúng tôi phải chia chỉ tiêu và “ốp” rất mạnh.

Năm học vừa rồi, các huyện vùng cao đã không còn nhu cầu tăng cường GV nữa.

Bên cạnh đó, tỉnh còn luân chuyển GV nội tại giữa các huyện, thành, thị để thay đổi chất lượng đội ngũ GV giữa các vùng, tạo điều kiện cho những người công tác lâu năm ở các trường xa trung tâm được thuyên chuyển về vùng thuận lợi; Đồng thời có điều kiện để học tập nâng cao trình độ.

Trường 2-3 năm không có chuyển biến: Miễn nhiệm hiệu trưởng!

- Vậy đối với đội ngũ CBQL, địa phương thực hiện chính sách "sàng lọc" hay không?

- Tỉnh cũng thực hiện đánh giá, xếp loại CBQL vào cuối mỗi năm học. Quy trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ theo hướng dẫn chi tiết và có sự tham gia của cơ quan quản lý cấp trên, cấp uỷ địa phương, công đoàn và cán bộ GV nhà trường.

Căn cứ vào đó, CBQL xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm sẽ có công văn nhắc nhở, kéo dài nâng lương 1 năm; 2 năm liên tục sẽ đề nghị miễn nhiệm và không bổ nhiệm lại và nếu kéo dài đến 3 năm thì sẽ miễn nhiệm.

Một nhiệm kỳ bổ nhiệm là 5 năm và mỗi CBQL không giữ một chức vụ quá 2 nhiệm kỳ ở một đơn vị. Trường hợp bổ nhiệm lại phải đạt trên 60% và nếu đạt dưới 60% thì sẽ không bổ nhiệm lại mà là miễn nhiệm.

Việc miễn nhiệm còn được thực hiện trong trường hợp, một cán bộ cấp trưởng trong quá trình công tác để phong trào nhà trường 2-3 năm không có chuyển biến, luôn là trường đạt mức trung bình.

Trong 4 năm, tỉnh đã miễn nhiệm 408 CBQL, đề bạt mới 1.115 lượt người, luân chuyển 1.287 lượt người và bổ nhiệm lại 3.145 lượt người.

- Xin cảm ơn ông!

"Giáo viên nói đúng bài"

"Chúng tôi có đi kiểm tra một số trường ở Nghệ An và thấy GV rất thuộc bài. Hiểu quy trình đánh giá xếp loại chính là động lực để GV học tập, tham gia bồi dưỡng và tự nâng chuẩn. GV rất đồng tình nên họ luôn tìm cách để phấn đấu.

Tuy nhiên, cũng có kiến nghị là cần thay đổi cho phù hợp như về sức khỏe, đó là điều kiện cần và không nên đưa vào tiêu chuẩn xếp loại đánh giá". (Ông Nguyễn Hữu Diễn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT).  

Quy trình xếp loại đánh giá giáo viên

- Cá nhân tự đánh giá và xếp loại.

- Tổ chuyên môn đánh giá và xếp loại trên cơ sở xem xét đánh giá của bản thân GV, có tham khảo ý kiến của HS.

- Thủ trưởng cơ sở giáo dục chủ trì tổ chức họp Hội đồng giáo dục tiến hành đánh giá, xếp loại GV bằng hình thức bỏ phiếu kín.

- Chủ tịch UBND huyện (thành, thị), Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành quyết định công nhận kết quả xếp loại GV của các cơ sở giáo dục - đào tạo trực tiếp quản lý.


VietNamNet

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Iran chưa lắp đặt 3.000 máy ly tâm
Người phụ trách đối ngoại của Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran Hossein Seemorgh hôm nay đã bác bỏ tuyên bố trước đó của một quan chức lập pháp nước này nói rằng Iran đang lắp đặt 3.000 máy ly tâm hạt nhân.
30/01/2007
Palestine: Giao tranh tiếp diễn ở Gaza
Các tay súng thuộc các phe phái ở Palestine tiếp tục giao tranh ở Dải Gaza. Sáng 28.1, người ta có thể nghe thấy tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ ở thành phố Gaza. Các nhân chứng cho biết, họ thấy các cuộc đụng độ trên các đường phố đông đúc, nhưng hiện chưa có thông tin về số người chết và bị thương.
29/01/2007
Cộng đồng quốc tế sẽ tài trợ 7,6 tỷ USD cho Li-băng
Các nhà tài trợ quốc tế hôm nay đã cam kết sẽ viện trợ và cho Li-băng vay 7,6 tý USD để thực hiện công cuộc tái thiết đất nước và triển khai chương trình cải cách kinh tế.
26/01/2007
Tình hình Nepal phức tạp
Theo Reuters, ngày 25-1, tình hình Nepal lại trở nên phức tạp, đe dọa đẩy nước này rơi vào thời kỳ bất ổn định mới. Liên tiếp trong những ngày qua, tại tỉnh Terai, miền nam Nepal, đã nổ ra những cuộc biểu tình phản đối Chính phủ của người Madheshi, một bộ tộc sinh sống tại vùng đất này.
26/01/2007