8 sự kiện thế giới năm 2006
Xe tăng với nòng pháo buộc nơ vàng và hoa hồng lừng lững tiến vào Bangkok; dòng người lũ lượt di tản khỏi Libăng dưới làn bom đạn; Saddam Hussein sững sờ rồi đột ngột thét to khi bị tuyên án tử hình, là những cảnh tượng khó quên trên thế giới năm 2006.
Một dân phòng Libăng và xác em nhỏ thiệt mạng trong vụ không quân Israel thảm sát làng Qana, miền nam Libăng. Ảnh: AFP. |
Sau khi Hezbollah bắt cóc hai lính Israel hồi tháng 7, Israel đáp trả bằng 34 ngày oanh kích và bao vây, khiến khoảng 1.000 người Libăng, đa số là dân thường, thiệt mạng. Tàu biển, máy bay các nước lũ lượt đến Libăng để sơ tán công dân. Cuối cùng, lệnh ngừng bắn đạt được nhờ Liên Hợp Quốc làm trung gian, nhưng Hezbollah nhất định không giải giáp vũ khí.
Xung đột ở Libăng cho thấy quốc gia nhỏ bé này dễ dàng trở thành ngòi nổ ở khu vực đầy bất ổn. Nước này có một vị tổng thống thân Syria và một thủ tướng chống Syria, lại có thành phần tôn giáo phức tạp trong dân chúng. Hơn nữa, việc họ ở gần Israel và sự hiện diện của nhiều người tị nạn Palestine trên đất này khiến họ không thể tách khỏi cuộc xung đột Israel - Palestine. Cuộc chiến cũng khiến vị thế của Hezbolah tăng lên, làm tranh giành chính trị ở nội bộ Libăng càng căng thẳng.
CHDCND Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân
Bất chấp sự phản đối của thế giới, Bình Nhưỡng tuyên bố thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên trong lịch sử nước này vào ngày 9/10, chỉ ít tuần sau khi thử tên lửa tầm xa. Vụ thử diễn ra dưới lòng đất, với sức mạnh của quả bom ước tính tương đương 1.500 đến 15.000 tấn TNT.
Không chỉ Anh, Mỹ, Nhật mà cả Trung Quốc, đồng minh thân cận của Bắc Triều Tiên, đều kịch liệt lên án việc nước này thử hạt nhân. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn và ra lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng ngay sau đó. Đáp lại, Bắc Triều Tiên tuyên bố Liên Hợp Quốc đã tuyên chiến với họ.
Vụ thử khiến các nước quyết tâm trở lại bàn đàm phán 6 bên hơn bao giờ hết. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố đàm phán nhất thiết "phải đi đến cùng". Tuy thế, thảo luận nối lại vào ngày 18/12 ở Bắc Kinh vẫn không mang lại kết quả cụ thể nào. Sau vụ thử, bóng ma chạy đua vũ trang ở châu Á tái hiện bởi đã có một số nhân vật nổi tiếng ở Nhật đề cập khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.
Saddam Hussein bị tuyên án tử hình
Ngày 5/11, tòa án đặc biệt của Iraq tuyên cựu tổng thống Saddam Hussein bản án treo cổ vì tội ác chống lại loài người trong vụ tàn sát 148 dân thường năm 1982. Phán quyết này gây ra phản ứng trái ngược: người Shiite và người Kurd nổ súng ăn mừng trong khi người Sunni xuống đường phản đối. Cộng đồng quốc tế cũng có phản ứng tương tự khi Mỹ, Anh và Australia ca ngợi bản án thì EU lại bày tỏ sự không ủng hộ.
Saddam Hussein phản ứng sau lời tuyên án tử hình của chánh tòa đặc biệt Iraq. Ảnh: AP. |
Kết cục lĩnh án treo cổ của Saddam Hussein đã được nhiều người lường trước, và phiên tòa xử ông ta bị coi là diễn ra "theo công lý của kẻ chiến thắng". Thời điểm tuyên án cũng là vấn đề gây tranh cãi khi nó được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Hơn nữa, việc Saddam Hussein bị thi hành án sẽ khó có khả năng giúp cải thiện tình hình rối ren tại Iraq hiện nay.
Biếm họa Đấng tiên tri thổi bùng bạo lực
Thế giới Hồi giáo sôi sục sau khi tranh biếm họa của báo Đan Mạch vẽ Nhà tiên tri Mohammed giống một kẻ đánh bom khủng bố xuất hiện trên 7 tờ báo châu Âu hồi tháng giêng. Biểu tình phản đối nổ ra khắp nơi, sứ quán Đan Mạch ở Indonesia, Libăng, Syria bị đốt phá. Thậm chí Taleban còn treo 100 kg vàng cho ai giết được kẻ đã vẽ tranh báng bổ Nhà tiên tri.
Biểu tình chống đăng biếm họa nhà tiên tri ở Thổ Nhĩ Kỳ. Làn sóng phản đối và bạo lực diễn ra khắp các nước có người Hồi giáo khiến hàng chục người chết, sứ quán Đan Mạch ở một số nơi bị đốt phá. Ảnh: AP. |
Bạo lực leo thang đến mức Thủ tướng Đan Mạch phải thừa nhận vụ biếm họa là "cuộc khủng hoảng toàn cầu". Nhận thức mối nguy hiểm mà nó gây ra cho quan hệ giữa phương Tây và đạo Hồi, lãnh đạo thế giới tìm mọi cách xoa dịu người Hồi giáo. Tuy nhiên, khi ký ức về vụ việc còn chưa lắng xuống, Giáo hoàng Benedict XVI lại chọc tức các tín đồ Hồi giáo khi dẫn lời một hoàng đế trung cổ, cho rằng nhà tiên tri Mohammed chỉ gieo rắc bạo lực. Dù Giáo hoàng luôn khẳng định đó không phải quan điểm của ông và đã xin lỗi, thế giới Hồi giáo lại được phen bùng nổ.
Một em bé Thái và xe tăng của phe đảo chính. Ảnh: AFP. |
Đêm 19/9, quân đảo chính tiến vào Bangkok, trấn giữ những cứ điểm quan trọng của thủ đô. Tổng tư lệnh quân đội - tướng Sonthi Boonyaratglin - tuyên bố giải tán nội các của Thủ tướng Thaksin Shinawatra và thiết quân luật trên khắp cả nước. Dân chúng và cả thế giới ngỡ ngàng vì cuộc đảo chính quá chóng vánh và trong hòa bình, thậm chí khu đèn đỏ nổi tiếng của Bangkok vẫn nhộn nhịp trong đêm chính biến.
Phe đảo chính tuyên bố họ làm vậy để lật đổ một chính phủ tham nhũng và ngăn chặn đổ máu ở Thái Lan; đề phòng các bên biểu tình bạo lực; chấm dứt căng thẳng chính trị tồn tại từ lâu nay. Cuộc đảo chính khiến tầng lớp trung lưu vui mừng nhưng dân nghèo lại lo lắng cho tương lai. Trong khi đó phương Tây lên án cuộc đảo chính, ngay cả đồng minh thân thiết của Thái Lan là Mỹ cũng quay lưng lại.
Nước Anh phá âm mưu khủng bố máy bay
Một âm mưu khủng bố nhằm làm nổ tung 10 máy bay trên bầu trời Đại Tây Dương bị cảnh sát Anh phá vỡ hồi tháng 8. Về quy mô, vụ này không kém gì 11/9. Những tên khủng bố định kích hoạt chất nổ lỏng giấu trong hành lý xách tay, ngòi nổ giấu trong máy quay phim hoặc nghe nhạc.
An ninh ở sân bay Heathrow, London, được đẩy lên mức cao nhất. Ảnh: Daily Mail. |
Mưu đồ khủng bố khiến phi trường Heathrow và nhiều sân bay khác đóng cửa với châu Âu. Nhiều chuyến bay từ châu Âu và Á sang Mỹ tắc nghẽn. An ninh tại các sân bay Anh và Mỹ đồng loạt nâng lên mức cao. Hành khách bị cấm mang mọi loại chất lỏng, đồ điện tử và kỹ thuật số trong hành lý xách tay. Quá trình kiểm tra an ninh tại các sân bay thêm dài ra và tâm lý bất ổn tăng lên. Hệ quả là Hiệp hội hàng không thế giới yêu cầu các hãng phải hạn chế hành khách mang chất lỏng lên máy bay.
Châu Âu 'rét' vì thiếu khí đốt
Ngày 1/1, Nga cắt nguồn khí đốt cấp cho Ukraina giữa mùa đông lạnh giá, sau khi Công ty Gazprom của Nga đòi tăng giá lên 4 lần nhưng Kiev không đồng ý. Ukraina trông đợi phương Tây bênh vực, còn Matxcơva tố cáo Kiev làm to chuyện. Căng thẳng lên đến mức Tổng thống Nga Putin thừa nhận rằng hai nước lâm vào tình trạng khủng hoảng.
Người Ukraina đi biểu tình phản đối Nga tăng giá gas. Ảnh: AFP. |
Vụ việc thêm nóng bỏng khi Gruzia, Moldova và Bulgaria nhảy vào cuộc và cáo buộc rằng Nga dùng khí đốt để chèn ép láng giềng chỉ bởi những nước này đang xích lại gần châu Âu. Vụ tranh chấp cuối cùng được giải quyết, nhưng báo chí phải thừa nhận rằng mùa đông năm nay, châu Âu đã phải một cơn "rùng mình", bởi gần nửa lượng khí đốt mà EU tiêu thụ là do Nga cấp.
Đảng của Tổng thống Mỹ mất quyền ở Quốc hội
Đảng Dân chủ lật ngược thế cờ từ phe thiểu số trở thành phe đa số trong cả Thượng và Hạ viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu ngày 7/11. Đây được coi là một cuộc trưng cầu dân ý đối với chính quyền của Tổng thống Bush. Nó thể hiện thái độ bất mãn của dân chúng đối với các chính sách của chính phủ, nhất là trong vấn đề Iraq, cũng như những vụ bê bối của đảng Cộng hoà.
Bầu cử khiến vị thế của Tổng thống Bush suy giảm mạnh. Chính sách đối ngoại cứng rắn của phe bảo thủ mới thất bại. Donald Rumsfeld - kiến trúc sư trưởng của cuộc chiến Iraq - phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng, và lên thay ông là một nhân vật hứa hẹn một đường lối thực tiễn hơn. Dù đảng Dân chủ chiến thắng trong bầu cử, bản thân họ cũng chưa tìm ra được giải pháp rõ ràng cho vấn đề Iraq.
Ý kiến bạn đọc