10 sự kiện quốc tế nổi bật 2006

14:43, 28/12/2006

Mỹ tiếp tục sa lầy tại Iraq, phe Cộng hoà thất cử, Israel tấn công Lebanon, động đất kinh hoàng ở Indonesia, đảo chính diễn ra ở Thái Lan... VietNamNet xin giới thiệu 10 sự kiện nổi bật nhất, góp phần khắc hoạ nên bức tranh thế giới trong năm 2006.


1- Bạo lực Iraq leo thang, đảng Cộng hoà Mỹ thất cử

Soạn: HA 995171 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tổng thống Mỹ Bush.

Sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003, quân đội Mỹ đang sa lầy tại đây, với số binh sĩ Mỹ thiệt mạng đã nhiều hơn số người chết trong vụ tấn công khủng bố 11/9 (gần 3.000 người). Mặc dù hao người tốn của song Mỹ vẫn không đạt được các mục đích chính tại Iraq. 

Iraq đang rơi vào vòng xoáy bạo lực phe phái đẫm máu. Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã chỉ trích cuộc chiến này và cho rằng tình hình Iraq hiện tồi tệ hơn cả nội chiến. Nhóm nghiên cứu Iraq của Mỹ cũng đã đánh giá tình hình ở nước này là ''trầm trọng và đang xấu đi''.

Không chỉ bó hẹp tại Iraq, cuộc chiến trên đã chi phối cuộc bầu cử giữa kỳ quốc hội Mỹ năm nay. Với việc nhiều cử tri không tán thành cách giải quyết công việc của Tổng thống Bush, nước Mỹ đang đi sai đường và họ phản đối cuộc chiến tại Iraq, đảng Cộng hòa của ông Bush đã thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa qua. Thất bại đó đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Cuộc chiến tranh Iraq cũng là nguyên nhân chính cho sự ra đi của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Donald Rumsfeld. Với quan điểm bảo vệ cuộc chiến tại Iraq, ông Rumsfeld là khuôn mặt của cuộc chiến này trong chính quyền Bush. Ông bị chỉ trích nhiều hơn khi cuộc chiến này ngày càng không được người Mỹ ủng hộ do bạo lực bè phái gia tăng giữa người Sunni và Shiite và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

2 - Israel tấn công Lebanon

Soạn: HA 995091 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quân đội Israel tàn phá Nam Lebanon.

Việc hai lính Israel bị các tay súng Hezbollah bắt cóc ngày 12/7 đã châm ngòi cho cuộc chiến khốc liệt kéo dài 34 ngày giữa quân đội Nhà nước Do Thái và du kích Hezbollah ở miền Nam Lebanon. 

>
Toàn cảnh cuộc xung đột Israel - Lebanon

Ngay sau lời thề đem các binh sĩ bị bắt cóc trở lại an toàn của Thủ tướng Ehud Olmert, máy bay Israel đã tiêm kích hàng trăm mục tiêu của Hezbollah ở miền nam Lebanon nhằm "quét sạch quân khủng bố". Đáp trả, du kích Hezbollah đã liên tiếp nã những trận mưa rocket vào miền bắc Israel. 

Hàng loạt nước lập tức sơ tán công dân nước mình khỏi Lebanon. Trở thành điểm tập kết của hàng chục nghìn người chạy nạn vào thời điểm cao trào, quốc đảo Síp đã phải lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế bởi họ không đủ khả năng để tiếp nhận thêm người. 

Cuộc chiến Israel - Hezbollah đã kết thúc vào ngày 14/8 với một
thoả thuận ngừng bắn giữa hai bên dựa trên nền tảng triển khai quân đội Lebanon và lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc vào miền nam Lebanon. Và đến khi im tiếng súng, hai binh sĩ Israel bị bắt cóc vẫn nằm trong tay Hezbollah.

Cuộc chiến đã cướp đi mạng sống của khoảng 1.000 người Lebanon, hầu hết là dân thường, buộc xấp xỉ 1 triệu người phải di dời và tàn phá gần như hoàn toàn cơ sở hạ tầng của quốc gia này. Cuộc chiến cũng giết chết 118 binh sĩ Israel và 39 dân thường, làm cho 1 triệu người phải chuyển tới sống trong các hầm trú ẩn.

Về cuộc chiến quân đội Israel ở Lebanon, Tổng thống Bush đã phải thừa nhận đây là "thời điểm xung đột ác liệt nhất ở Trung Đông".

3 - Thế giới Hồi giáo phản đối tranh biếm hoạ Mohamed

Soạn: HA 995115 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Toàn bộ thế giới Hồi giáo xuống đường biểu tình phản đối tranh biếm hoạ Mohamed.

2006 là năm thế giới Hồi giáo và phương Tây,  thế giới Cơ đốc giáo và Hồi giáo bị chia rẽ sâu sắc, bắt đầu từ việc  tạp chí Jyllands-Posten của Đan Mạch đăng tải 12 bức tranh biếm hoạ Nhà tiên tri Mohamed.

Những bức tranh được tạo ra không phải nhằm mục đích mô tả hình ảnh của Nhà tiên tri mà để châm biếm ông. Trong một bức hình, Nhà tiên tri đang đội trên đầu chiếc khăn quấn Hồi giáo hình một quả bom có ngòi đang cháy. Sự việc trên đã làm cho người Hồi giáo trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông cảm thấy bị cô lập, bị đe doạ và bị sỉ nhục bởi các cường quốc.

Bất chấp căng thẳng, một loạt tờ báo ở châu Âu, trong đó có Na Uy, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đồng loạt cho đăng lại những bức biếm họa này. Từ Đan Mạch, làn sóng phẫn nộ của người Hồi giáo bùng lên, dâng cao, lan rộng ra toàn châu Âu, rồi lan sang Trung Đông và châu Á trong suốt tháng 1 và tháng 2, trở thành một "hiện tượng mang tính toàn cầu". 

Sự việc cuối cùng cũng tạm lắng. Tuy nhiên, tới tháng 9/2006, bài giảng về ''Niềm tin và Lý trí'' của Giáo hoàng Benedict XVI trong chuyến thăm Đức đã gây ra sự tranh cãi về chính trị và làm mếch lòng thế giới Hồi giáo. Cụ thể là Giáo hoàng đã trích lời một hoàng đế Byzantine (đế quốc La Mã phương Đông), người nói rằng đạo Hồi là quá khích và phi lý. Các lãnh đạo Hồi giáo đã phê phán trích dẫn này, coi đó là không đúng và yêu cầu một lời xin lỗi. Mặc dù Giáo hoàng khẳng định đã bị hiểu nhầm song người ta sẽ không dễ quên những lời nói của ông.

4 - Đảo chính tại Thái Lan

Soạn: HA 995097 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Đảo chính ''không gì lạ'' ở Thái Lan.

Đêm 19/9, đảo chính quân sự diễn ra tại Thái Lan, Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ với lời buộc tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực. Đảo chính diễn ra một cách nhanh chóng, êm ả khi người đứng đầu chính phủ lúc đó đang dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ tại New York.

Chỉ số chứng khoán tại các thị trường chủ chốt ở châu Á cũng như ở Mỹ đã giảm ngay lập tức sau sự kiện này. Đây là lần đảo chính quân sự thứ hai ở Thái Lan trong vòng 15 năm. Tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, tại Thái Lan đã có hàng chục cuộc đảo chính.

Cuộc binh biến được cả Hoàng gia lẫn dân chúng ủng hộ. Đối với người dân Bangkok, cuộc đảo chính quân sự diễn ra không có gì lạ gì. Trong gần 5 tháng khủng hoảng chính trị, họ đã mường tượng được điều mà quân đội sẽ làm với chính phủ. Sự kiện diễn ra đêm 19/9 cho thấy, sự kiên nhẫn của quân đội đối với nhà tỷ phú Thaksin cuối cùng đã không thể kiềm chế nổi sau nhiều tháng bất ổn, bạo lực ở miền nam leo thang và bầu cử gây tranh cãi hồi giữa năm.

Ngày 1/10, cựu tướng Surayud Chulanont nhận sắc lệnh của hoàng gia bổ nhiệm ông vào chức Thủ tướng lâm thời, nhóm tiến hành đảo chính được chính thức hoá vai trò trong chính phủ với tên gọi Hội đồng an ninh quốc gia. Chính phủ quân sự của Thủ tướng Surayud Chulanont cam kết sẽ rời chính trường sau khi một dự thảo hiến pháp được soạn thảo và tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2007.

5 - Động đất lớn tại Indonesia

Soạn: HA 995101 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.800 người.

Rạng sáng ngày 27/5, một trận động đất mạnh 6,2 độ Richter xảy ra ở thành phố Yogyakarta trên đảo Java, cách thủ đô Jakarta của Indonesia 400 km về phía Đông, đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.800 người và làm bị thương 45.000 người khác. Khoảng 200.000 nạn nhân mất nhà cửa và buộc phải trú ẩn trong các lán, trại tị nạn dựng tạm của chính quyền. Thiệt hại về vật chất không kể xiết.

Đây là thảm họa tồi tệ nhất đối với Indonesia kể từ sau thảm họa sóng thần vào năm 2004. Theo ước tính của Liên hợp quốc, nước này cần khoảng 100 triệu USD để khắc phục hậu quả thiên tai trong vòng sáu tháng. Cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng chia sẻ gánh nặng cùng Indonesia. Khoảng 22 quốc gia trên thế giới cũng như các tổ chức của Liên hợp quốc đã gửi hàng viện trợ, các đội cứu hộ, nhân viên y tế đến vùng thảm hoạ. Về phần mình, Việt Nam đã viện trợ khẩn cấp cho Chính phủ Indonesia 1.000 tấn gạo từ dự trữ quốc gia để cứu trợ các nạn nhân bị động đất.

Indonesia là quốc gia nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương. Nước này thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất khủng khiếp, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Mới đây nhất, cuối tháng 12/2004, ở Indonesia cũng xảy ra trận động đất mạnh 9,15 độ Richter, gây sóng thần làm gần 170.000 người thiệt mạng.

6 - Khủng hoảng hạt nhân CHDCND Triều Tiên và Iran leo thang

Soạn: HA 995103 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Iran cương quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân.

Vấn đề hạt nhân tiếp tục gây chú ý của cộng đồng thế giới, những gì xảy ra trong năm 2006 đã càng làm gia tăng tâm điểm này - đó là chương trình hạt nhân của Iran và của CHDCND Triều Tiên.

Các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân cho tới nay chưa đạt kết quả gì. Ngoại trưởng sáu nước thành viên thường trực của HĐBA và Đức đã trao cho Tehran đề xuất trọn gói với nỗ lực thuyết phục Iran từ bỏ chương trình làm giàu uranium. Iran khẳng định cần nhiều thời gian hơn nữa cho đàm phán, đồng thời nhấn mạnh, chương trình hạt nhân của mình phục vụ mục đích hòa bình và sẽ không lùi bước trước bất kể áp lực nào của quốc tế.

Vào thời điểm cuối năm, các cường quốc thế giới tiếp tục bước vào một giai đoạn quyết định khác: Tiếp tục đàm phán với Tehran áp đặt lệnh cấm vận? Một ngày sau khi HĐBA thông qua nghị quyết trừng phạt Iran, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã coi đó là tờ giấy lộn.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang trong năm 2006 mà đỉnh cao là việc Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm lần đầu tiên thiết bị hạt nhân vào ngày 9/10. Vụ thử nghiệm mà CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã thành công gây bất bình cho cộng đồng quốc tế, HĐBA đã ra nghị quyết trừng phạt nước này. Tuy nhiên, các bên liên quan vẫn chưa thống nhất việc thực thi nghị quyết trừng phạt chặt chẽ ra sao. Nga và Trung Quốc đều cảnh báo về sự bất ổn trong khu vực nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết theo con đường hòa bình.

Sau hơn một năm gián đoạn, cuộc đàm phán sáu bên được nối lại tại Bắc Kinh ngày 18/12  và kết thúc mà không đạt được kết quả nào.

7 - Phe cánh tả giành chiến thắng tại Châu Mỹ - Latinh

Soạn: HA 995105 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Năm 2006 tiếp tục đánh dấu sự đổi màu trên bản đồ chính trị thế giới với sự trỗi dậy của làn sóng tư tưởng thiên tả tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh, từ Venezuela, Chile, Argentina, Bolivia tới Brazil, Nicaragua, Ecuador,... Xu hướng này được khẳng định qua thắng lợi của nhiều đại diện cánh tả trong các cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đất nước ở những vùng đất phía nam Tây Bán cầu.

Ngày 15/1/2006, Michelle Bachelet - thành viên Đảng Xã hội Chile, đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này sau khi đánh bại đánh bại doanh nhân Sebastián Piñera đến từ Đảng Cải cách quốc gia trong tổng tuyển cử. Cách đây gần hai tháng, nhà lãnh đạo kỳ cựu của Mặt trận giải phóng dân tộc Sandino (FSNL) Daniel Ortega lại một lần được bầu là tổng thống nước Nicaragua trong 6 năm tới (2007-2012). Mới đây nhất, trong cuộc bầu cử tổng thống Ecuador hôm 26/11, ứng cử viên cánh tả, nhà kinh tế Rafael Correa đã giành chiến thắng vang dội với 65% số phiếu ủng hộ, vượt xa ứng cử viên bảo thủ cánh hữu - tỉ phú Alvaro Noboa. Và cuối cùng, không thể không nhắc đến việc Tổng thống Hugo Chavez - người muốn biến Venezuela từ xã hội tư bản thành xã hội xã hội chủ nghĩa trong 14 năm tới, tái đắc cử nhiệm kỳ 3.

Chiến thắng của các đảng thiên tả ở Mỹ Latinh chủ yếu dựa trên những luận điệu tranh cử chống lại ảnh hưởng bá quyền của Mỹ trong khu vực cũng như những viễn cảnh chính sách dân túy và chú trọng hơn đến các khía cạnh xã hội của việc tái phân bổ nguồn thu từ tài nguyên - những điều mà các chính phủ cánh hữu thân Mỹ lâu nay đã không thể mang lại cho dân chúng.
Điều này phản ánh tiến trình dân chủ hoá sâu sắc ở Mỹ Latinh cũng như xu thế hoà bình, ổn định chính trị ngày càng đi lên trong khu vực. Mỹ Latinh đang chuyển mình, tạo ra một diện mạo mới và làm suy yếu ảnh hưởng của chính quyền Washington đối với vùng đất vốn được coi là “sân sau của nước Mỹ”.

8 - Tổng thư ký mới của LHQ là người châu Á

Soạn: HA 995107 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon.

Ngày 13/10/2006, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí lựa chọn Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon làm Tổng Thư ký. Đây là lần thứ hai trong lịch sử LHQ, một người châu Á giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của tổ chức quốc tế quy mô lớn nhất hành tinh.

Ông Ban, 62 tuổi được đánh giá là một nhà ngoại giao bẩm sinh. Nhiều người từng nhận xét ông Ban có khả năng tránh đụng độ hay biến người nào đó thành kẻ thù. Ông Kofi Annan, Tổng thư ký LHQ hai nhiệm kỳ (1/1997-12/2006), ca ngợi ông Ban là ''một người có đầu óc toàn cầu thực sự'' và ''có khả năng hiếm có về ngoại giao''.

Khả năng làm đúng những nguyên tắc đề ra trong bất cứ trường hợp nào cũng khiến ông Ban là nhà ngoại giao Triều Tiên đầu tiên được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ông Ban thành thạo tiếng Anh và Pháp, hai ngôn ngữ làm việc chính tại LHQ.

Trong bài phát biểu nhậm chức mới đây, ông Ban cam kết sẽ làm hết sức mình để LHQ đạt được nhiều thành công hơn. Ngoài ra, với tư cách là Tổng thư ký, ông Ban tuyên bố sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân CHDCND Triều Tiên một cách tốt đẹp với lợi thế là người xuất thân từ Bán đảo Triều Tiên.

Ông Ban Ki-moon, tổng thư ký thứ 8 của LHQ sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm từ 1/1/2007.

9 - Saddam Hussein lĩnh án tử hình

Soạn: HA 995109 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Sau gần ba năm bị bắt, ngày 5/11, cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bị Toà án tối cao ở Baghdad tuyên án tử hình bằng cách treo cổ do phạm những tội các chống lại con người. Tới ngày 26/12, Toà án Thượng thẩm Iraq đã bác đơn kháng án của nhóm luật sư biện hộ cho Saddam và tán thành mức án tử hình. Bản án sẽ được thực thi trong vòng 30 ngày.

Toà kết tội Saddam, 69 tuổi, cùng với hai cộng sự đã ra lệnh giết 148 người Shiite vô tội năm 1982 sau một âm mưu ám sát bất thành nhằm vào ông này tại thị trấn Dujail năm 1980. Sau khi nghe toà tuyên án, Saddam Hussein đã tỏ ra vô cùng tức giận và hét lớn: "Chúa vĩ đại. Cuộc sống cho đất nước anh hùng và cái chết cho kẻ thù của chúng ta".

Phản ứng trước phán quyết của Toà án Thượng thẩm Iraq, Mỹ và Anh đã lên tiếng hoan nghênh còn Pháp bày tỏ hy vọng
tình trạng bạo lực giáo phái ở đất nước Vùng Vịnh sẽ không trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó từ Moscow, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Duma quốc gia Nga, Konstantin Kosachev, đã khuyến cáo về ''những hậu quả thê thảm'' tại Iraq sau khi bản án được thực hiện.  

Saddam Hussein, lãnh đạo Iraq trong 23 năm, đã bị Mỹ lật đổ và bị bắt giam hồi tháng 12/2003 ở một địa điểm gần thành phố quê hương Tikrit. Ông này bị cáo buộc rất nhiều tội danh, gồm cả giết các đối thủ chính trị từ 30 năm trước, cho phép thực thi chiến dịch Anfal năm 1987-1988 khiến hàng chục nghìn người Kurd thiệt mạng, đàn áp phong trào nổi dậy của người Shi'ite năm 1990 sau cuộc chiến vùng Vịnh...  

Tuy nhiên, với án tử hình cho vụ thảm sát ở Dujail, các nhà chức trách Iraq có quyền xử tử Saddam mà không cần chờ các phiên xét xử khác.  

10 - Hàng loạt âm mưu khủng bố máy bay

Soạn: HA 995111 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Anh - Mỹ thắt chặt an ninh hàng không.

Cơ quan điều tra Anh Scotland Yard hôm 10/8 cho biết phá vỡ một âm mưu khủng bố làm nổ tung máy bay giữa trời khi phương tiện vận chuyển này đi từ Anh sang Mỹ. Theo cảnh sát, kế hoạch khủng bố gồm đưa thuốc nổ lên máy bay bằng hành lý xách tay. An ninh tại toàn bộ các sân bay của Anh đã được thắt chặt. MỹPháp báo động an ninh ở mức cao nhất.

Ngay sau đó, hàng nghìn hành khách đi máy bay tiếp tục chịu đựng việc hủy chuyến hoặc chậm trễ giờ bay khi an ninh thắt chặt ở mọi sân bay Anh và cả ở Mỹ.

Tại Anh, theo chỉ dẫn mới, hành khách chỉ được mang theo người ví tiền, giấy tờ tùy thân và du lịch, thuốc men theo quy định, kính mắt, kính râm và chìa khóa. Những hành khách có kèm trẻ em sẽ được phép mang theo những vật dụng cần thiết cho trẻ trên chuyến bay. Tại Mỹ, hành khách sẽ không được phép mang chất lỏng lên máy bay kể cả đồ uống, gel bôi tóc, nước thơm... Sữa hay đồ ăn cho trẻ, nước ép hoa quả cho trẻ nhỏ hay thuốc men có thể mang theo, nhưng phải qua kiểm tra kỹ càng.


(Theo VietNamNet)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giáo hoàng Benedict XVI kêu gọi giúp đỡ những trẻ em thiệt thòi
Phát biểu trong buổi lễ Đêm Noel tại Nhà thờ Thánh Peter tráng lệ, Giáo hoàng Benedict XVI kêu gọi giúp đỡ các trẻ em bị lạm dụng trên toàn thế giới, trong đó có những trẻ em bị bắt đi lính, những trẻ em phải đi ăn xin
25/12/2006
Người Palestine biểu tình kêu gọi hòa bình
Hàng trăm người Palestine đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội tại thành phố Gaza, hối thúc các nhóm đối địch chấm dứt bạo lực và tái khởi động các cuộc đàm phán thành lập chính phủ thống nhất dân tộc.
22/12/2006
Đàm phán về vấn đề Triều Tiên không đạt được thỏa thuận
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill, cho biết vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
20/12/2006
Ông Ban Ki-moon tuyên thệ nhậm chức tổng thư ký LHQ
Cựu ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon hôm qua đã tuyên thệ nhậm chức tổng thư ký Liên hợp quốc bắt đầu từ ngày 1-1-2007.
20/12/2006