Tiếp tục đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Ngày 22/8, Tòa phúc thẩm Thành phố Paris ra phán quyết bác đơn của bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, 83 tuổi, kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ngay sau đó, bà Nga cũng như dư luận tại Pháp cho rằng đó là sự bất công và sẽ tiếp tục đấu tranh vì tất cả nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Bà Trần Tố Nga kiên trì theo đuổi vụ kiện suốt 15 năm qua. |
“Không sao cả. Đây không chỉ là cuộc đấu tranh của tôi, mà còn là của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam khác”, dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần để không bất ngờ với phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris, nhưng bà Trần Tố Nga vẫn không khỏi buồn lòng khi chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp.
Kênh truyền hình Pháp France24 trích lời 2 vị luật sư đồng hành với bà Trần Tố Nga, ông William Bourdon và ông Bertrand Repolt: "Cuộc đấu tranh của chúng tôi không dừng lại ở quyết định này”.
Ông Võ Đình Kim, điều phối viên Ban vận động ủng hộ bà Trần Tố Nga và đồng sáng lập nhóm Vietnam-Dioxine tại Pháp bày tỏ: "Phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris đối với đơn kháng cáo của bà Trần Tố Nga khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Trước đó, chúng tôi đã hy vọng rằng tòa án sẽ ghi nhận trách nhiệm của các tập đoàn hóa chất công nghiệp này. Đó mới chính là công lý mà chúng tôi quyết tâm theo đuổi.
Nhiều thành viên khác trong Ban vận động ủng hộ và nhóm Việt Nam-Dioxine của chúng tôi cũng không giấu được sự thất vọng này. Cũng rất may là trong thời gian qua, báo chí luôn theo sát sự kiện, và từ đó rất nhiều người dân Pháp có thêm thông tin cụ thể hơn về loại chất độc màu da cam này.
Chúng tôi nhận thấy một sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, công chúng Pháp. Trong nhóm của chúng tôi có rất nhiều bạn trẻ là người Pháp. Họ cũng bày tỏ sự đồng cảm với hoàn cảnh của các nạn nhân chất độc da cam. Họ cũng tìm cách hỗ trợ cuộc đấu tranh này bằng nhiều hành động cụ thể vì tin rằng đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà đó còn là vấn đề của công lý cho nhân loại.
Chúng tôi dự định rằng tại Hội báo Nhân đạo sắp diễn ra vào tháng 9 tới đây, sẽ tổ chức buổi thảo luận nhằm nâng cao sự hiểu biết của công chúng Pháp về dioxine và vận động ủng hộ cho các nạn nhân của chất độc da cam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều đại biểu quốc hội Pháp".
Theo anh Kim Vo Dinh, cuộc đấu tranh này rất gian nan vì các công ty hóa chất Mỹ có khả năng tài chính để tiến hành những cuộc vận động hành lang nhằm cản trở vụ kiện. Dù vậy, ngày càng có nhiều người ở Pháp cũng như trên thế giới chia sẻ và ủng hộ vụ kiện đòi công lý cho bà Trần Tố Nga cũng như các nạn nhân khác ở Việt Nam.
Báo Nhân đạo (Pháp) đăng nhiều tin, bài về hành trình đi tìm công lý của bà Trần Tố Nga. |
Ông Nguyễn Bình, điều phối viên Ban vận động ủng hộ bà Trần Tố Nga, cũng cho rằng đây là sự bất công đối với các nạn nhân chất độc da cam: Cuộc đấu tranh này của chúng ta sẽ còn tiếp tục kéo dài. Cộng đồng người Việt Nam và những người bạn Pháp luôn theo dõi và ủng hộ bà Trần Tố Nga. Trước mắt, Ban vận động ủng hộ bà Trần Tố Nga dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp báo, thu hút sự quan tâm của dư luận và công chúng Pháp. Rất có thể, cuộc đấu tranh sẽ được lan rộng ra một số nước khác trong châu Âu như Bỉ, Thụy Sĩ, Đức...
Trước đó, ngày 10/5/2021, Tòa đại hình Évry đã bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga đối với các công ty hóa chất Mỹ trong đó có Bater-Monsanto và Dow Chemical, đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cơ quan thông tấn Pháp AFP trích lại lời phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris hôm 22/8: Yêu cầu của bà Tố Nga đi ngược lại quyền miễn trừ thẩm quyền mà các công ty […] được hưởng.
Theo phán quyết nêu trên, Tòa phúc thẩm Paris cho rằng các công ty, bao gồm Bayer-Monsanto, Dow Chemical và Hercules, đã "hành động theo lệnh và thay mặt cho Nhà nước Hoa Kỳ" và do đó họ có thể yêu cầu "miễn trừ khỏi quyền tài phán”.
Ngay từ đầu, các tập đoàn hóa chất có liên quan đã lợi dụng những lập luận này.
Ngày 22/8, nhiều tờ báo Pháp đưa tin về vụ kiện của bà Trần Tố Nga. |
Trong bài báo số ra ngày 22/8, báo Nhân đạo (L’Humanité) đã trích lời lập luận chối bỏ của vị luật sư đại diện cho tập đoàn Bayer-Monsanto, ông Jean Daniel Bretzner: Là đơn vị được Nhà nước chỉ đạo sản xuất, các tập đoàn chúng tôi không được lợi lộc gì từ quá trình sản xuất này”. Ông này cũng cho biện minh thêm: “Khả năng dung nạp của chất dioxine chỉ là 1%”.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, nếu các cựu chiến binh của quốc gia này được một số công ty bồi thường mà không cần xét xử, thì năm 2005 tòa án đã bác bỏ vụ kiện của các nạn nhân Việt Nam.
Tập đoàn Dow Chemical, vốn có liên quan đến thảm họa Bhopal ở Ấn Độ, đã bào chữa rằng đây là “bối cảnh rất đặc biệt của cuộc chiến”, trước khi ngụy biện rằng căn bệnh duy nhất liên quan đến chất độc màu da cam là bệnh chloracné (bệnh trứng cá gây ra do tiếp xúc với clo). Tập đoàn Dow Chemical chối bỏ trách nhiệm, cho rằng bà Trần Tố Nga không hề mắc bệnh đó.
Thực tế, bà Trần Tố Nga mắc nhiều bệnh ung thư và mãn tính sau khi bị nhiễm chất độc da cam. Một vài bệnh trong số đó được các bác sĩ nhận định là đã di truyền sang những người con gái của bà. Một người con gái của bà Trần Tố Nga, sinh năm 1969, chết vì dị tật tim ở 17 tháng tuổi. Hai người con gái khác bị khuyết tật về xương và tim. Còn các cháu của bà đều bị ảnh hưởng bởi “bệnh lý nghiêm trọng”.
Bà Trần Tố Nga và các vị luật sư đồng hành sẽ tiếp tục bước thứ ba, đó là trình bản kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền châu Âu nhằm tố cáo sự bất công và hậu quả khủng khiếp của chất độc da cam.
Bà Trần Tố Nga, sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, từng là phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng, bị nhiều căn bệnh do hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Các xét nghiệm y tế cho thấy nồng độ dioxin trong máu bà cao hơn tiêu chuẩn quy định. Bà Trần Tố Nga chuẩn bị suốt 4 năm từ 2009 tới 2013 cho vụ kiện. Tới tháng 5/2013, Tòa đại hình Evry (ngoại ô Paris) chấp thuận đơn của bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Tháng 4/2014, tòa mở phiên đầu tiên yêu cầu 19 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có mặt (do nhiều công ty đã giải thể). Vụ kiện của bà Nga là một vụ kiện lịch sử và đặc biệt. Bà là người duy nhất có thể đại diện nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện vì hội đủ 3 điều kiện: là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật pháp cho phép mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình và là nạn nhân chất độc da cam. Ngày 10/5/2021, Tòa đại hình Evry đã bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga với các công ty hóa chất, trong đó có Monsanto & Dow Chemical, đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tòa đại hình Evry cho biết họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời chiến của Chính phủ Mỹ. Các công ty bị kiện đã hành động theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ, một pháp nhân “có chủ quyền.” Dù vậy, bà Trần Tố Nga và ba luật sư Pháp tình nguyện giúp bà theo đuổi vụ kiện nhiều năm qua, tiếp tục kháng án. Ngày 7/5, Tòa phúc thẩm Paris mở phiên điều trần cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, 82 tuổi, chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc màu da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. |
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc