Tổng thống Mỹ ký ban hành luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn Chính phủ đóng cửa
Ngày 30/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ đóng cửa.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. |
Đạo luật này giúp phân bổ ngân sách để bảo đảm Chính phủ liên bang có thể duy trì hoạt động đến ngày 17/11 tới.
Chia sẻ trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hình ảnh Tổng thống đang ký ban hành luật vào tối 30/9 (theo giờ địa phương), ông Joe Biden thông báo: "Tôi vừa ký ban hành luật nhằm duy trì hoạt động của Chính phủ trong 47 ngày. Có nhiều thời gian để thông qua dự luật ngân sách của Chính phủ, và tôi rất mong muốn Quốc hội sẽ bắt tay vào làm việc ngay lập tức. Người dân Mỹ mong đợi Chính phủ của họ làm việc. Chúng ta hãy chắc chắn rằng việc đó sẽ diễn ra".
ổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn nguy cơ Chính phủ đóng cửa. |
Trước đó cùng ngày, trong nỗ lực phút chót nhằm tránh nguy cơ Chính phủ phải đóng cửa một phần, Hạ viện và Thượng viện đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời.
Dự luật do Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đề xuất nhằm cấp ngân sách tạm thời cho Chính phủ Mỹ nhưng không bao gồm khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội có nhiệm vụ phải phân bổ ngân sách chi cho hoạt động của 438 cơ quan chính phủ trong mỗi năm tài chính (kết thúc vào ngày 30/9 hằng năm). Nếu các nghị sĩ không thông qua dự luật ngân sách trước khi năm tài chính mới bắt đầu, các cơ quan chính phủ sẽ không thể tiếp tục hoạt động bình thường.
Kể từ năm 1976 đến nay, Chính phủ Mỹ đã trải qua hơn 20 lần đóng cửa. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội của Mỹ, có những lần đóng cửa chỉ kéo dài trong 1-2 ngày. Lần đóng cửa gần đây nhất và cũng là lần đóng cửa lâu nhất kéo dài trong 34 ngày, từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019, liên quan đến bất đồng về an ninh biên giới của nước Mỹ.
Nguồn: Statista, The New York Times |
Khi Chính phủ đóng cửa, hàng trăm nghìn công chức liên bang sẽ phải nghỉ phép không lương và hàng loạt dịch vụ có thể bị gián đoạn, từ giám sát tài chính đến thu gom rác tại các công viên quốc gia. Những người lao động khác được coi là “thiết yếu” sẽ tiếp tục làm việc dù họ cũng không được trả lương. Tuy nhiên, các dịch vụ như gửi thư và thu thuế sẽ được duy trì...
Trên thực tế, việc Chính phủ đóng cửa kéo dài trong vài ngày sẽ có ít tác động đến nước Mỹ, đặc biệt là khi Chính phủ đóng cửa vào cuối tuần, nhưng nền kinh tế có thể sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nếu nhân viên liên bang không được trả lương trong 2 tuần.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, việc đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ trực tiếp làm giảm mức tăng trưởng GDP khoảng 0,15 điểm phần trăm trong mỗi tuần kéo dài, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ tăng tương đương sau khi việc đóng cửa được giải quyết.
Theo Nhân Dân Điện tử
Ý kiến bạn đọc