Hàng loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện: Hiểm họa vẫn rình rập
Nhiều quốc gia đang đứng trước mối đe dọa bùng phát làn sóng dịch Covid-19 mới, chủ yếu do sự xuất hiện hàng loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trong bối cảnh đó, việc nêu cao tinh thần cảnh giác và đoàn kết, hợp tác chống dịch, đồng thời xây dựng hệ thống chăm sóc y tế có sức chống chịu tốt với thách thức là nhiệm vụ của mọi quốc gia.
Virus SARS-CoV-2. |
Sự biến đổi không ngừng của virus SARS-CoV-2 đe dọa làm bùng phát những làn sóng dịch Covid-19 mới vào bất cứ thời điểm nào.
Hiện tỉnh Ontario của Canada đang đối mặt nguy cơ bùng phát dịch, với nhiều ca mắc mới được ghi nhận. Trong vòng một tuần, thủ đô Ottawa của Canada ghi nhận 177 ca mắc mới, trong đó có 28 người nhập viện. Trước nguy cơ làn sóng dịch Covid-19 bùng phát, các nhà chức trách khuyến nghị người dân thực hiện biện pháp tự bảo vệ như đeo khẩu trang, bổ sung mũi tiêm vaccine phòng Covid-19, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với những người chung quanh, rửa tay thường xuyên, tự cách ly khi phát hiện mắc bệnh...
Giáo sư Christina Pagel của Đại học London, thành viên Nhóm Cố vấn Khoa học cho các trường hợp khẩn cấp của Chính phủ Anh, mới đây cũng cảnh báo về nguy cơ đợt dịch Covid-19 có quy mô lớn xảy ra vào tháng 9/2023 tại Anh, khi trẻ em quay lại trường học và người lớn đi làm trở lại sau kỳ nghỉ hè. Còn ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng ghi nhận số ca lây nhiễm và nhập viện do Covid-19 gia tăng.
Sự xuất hiện của hàng loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây lan nhanh được nhận định là yếu tố khiến số ca bệnh phải nhập viện gia tăng.
Theo các chuyên gia y tế Israel, biến thể BA.2.86 có tới hơn 30 đột biến mới. Dù các nhà khoa học nhận định rằng, biến thể BA.2.86 khó có khả năng gây ra làn sóng bệnh nặng và tử vong do nhiều người đã có miễn dịch trong cơ thể từ các đợt tiêm chủng và các lần nhiễm Covid-19 trước đó, song họ vẫn khuyến cáo các nước thận trọng xem xét nguy cơ tiềm ẩn từ biến thể này. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng khiến nhiều hoạt động được chuyển sang tổ chức trong nhà thay vì ngoài trời; điều kiện thông gió kém làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Sự hoành hành của đại dịch Covid-19 gần bốn năm qua đã bộc lộ những điểm yếu của hệ thống y tế toàn cầu, trong đó có sự tiếp cận không công bằng về dịch vụ y tế. Dù đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã dỡ bỏ tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Covid-19 nhưng những bài học về sự sẻ chia, hợp tác vẫn còn nguyên giá trị. Tổng Giám đốc WHO mới đây nhận định, dịch Covid-19 chưa kết thúc và thế giới vẫn cần các công cụ để ngăn chặn đại dịch; đồng thời khẳng định, tất cả các nước trên thế giới sẽ được tiếp cận công bằng những công cụ này.
Mới đây, WHO đã đạt thêm ba thỏa thuận mới với các đơn vị nghiên cứu công nghệ vaccine ngừa Covid-19 về việc cho phép chia sẻ tri thức trên một nền tảng toàn cầu của WHO. Liên minh vaccine cho tất cả mọi người nhận định rằng, các tổ chức chia sẻ công nghệ trên nền tảng của WHO sẽ giúp đặt lợi ích, nhu cầu của người dân lên trên lợi nhuận của các đơn vị nghiên cứu và sản xuất dược phẩm.
Trong một nỗ lực nhằm tăng cường tính công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, Ủy ban xóa bỏ phân biệt chủng tộc của Liên hợp quốc vừa qua kêu gọi các nước giàu miễn áp dụng bản quyền đối với các loại vaccine ngừa Covid-19. Ủy ban nêu rõ, dịch Covid-19 vẫn đang là vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng với những tác động mang tính "thảm họa" mà người dân các khu vực châu Phi, Nam Á hay các dân tộc thiểu số... là những đối tượng phải hứng chịu nhiều nhất.
Thực tế cuộc chiến chống dịch Covid-19 những năm qua đã chứng minh rằng, sự phối hợp hành động của các quốc gia là vũ khí hiệu quả nhất giúp toàn thế giới chiến thắng dịch bệnh.
Theo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc