Trận lũ lụt lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại Italy

12:02, 23/05/2023

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 21/5, vùng Emilia-Romagna vẫn bị đặt trong tình trạng báo động đỏ, với các trận mưa quay trở lại khiến nhiều khu vực rộng lớn vẫn chìm trong nước và sạt lở đất chưa dừng lại, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng núi Apennines.

Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Ghibullo thuộc vùng Emilia-Romagna, Italy, ngày 20/5/2023.
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Ghibullo thuộc vùng Emilia-Romagna, Italy, ngày 20/5/2023.

Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Bảo vệ Dân sự vùng Emilia-Romagna, bà Irene Priolo cho biết khoảng 100 thành phố và thị trấn trong vùng đã bị thiệt hại do lũ lụt, gấp 3 lần số lượng bị ảnh hưởng do trận động đất kinh hoàng xảy ra ở khu vực này vào năm 2012. Lũ lụt đã gây ra hơn 305 vụ lở đất và làm hư hỏng hoặc đóng cửa hơn 500 con đường, với mức thiệt hại lên tới nhiều tỷ euro.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Priolo nói: "Nhìn từ trên cao, vùng này trông giống như đã bị đánh bom. Ở một số khu vực, chúng tôi sẽ phải xây dựng lại những con đường mới, thay đổi hoàn toàn hình dạng của mạng lưới đường bộ”. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Bologna, ông Matteo Lepore đánh giá sẽ phải mất “hàng tháng và ở một số nơi có thể hàng năm” để sửa chữa đường sá và cơ sở hạ tầng.

Theo chính quyền vùng Emilia-Romagna, ngoài ít nhất 14 người thiệt mạng, số người phải sơ tán vì lũ lụt đã tăng lên trên 36.600 người, hầu hết trong số này (27.775 người) đã phải rời bỏ nhà cửa tại tỉnh Ravenna, nơi tình hình đặc biệt tồi tệ, thiếu nước uống và lương thực ở một số khu vực; 4.830 người ở tỉnh Forlì-Cesena và 4.012 người ở khu vực thành phố Bologna.

Hai đợt mưa, diễn ra cách nhau 15 ngày, đã đổ xuống Emilia-Romagna lượng nước mưa bằng mức trung bình của cả năm, sau 2 năm hạn hán khiến mặt đất khô nứt trở nên không thấm nước, làm trôi đất lớp đất bề mặt và phá hủy các vườn cây ăn quả, vườn nho và diện tích canh tác đã sẵn sàng để thu hoạch. Hàng nghìn trang trại vẫn chìm trong biển nước, vô số gia súc bị chết đuối hoặc có nguy cơ chết đói, trong lúc mưa vẫn tiếp tục.

Tổng liên đoàn Nông nghiệp Italy (Confagricontura) ước tính mức thiệt hại kinh tế của mỗi ha đất là 6.000 euro (6.500 USD) đối với các loại cây trồng như lúa mì, lúa mạch, ngô, đậu tương, hoa hướng dương, cỏ linh lăng và các loại cây lấy hạt khác. Thiệt hại của các vườn cây ăn trái, vườn nho và vườn ô liu cao gấp 5 lần, ở mức 32.000 euro (35.000 USD)/ha.

Trong khi đó, Liên đoàn Nông dân Quốc gia (Coldiretti) cho biết thiệt hại là “không thể đo đếm được” trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là trái cây và rau quả. Tuyên bố nêu rõ: “Việc nước đọng trong vườn cây ăn quả sẽ làm ‘nghẹt thở’ rễ cây cho đến khi chúng bị thối rữa và có nguy cơ hủy hoại toàn bộ số cây trồng, mà sẽ mất nhiều năm trước khi có thể sản xuất trở lại”. Hiện có tới 40 thành phố có các loại cây trồng như vậy bị nhấn chìm trong nước lũ.

Sản lượng đã được thu hoạch cũng bị đe dọa. Ông Massimo Masetti, Giám đốc Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh Ravenna, cảnh báo: “Tại nhiều nơi, nước đã tràn vào kho và ngũ cốc bị ướt gây thiệt hại kinh tế lớn”.

Các tổ chức nông nghiệp cho biết hiện có hơn 5.000 trang trại có nhà kính/vườn ươm, chuồng trại bị chìm trong nước. Trong khi những thị trấn trên đỉnh đồi không bị thiệt hại do lũ lụt, nhưng sau nhiều ngày không có thức ăn, nước và điện, tình hình trở nên tồi tệ.

Emilia-Romagna là một trong những vùng giàu có nhất tại Italy. Vùng này đóng góp 9,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước và tỷ lệ có việc làm là 68%, cao gần gấp 3 lần so với khu vực miền Nam.

Đây được gọi là “thung lũng ẩm thực” và tự hào có 19 bảo tàng tôn vinh ẩm thực và sản phẩm của vùng bao gồm phô mai Parmigano, giăm bông Parma, giấm balsamic và các món ngon khác. Các tour du lịch ẩm thực thu hút hàng triệu lượt người đến Emilia-Romagna mỗi năm. Nói cách khác, đây là một trong những nơi đáng sống nhất tại Italy.

Khi trận động đất kinh hoàng xảy ra vào năm 2012, thiệt hại kinh tế của Emilia-Romagna lên tới hơn 13 tỷ euro. Nhưng theo Coldiretti, thiệt hại của hai đợt mưa lũ lịch sử này có thể cao gấp 3 lần.

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung Quốc sẽ cử đại diện đến Ukraine thúc đẩy giải quyết khủng hoảng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẽ cử đại diện đặc biệt đến Ukraine và các nước khác để đi sâu trao đổi với các bên về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
28/04/2023
Dấu ấn sâu đậm về tiếng nói, vai trò, đóng góp và uy tín quốc tế của Việt Nam
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản một lần nữa khẳng định và góp phần củng cố vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế, để lại dấu ấn sâu đậm về tiếng nói và đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu; đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, đặc biệt là thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay.
22/05/2023
Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á: Nâng tầm quan hệ hợp tác
Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á năm 2023 với sự hiện diện của chủ nhà Trung Quốc và các quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã thành công tốt đẹp. Kết quả đó không chỉ củng cố quan hệ hợp tác nội vùng mà còn nâng tầm khu vực trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu hiện nay.
21/05/2023
G7 nhất trí tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển
Tại ngày họp thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Hiroshima (Nhật Bản), lãnh đạo nhóm này đã ra tuyên bố khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ năng lượng và phát triển cho các nước mới nổi và đang phát triển vốn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư và nợ nước ngoài.
20/05/2023