Chile sau cánh cửa văn hóa
BHG - Châu Mỹ có 4 quốc gia là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Chile, Peru, Mexico và Canada. Trong số đó, Cộng hòa Chile có nền văn hóa phát triển, tạo thêm sức hấp dẫn lớn cho “đất nước hình quả ớt” ở Nam bán cầu.
Víctor Jara (1932 – 1973) |
Tôi chưa được dịp tới Chile để thăm Thủ đô Santiago de Chile hiện đại song vẫn mang nhiều nét cổ kính, ngắm rặng núi Andes hùng vĩ lắm mây bao phủ, đi lên phía bắc phóng tầm mắt nhìn sa mạc Atacama giầu tài nguyên – dưới đất chứa trữ lượng đồng vào hàng đầu thế giới. Sẽ là đẹp như mơ khi được về cực nam tới Eo biển Drake, sang cực đông (ngay sát gần đó) gặp đảo Phục Sinh. Miền này lắm đầm, hồ, kênh rạch, rừng ngập mặn nối liền với biển cả. Nơi “cùng trời cuối đất” là đây chăng! Biết đâu lại chẳng bắt gặp cảm giác tựa như của nhiều văn nhân, mặc khách khi tới xã Ngọc Hiển ở mũi Cà Mau. Thi sỹ của mùa xuân và tình yêu Xuân Diệu đã có bài thơ rất hay về Cà Mau: Tổ quốc tôi như một con tầu/ Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau.
Nhưng qua cây cầu văn hóa, tôi yêu đất nước này từ lúc nào chẳng hay! Khi còn ngồi trên ghế nhà trường và cả sau này nữa, tôi đọc tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn Chile: Gabriela Mistral (1889-1957, nhận giải thưởng Nobel văn học năm 1945, là nghệ sĩ Mỹ Latinh đầu tiên được trao giải thưởng danh giá này, người có chân dung được nhà nước Chile chọn in trên đồng tiền 5.000 peso); Pablo Neruda (1904-1973, nhận giải thưởng Nobel văn học năm 1979); nữ văn sĩ Isabel Allende (cháu gọi cố Tổng thống Salvador Allende bằng bác) có những tác phẩm nổi tiếng như La casa de los espíritus (Ngôi nhà của những hồn ma), Cuentos de Eva Luna (Những câu chuyện về Eva Luna)…
Santiago: Thủ đô văn hóa của Chile. |
Tôi đặc biệt có cảm tình với nhạc sĩ tài ba Victor Jara. Ở Mỹ Latinh, vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, tên tuổi của nhạc sỹ người Chilê Víctor Jara rất nổi tiếng. Ông là nhà sáng tác nhạc kiêm ca sỹ tài năng, nhà giáo, đạo diễn sân khấu, nhà hoạt động chính trị trong Liên minh Đoàn kết nhân dân do Tổng thống Salvador Allende đứng đầu.
Víctor Jara đặc biệt ngưỡng mộ Cách mạng Cuba, có cảm tình với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông chưa từng tới Việt Nam, nhưng cũng đã kịp để lại một nhạc phẩm cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là nhạc phẩm Quyền được sống trong hòa bình (El drecho de vivir en paz) trong album cùng tên. Bài hát đã ca ngợi Bác Hồ (lời tác giả), lời thơ có đoạn: “Nhà thơ Hồ Chí Minh – đưa quyền sống hòa bình – từ Việt Nam ra toàn nhân loại…”.
Năm 1972, Víchto Hara sang thăm Cuba và có buổi biểu diễn ở nhà hát Rondan. Đêm ấy, nhà hát vào loại sang trọng này ở trung tâm thủ đô La Habana dành riêng cho Victor Jara, khán giả đông kín chỗ, chốc chốc lại rộ lên tiếng vỗ tay hoan hô tán thưởng. Lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy một nghệ sỹ đeo trên 2 vai có tới gần chục cây đàn khác nhau (có cả nhạc cụ dân tộc với hình dáng rất lạ mắt). Khi chuyển bài hát, ca sĩ lại lấy ra cây đàn mới. Từ cảm tình đến cảm phục trước tài nghệ của nhạc sỹ, khi đêm biểu diễn kết thúc, tôi đã cùng các bạn Cuba lên sân khấu tặng hoa và bắt tay ông.
Tháng 9/1973, ở Chile diễn ra đảo chính do giới quân sự tiến hành. Viên tướng Pinochê lên nắm quyền, thi hành chính sách đàn áp những người dân chủ. Nhạc sỹ Víctor Jara cùng nhiều nhà yêu nước Chile bị giết hại.
Những ngày diễn ra đảo chính ở Chile, chúng tôi cùng sinh viên Cuba và Mỹ Latinh đi mít tinh, tuần hành thâu đêm suốt sáng. Ở thư viện trường Đại học Tổng hợp La Habana, tôi đọc được bài thơ Cây đàn ghi ta của Víctor Jara – một sáng tác mới của Feliz Pita Rodrigez (nhà thơ Cuba có nhiều sáng tác ủng hộ Việt Nam, trong đó có bài thơ nổi tiếng Hồ Chí Minh – tên Người là cả một niềm thơ) đăng trên báo Cá Sấu (người ta ví Đảo Quốc Cuba giống hình con cá sấu xanh).Trong tình cảm yêu mến Chile – Tổ quốc của đại thi hào Pablo Neruda, kính phục Tổng tống Salvador Allende, tiếc thương nhạc sỹ Víctor Jara, tôi quyết định dịch bài thơ ra tiếng Việt. Bài thơ có đoạn: Cây đàn ghi-ta của Víctor Jara/ Từng phím từng dây thuộc về Tổ Quốc/ Có trái tim Chile trong hộp cây đàn…
Bài thơ được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhạc sỹ Phan Nhân đã phổ nhạc bài thơ thành bài hát cùng tên - khá quen thuộc một thời trong giới trẻ yêu ca hát ở Việt Nam.
Tùy bút của TS. Chu Huy Sơn
Ý kiến bạn đọc