Tài sản tới ngàn năm

16:09, 29/07/2022

BHG - Một trong các sự kiện lớn diễn ra vào tháng 7.2022 là: Hai nước Việt Nam và Lào cùng nhau kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Tại lễ mít tinh kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Ý nghĩa của những lời như chân lý ấy đúng với quá khứ, hôm nay và chỉ đường cho mai sau.

Từ trong sâu thẳm, ký ức vọng về…

Sinh ra ở một làng Trung du phía Bắc, tôi lớn lên, đi qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Từ thuở bé, tôi đã nghe nhắc về nước Lào qua câu truyện của cha tôi và những người trong làng cùng thế hệ. Họ đi bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sang tận những nơi xa lắm như Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Xavanakhét, Nậm Thà, Bát-tam-băng, Phông Xaly… Tôi hình dung theo những câu truyện kể thì, nơi ấy là đất nước Triệu Voi, những bản làng nở đầy hoa Chăm-pa mà quê tôi gọi là hoa đại, có những bà mẹ, người chị rất đỗi yêu thương quân tình nguyện Việt Nam như thể bộ đội Pha-thét Lào.

Tôi tự hỏi: “Vì sao lại như thế…”.

Ở quê, tôi có nhiều người bạn. Trong số ấy có một người bạn gái thân thương hơn cả, cho nên biết rất rõ về hoàn cảnh. Cha mẹ bạn tôi sinh con một bề, có 4 người con đều là gái. Là con lớn trong nhà, khi bạn tôi đang học trường cấp I thì được tin người cha hy sinh ở chiến trường Thượng Lào trong chiến dịch Đông – Xuân năm 1953. Một nách 4 con thơ dại, bà mẹ tần tảo cấy lúa, trồng khoai nuôi dạy cả 4 con nên người. Tất cả đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm, gia đình đầy đủ. Tôi thầm nghĩ người mẹ ấy xứng đáng là một anh hùng. Mới đây, được tin con của bạn tôi đang làm việc trong một công ty của Việt Nam sang giúp nước bạn Lào xây trường học ở gần Thủ đô Viên Chăn.

Trở lại câu truyện về những ký ức của thuở ấu thơ kể trên. Theo năm tháng, dần dần tôi tự trả lời được cho mình câu hỏi (“tự vấn”) ngày trước. Đầu tiên là, từ những câu truyện nghe được ở miền quê Trung du. Người trong làng đi về truyền nhau lời của Bác Hồ “Giúp Bạn là tự giúp mình!”; đọc cho nhau nghe cả thơ của Bác: Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt – Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Thế hệ chúng tôi chỉ được nghe kể, đọc về 2 nhà lãnh đạo của Cách mạng Lào: Chủ tịch Xu-pha-nu-vông vàTổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Nhưng trong tôi, tên tuổi của các vị ấy gần gũi, đáng kính. Trong một cuốn sổ tay học trò, tôi còn ghi lời của cố Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản nói về tình nghĩa Lào – Việt Nam: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt lâu dài và toàn diện như vậy”.

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì ngoài biển Đông vẫn tiếp tục có sóng ngầm. Càng suy ngẫm, càng thấy thương, càng kính phục biết bao cha ông mình thuở trước! Nghe vọng về trong sâu thẳm lời thơ hào sảng của danh tướng Lý Thường Kiệt đọc trước quân sĩ ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay): Nam Quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Tạo hóa sinh ra và Tổ tiên để lại cho thế hệ hôm nay và con cháu mai sau hình hài Tổ quốc giống chữ S tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bên kia là hai nước bạn Lào và Campuchia. Lịch sử, nhất là lịch sử hiện đại minh chứng rằng, 3 nước trên bán đảo Đông Dương luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau chống kẻ thù chung và cùng chiến thắng, đem lại độc lập, tự do cho nhân dân mỗi nước. Biết được điều ấy, nên xưa nay các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại tình đoàn kết, chia rẽ 3 nước Đông Dương, nhằm thực hiện những âm mưu thâm độc.

Thể hiện tâm nguyện của nhân dân các bộ tộc Lào, cố Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt - Lào sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Tình hữu nghị thủy chung son sắt Việt Nam - Lào là tài sản vô giá cho ngàn năm sau của cả 2 dân tộc anh em!

Tùy bút của TS. Chu Huy Sơn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mỹ đưa bệnh đậu mùa khỉ thành bệnh phải khai báo toàn quốc
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 27/7 cho biết có kế hoạch đưa bệnh đậu mùa khi đang lây lan nhanh chóng thành bệnh phải khai báo trên toàn quốc.
29/07/2022
Hình ảnh châu Âu 'bỏng rãy' vì nắng nóng kỷ lục
BHG - Nắng nóng kỷ lục và thời tiết khô hạn đã gây cháy rừng ở khắp phía nam châu Âu và làm hàng trăm người chết vì nắng nóng. Tại Anh, ít nhất 6 người chết đuối trong khi cố làm mát cơ thể.
28/07/2022
Đầu tàu kinh tế châu Âu trong khủng hoảng
Nguồn cung khan hiếm và giá năng lượng tăng cao đã tác động mạnh tới nền kinh tế Đức. Trong ngành công nghiệp, khoảng một phần tư số công ty phải giảm quy mô hoặc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức thiệt hại của “đầu tàu kinh tế châu Âu” lên tới 2,7% GDP vào năm 2023 và 0,4% vào năm 2024.
27/07/2022
Cuba phát triển vaccine mới chống biến thể Omicron
Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ sinh học và dược phẩm Cuba (BioCubaFarma) Eduardo Martínez ngày 25/7 cho biết các nhà khoa học nước này đang phát triển một kháng nguyên chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và sẵn sàng cho ra mắt thêm một ứng cử viên vaccine ngừa Covid-19 nữa.
26/07/2022