Cuộc chiến Ukraina nhìn vào thực chất

10:51, 08/04/2022

BHG - Mở đầu năm 2022 một sự kiện nổi bật trên thế giới đó là: Nga đề xuất cần có Hiệp ước an ninh Mỹ - Nga và Hiệp ước an ninh Nga - NATO. Trong hai văn kiện này có 8 điểm, nhưng điều then chốt là NATO không kết nạp Ukraina - quốc gia từng là thành viên trước đây của Liên Xô. Mỹ và NATO không những không chấp nhận đề xuất của Nga mà còn khẳng định NATO sẽ kết nạp Ukraina. Đây là nguyên nhân cơ bản và trực tiếp dẫn đến chiến tranh ở Ukraina. Tại sao vậy?

Năm 1989, thời Tổng Bí thư M.Gorbacher, Liên Xô đồng ý bỏ bức tường Berlin chấp nhận thống nhất nước Đức với điều kiện NATO không mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên sau đó, khi Liên Xô tan rã, NATO kết nạp một loạt các quốc gia trước đây là “địch thù” của mình ở Trung và Đông Âu, mở rộng từ 15 nước lên 30 nước như hiện nay với một ý đồ chống phá Nga. Vào năm 2008 NATO thông qua quyết định sẽ kết nạp Ukraina làm thành viên. Để thực hiện quyết định này, năm 2014 Mỹ và NATO đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống hợp pháp Yanukovysk dựng lên một chính quyền mới hoàn toàn do Mỹ kiểm soát với âm mưu sau đảo chính sẽ đưa Ukraina gia nhập NATO, biến Ukraina thành căn cứ quân sự lớn nhất của Châu Âu nhằm vào Nga.

Trước diễn biến đó, Nga ủng hộ việc tiến hành trưng cầu ý dân sáp nhập Crinmea vào Liên Bang Nga, hai tỉnh Donetsk và Lugansk đứng lên chống lại chính quyền bất hợp pháp Kiev do Mỹ dựng nên. Cuộc xung đột giữa chính quyền hai tỉnh đó với chính quyền Kiev gây ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraina. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này Nga cùng với Đức và Pháp đồng bảo lãnh cho Ukraina ký kết Thỏa thuận Minsk-2 (năm 2015). Thỏa thuận được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua và chính quyền Kiev đưa vào Hiến pháp việc trao quy chế đặc biệt cho hai tỉnh.

Mặc dầu vậy, được sự ủng hộ của Mỹ và NATO, chính quyền Kiev của Tổng thống V.Zelensky lại phê chuẩn “Học thuyết quân sự” nêu ra mục tiêu giải phóng hai tỉnh Donetsk, Lugansk và thu hồi Crinmea, không thực hiện bất cứ điều khoản nào của Thỏa thuận Minsk-2 và tìm mọi cách xin gia nhập NATO. Trước tình thế Ukraina gia nhập NATO, dùng vũ lực đàn áp hai tỉnh và tìm cách tái chiếm Crinmea, Tổng thống V.Putin tuyên bố “lằn ranh đỏ”. Đó là NATO không kết nạp Ukraina, Crinmea thuộc Nga và tôn trọng quyền tự chủ của hai tỉnh. Mỹ và NATO không những không chấp nhận mà còn tập trung viện trợ vũ khí trang bị và đưa hàng trăm cố vấn quân sự giúp Ukraina hiện đại quân đội. Trước tình hình đó ngày 7/2/2022, Tổng thống Nga V.Putin nêu lên tình huống: “Một khi Ukraina gia nhập NATO và chính quyền Kiev dùng vũ lực tái chiếm Crimea dĩ nhiên Nga đáp trả”. Trên các diễn đàn khác nhau và trong bài phát biểu gần 1 tiếng trước nhân dân Nga V.Putin tuyên bố Nga không có ý định xâm lược Ukraina. Thế thì tại sao ngày 24/2/2022 Nga tuyên bố tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” với Ukraina?

Nga đã nắm rất chắc âm mưu NATO tập trung đầu tư cho Ukraina để làm bàn đạp tấn công Nga như đã từng làm với các nước Nam Tư, Gruzia và mới đây là Kazakstan, thực hiện việc đưa Ukraina gia nhập NATO, ủng hộ chính quyền Kiev kiểm soát 2 tỉnh Donetsk, Lugansk và thu hồi Crimea. Trong năm 2021, Mỹ cùng 40 quốc gia trong và ngoài NATO tiến hành cuộc tập trận lớn kể từ thời chiến tranh lạnh, với mục tiêu tấn công Nga. Mỹ và NATO yêu cầu Nga phải rút lực lượng vũ trang ra xa biên giới với Ukraina, tiếp tục thực hiện một số biện pháp cấm vận Nga.. Ngoài ra Mỹ còn triển khai thêm lực lượng tới các quốc gia trong khối NATO, sát biên giới Nga, đồng thời khước từ yêu cầu của Nga là không kết nạp Ukraina vào NATO.

Trước tình hình đó, Tổng thống Nga V.Putin nhiều lần yêu cầu chính quyền Kiev thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Minsk-2. Nhưng chính quyền Kiev không những không thực hiện mà còn khẩn thiết nộp đơn xin gia nhập NATO, ra sức đàn áp hai tỉnh Donetsk, Lugansk, kiên quyết đòi lại Crimea. NATO tăng cường lực lượng và bố trí lại thế trận ở các khu vực trọng yếu như ở Địa Trung Hải, biển Batic, khu vực Kaliningrat... Nhận biết âm mưu tấn công Nga của Mỹ và NATO, Nga đưa ra yêu cầu cam kết không mở rộng NATO, xây dựng cấu trúc chính trị - an ninh bình đẳng và ổn định ở châu Âu. Đó là yêu cầu chính đáng, phù hợp tuyên bố của Hội nghị về an ninh và hợp tác ở châu Âu tại Helsinski năm 1975. Thế nhưng Mỹ lại tìm mọi cách để nhanh chóng kết nạp Ukraina vào NATO, nhằm cùng với các nước ở vùng Batic mới được kết nạp trong thời gian vừa qua làm thành gọng kìm bao vây và bàn đạp tấn công Nga. Để ngăn chặn kịp thời nguy cơ này, mặc dù Nga đã có nhiều hoạt động “ngoại giao con thoi” với Mỹ, Đức, Pháp… để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng nhưng không được chấp nhận.

Từ thực tiễn đã trải qua của đất nước, V.Putin thấu hiểu âm mưu của phương Tây. Thời Tổng thống Rolandt. Reagan Mỹ đã tiến hành dự án mang tên Harvard với mục tiêu: “Xóa bỏ đế chế tội ác Liên Xô”. Họ đã triển khai dự án này và đã làm được điều tưởng chừng không thể làm được, đó là Liên Xô và hệ thống XHCN tan rã, đưa nước Nga lâm vào cảnh điêu tàn sa vào con đường cùng như Tổng thống Mỹ Bill.Clinton tuyên bố (ngày 25/10/1995): “Liên Xô kẻ thù số 1 của Mỹ đã bị xóa bỏ, nhiệm vụ của chúng ta tiếp theo là làm tan rã nước Nga. Bằng mọi cách làm cho nước Nga suy yếu nằm trong tầm kiểm soát của Hoa Kỳ”. Và rồi thực hiện “Đề án chính trị” của Đảng dân chủ, Tổng thống Barack Obama cho triển khai chương trình kết nạp các nước bao quanh Nga vào NATO, trong đó có Gruzia, Ukraina, Livia, Estonia, Lavia. Trước âm mưu đó, năm 2008 Nga đã đánh phủ đầu Gruzia ngăn chặn nước này vào NATO. Nhưng NATO vẫn kết nạp ba nước Livia, Estonia và Lavia. Theo ý đồ của Mỹ tiếp tục thực hiện quy trình kết nạp Ukraina vào NATO và biến lãnh thổ Ukraina thành căn cứ quân sự lớn nhất châu Âu cùng với các nước ở vùng Baltic mới được kết nạp vào NATO bao vây và tấn công làm tan rã nước Nga.

Để ngăn chặn kịp thời nguy cơ này, Nga đã chủ động tiến hành những hoạt động ngoại giao dồn dập đến một loạt nước với mục đích vận động Ukraina đàm phán với Nga để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng mà Nga cho là đã đến “lằn ranh đỏ”. Mặc dầu thế nhưng Mỹ, Anh, Đức, Pháp và cả Ukraina đều phản đối và không chấp nhận đàm phán. Nga đã dùng đến cả áp lực quân sự, cho tiến hành diễn tập lớn với hàng chục vạn quân và vũ khí hiện đại ở vùng biên giới Nga - Ukraina nhưng không những không được phương Tây chấp nhận mà Mỹ còn tăng cường tài trợ vũ khí tối tân và tăng cường quân số đến các nước NATO, tiến hành tập trận lấy Ukraina làm căn cứ quân sự trực tiếp chĩa vào Nga. Đồng thời suốt trong năm 2021 Ukraina liên tục đề xuất và vận động để được kết nạp vào NATO.

Trước tình hình đó, Nga tuyên bố tiến hành mở rộng “chiến dịch quân sự đặc biệt” để “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” đối với Ukraina. Ngày 24/2, Nga tiến hành đánh phủ đầu với nhiều mũi tấn công vào Ukraina. Về bản chất cuộc tấn công này là nhằm chủ động trước âm mưu của Mỹ và NATO dùng Ukraina chống phá Nga.

Như đã biết chiến tranh đã xẩy ra. Cuộc chiến ở Ukraina để lại thiệt hại vô cùng to lớn không chỉ cho hai nước Nga và Ukraina mà trên phạm vi toàn cầu. Bài học gì cần được rút ra trước sự kiện đau lòng này?.

Nút thắt không tháo gỡ được đã đẩy đến chiến tranh, dù Nga đã bằng mọi cách để ngăn ngừa, nhưng rút cuộc vẫn xẩy ra, đây là điều rất không đáng có. Nền hòa bình không còn giữ được, người dân vô tội là nạn nhân trực tiếp, kinh tế khủng hoảng, niềm tin xói mòn, hiệu lực của các giải pháp chính trị, ngoại giao và của các cơ quan, các tổ chức quốc tế kể cả Liên hiệp quốc suy giảm…

Chiến sự ở Ukraina cho dù có đến hồi kết, nhưng hòa bình có được bền vững và lâu dài không, đây là câu hỏi để ngỏ. Bởi mấu chốt là từ địa chính trị và an ninh cho châu Âu là mối quan hệ giữa NATO với Nga nói chung, giữa các thành viên NATO ở châu Âu và Mỹ nói riêng. Châu Âu thường tự hào về cấu trúc an ninh chính trị sau chiến tranh lạnh dựa trên nguyên tắc cơ bản là giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, không sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, không làm thay đổi biên giới giữa các quốc gia ở châu lục… Những văn kiện quốc tế có hiệu lực về nội dung này gồm Hiệp ước an ninh và hợp tác ở châu Âu năm 1990, Bị Vong Lục Buđapest năm 1994 và một số văn kiện khác được ký kết từ 1994 đến 1997 giữa NATO với Nga.

Về danh nghĩa là như vậy, nhưng thực tế diễn ra lại khác. NATO được Mỹ thao túng liên tục mở rộng liên minh quân sự, kết nạp nhiều thành viên mới, trong đó có các nước là thành viên khối Vacsawa của phe XHCN trước đây và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Nga nhìn rõ nguy cơ bị NATO bao vây về quân sự và thực tế đã diễn ra. Khi NATO phát động chiến tranh ở Kosovo năm 1999, ở Gruzia năm 2008 và Ukraina năm 2014 đều buộc Nga phải ra đòn. Hệ lụy là Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Sebia, Abkhajia và Nam Osetia tách khỏi  Gruzia, Crimea tuyên bố độc lập, hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraina là Donesk và Lugansk cũng tuyên bố tự trị.

Rõ ràng EU và NATO không thể tự do mở rộng liên minh ở đại lục châu Âu mà không tính đến cấu trúc an ninh chính trị trong đó có Nga. Qua chiến tranh bùng nổ giữa Nga và Ukraina bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết mâu thuẫn âm ỉ của cấu trúc an ninh - chính trị ở châu Âu. EU và NATO thao túng nhưng lại muốn có hòa bình và ổn định ở châu lục mà qua mặt Nga, không những thế còn bành trướng bao vây Nga với mục tiêu làm cho Nga tan rã.

Để ổn định tình hình ở châu Âu cần có một cấu trúc địa chính trị bình đẳng, minh bạch, tin cậy thực sự, cùng nhau tiến hành giải trừ quân bị và kiểm soát vũ trang, kiểm soát việc triển khai lực lượng quân sự ở vùng ranh giới giữa Nga và NATO, đặc biệt là NATO không kết nạp thêm thành viên mới ở châu Âu, không đẩy biên giới NATO lại gần Nga, bao vây quân sự Nga. Có thể nói trong bối cảnh mới của diễn biến tình hình thế giới, châu Âu sau đại chiến thế giới thứ II được xem là tương đối bình an, trong đó có vai trò của EU của NATO và của Nga. Nhưng sự kiện dẫn đến chiến tranh Nga - Ukraina đã bộc rõ mâu thuẫn xuất phát từ chiến lược bài Nga, kìm hãm sự phát triển của Nga, với âm mưu làm tan rã nước Nga như họ đã làm trước đây với Liên Xô và hệ thống XHCN, được triển khai với những tính toán nguy hiểm. Nếu không dừng lại âm mưu ấy, không xây dựng được một cấu trúc an ninh chung châu Âu phù hợp với địa chính trị trong giai đoạn mới, các nước lớn không hợp tác được với nhau mà lại tìm cách bành trướng, loại trừ nhau thì sẽ là tai họa lớn luôn rình rập khó lường hết được…

Trước sự kiện chiến tranh ở Ukraina và tình hình đầy biến động của thế giới, qua kinh nghiệm và bài học của sự nghiệp giành và gìn giữ nền độc lập dân tộc và hiện nay đang tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam tiếp tục vận dụng và phát triển quan điểm đối ngoại Hồ Chí Minh: “Xét về nguyên tắc tiến bộ và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”, “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”, “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”… Đại hội XIII của Đảng ta đã khẳng định: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.”, với phương châm: “Ngoại giao cây tre Việt Nam” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh. Việt Nam kiên định đường lối độc lập tự chủ; linh hoạt sáng tạo trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia với hội nhập quốc tế vì “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

TS. Đặng Duy Báu


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kỳ vọng và thách thức với chính phủ mới tại Chile
Chile vừa bước vào cuộc chuyển giao quyền lực mang tính lịch sử hồi giữa tháng 3 vừa qua khi nhà lãnh đạo cánh tả Gabriel Boric Font tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Chính phủ mới, dưới sự dẫn dắt của vị lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong lịch sử, được kỳ vọng sẽ đem đến những đổi mới tích cực cùng tương lai vững chắc hơn cho quốc gia Mỹ Latin này.
31/03/2022
Hàn Quốc dẫn đầu thế giới số ca nhiễm mới hàng ngày, Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất
Tính đến sáng 31/3, thế giới đã ghi nhận hơn 486 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 6,15 triệu trường hợp tử vong.
31/03/2022
Bỉ, Ireland trục xuất các nhà ngoại giao Nga bị nghi làm gián điệp

Bỉ đang tiến hành trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi làm gián điệp, còn Ireland cũng trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga.


30/03/2022
Hàn Quốc đã qua đỉnh dịch Covid-19
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 28-3 cho biết, số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày ở nước này lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 200.000 ca sau 25 ngày. Đây là dấu hiệu cho thấy giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron đã qua, song vẫn còn những lo ngại về sự lây lan biến chủng dòng phụ "Omicron tàng hình" BA.2, loại có khả năng lây nhiễm cao hơn 30% so với Omicron gốc.
29/03/2022