EU với tham vọng chiến lược về an ninh, quốc phòng

09:33, 23/03/2022

Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua định hướng chiến lược về an ninh, quốc phòng mới, trong đó nổi bật là kế hoạch lập quân đội riêng và tăng chi tiêu quân sự. Với những bước đi nhiều tham vọng ngay trong thập niên này, định hướng mới được kỳ vọng giúp nâng cao năng lực và quyền tự chủ chiến lược của “liên minh cờ xanh” trong bối cảnh quốc tế phức tạp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Văn kiện Định hướng chiến lược về an ninh, quốc phòng của EU được thông qua tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU tại Brussels (Bỉ) hôm 21/3. Phát biểu sau cuộc họp, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Joseph Borrell nhấn mạnh: Văn kiện mới vạch hướng đi đầy tham vọng và là kim chỉ nam cho hành động triển khai chính sách an ninh và quốc phòng của EU. Định hướng chiến lược giúp EU nhận thức rõ và chủ động hơn trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm an ninh của chính mình.

Định hướng chiến lược đặt mục tiêu xây dựng EU trở thành một tổ chức có năng lực lớn hơn, có thể cung cấp bảo đảm an ninh mạnh mẽ hơn, qua đó củng cố và nâng cao tự chủ chiến lược, cũng như khả năng phối hợp của EU với các đối tác, nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích của liên minh. Văn kiện đưa ra đánh giá chung về môi trường chiến lược, về các mối đe dọa và thách thức mà EU đối mặt trong thập niên tới. Từ đó, đề xuất các hành động cụ thể và có thể đạt mục tiêu, với thời gian biểu triển khai chính xác, nhằm cải thiện năng lực của EU hành động quyết đoán trong các cuộc khủng hoảng, cũng như trong việc bảo vệ an ninh của liên minh và người dân khu vực.

Kế hoạch nổi bật và được triển khai ngay là thành lập lực lượng quân sự của riêng EU và tăng chi tiêu quốc phòng để có thể thực hiện các biện pháp can thiệp. Dự án đầy tham vọng này được khởi thảo từ tháng 11/2021, với tên gọi “La bàn chiến lược”. Theo đó, EU sẽ tổ chức lực lượng phản ứng nhanh với khoảng 5.000 binh sĩ gồm đầy đủ các thành phần hải, lục, không quân. Được hình thành trên cơ sở các nhóm tác chiến đã được thành lập từ năm 2007, lực lượng phản ứng nhanh là đội quân liên hợp, có khả năng thực hiện các biện pháp can thiệp, cứu hộ, cứu nạn, sơ tán các công dân châu Âu trong các cuộc xung đột.

Mục tiêu cao nhất của đội quân phản ứng nhanh của EU là sẵn sàng để triển khai bất cứ khi nào và ở đâu, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng cả trong và ngoài lãnh thổ của khối. Lực lượng này được triển khai theo yêu cầu từ lãnh đạo liên minh, chứ không cần sự phê chuẩn hay trợ giúp từ NATO và Mỹ. Quân đội riêng của EU dự kiến ra mắt vào năm 2025, song lúc này EU đã lên kế hoạch cho hàng loạt hoạt động chuẩn bị, trước mắt là khởi động các cuộc diễn tập quân sự ngay trong năm nay.

Vấn đề tự chủ chiến lược đang nổi lên là mối quan tâm hàng đầu của EU. Các lãnh đạo EU cùng chia sẻ nhận định rằng, bối cảnh chiến lược nhiều thách thức hiện nay đặt ra cho EU nhiệm vụ cấp bách phải nâng cao khả năng ứng phó các nguy cơ, mối đe dọa, đồng thời tăng cường năng lực phản ứng nhanh trước các tình huống khủng hoảng. Nhu cầu nêu trên càng cấp bách khi nhìn nhận từ những bất cập trong NATO, hay khúc mắc trong quan hệ EU-Mỹ, gần đây nhất là việc Mỹ tự quyết việc rút quân khỏi Afghanistan mà không tham khảo các đồng minh châu Âu. Bởi thế, với dự án “La bàn chiến lược”, EU đặt mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực tự chủ, theo hướng “nhanh hơn, mạnh hơn và linh hoạt hơn”, để có thể tự thực hiện trách nhiệm bảo đảm an ninh và quản lý các cuộc khủng hoảng, mà không phụ thuộc đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương.

Nhu cầu là có thật và rất cấp bách, song tham vọng chiến lược của EU không phải được ủng hộ hoàn toàn. Đại diện cấp cao EU về an ninh và đối ngoại nhiều lần khẳng định, lực lượng độc lập của EU không xung đột, mà có thể bổ trợ cho năng lực chung của NATO. Song, lãnh đạo NATO cũng không ít lần nhắc rằng, giờ là lúc củng cố và nâng cao năng lực phòng thủ chung, chứ không phải xây dựng quân đội riêng, có thể làm giảm vai trò của khối đồng minh quân sự xuyên đại dương.

Theo nhandan.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Y tế toàn cầu với "gánh nặng" hậu Covid-19
Dù làn sóng lây nhiễm mới dần hạ nhiệt, nhưng hệ thống chăm sóc y tế cơ bản ở nhiều nước vẫn đối mặt với khó khăn sau hàng loạt tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 trong suốt hơn 2 năm qua. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia cần có những hỗ trợ và điều chỉnh kịp thời.
22/03/2022
Trung Quốc phong tỏa thành phố Cát Lâm do dịch COVID-19 lây lan
Thành phố Cát Lâm với 4,5 triệu dân sẽ được phong tỏa trong 3 ngày từ đêm 20/3 sau khi Trung Quốc ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới trong ngày 20/3, trong đó 2/3 là ở tỉnh Cát Lâm.
21/03/2022
"Cuộc chiến" hậu Covid-19
Trong khi thế giới tiếp tục nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, nhiều người lại phải đối mặt một cuộc chiến mới bởi di chứng mà căn bệnh này để lại, gây ảnh hưởng đáng kể tới thể chất và tinh thần.
20/03/2022
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: Xung đột không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai
Trong cuộc điện đàm trực tuyến ngày 18/3 với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chia sẻ quan điểm về quan hệ song phương và các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
19/03/2022