Phát hiện mới về nguyên nhân, cơ chế gây hội chứng COVID kéo dài

14:02, 17/02/2022

Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Tây Ban Nha tiến hành cho thấy việc virus SARS-CoV-2 gây tổn thương dây thần kinh phế vị có thể là nguyên nhân chính gây ra hội chứng COVID kéo dài.

Khái quát về dây thần kinh phế vị: Dây thần kinh phế vị (vagus nerve) là dây thần kinh số 10, cũng là dây thần kinh dài nhất, phức tạp nhất. Dây này chạy từ não qua toàn bộ khuôn mặt, đến vùng ngực và vùng bụng. Dây thần kinh phế vị đóng vai trò là kênh kết nối chính giữa não và đường tiêu hóa, gửi lại thông tin về trạng thái của các cơ quan bên trong cơ thể.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/2/2022.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 1/2/2022.

Dây thần kinh phế vị cũng có vai trò quan trọng với hệ tiêu hóa, bởi nó cũng kiểm soát việc vận chuyển thức ăn từ miệng đến dạ dày và qua ruột. Đây cũng là dây thần kinh đảm nhận nhiều chức năng khác cho những quá trình vận động trong cơ thể như kiểm soát nhịp tim, tiết mồ hôi và phản xạ miệng, các cử động cơ nhất định trong miệng, chuyển động lời nói.

Công trình này do tiến sĩ Gemma Lladós và tiến sĩ Lourdes Mateu, thuộc Bệnh viện Đại học Germans Trias i Pujol, Badalona, Tây Ban Nha, thực hiện. Nghiên cứu sẽ được trình bày tại Đại hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm châu Âu (ECCMID) năm 2022, điều tra mối liên hệ giữa di chứng hậu COVID-19 (COVID kéo dài) và dây thần kinh phế vị, diễn ra từ ngày 23-26/4 tới ở Lisbon, Bồ Đào Nha.

Hội chứng COVID-19 và tổn thương dây thần kinh phế vị: Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Tây Ban Nha phát hiện rối loạn chức năng dây thần kinh phế vị khi nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân gây ra những triệu chứng COVID kéo dài. Các biểu hiện thường là mơ hồ, khó nuốt, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, huyết áp thấp và các vấn đề tiêu hóa.

Long COVID-19 là hội trứng với nhiều vấn đề bất ổn về sức khỏe mà người nhiễm COVID-19 mắc phải sau khi đã khỏi bệnh. Nó có thể ảnh hưởng gần như mọi cơ quan trong cơ thể, gây ra một số rối loạn sức khỏe tâm thần, hệ thần kinh. Triệu chứng phổ biến nhất của hậu COVID-19 là mệt mỏi, đau đầu, khó thở, mất khứu giác – vị giác, yếu cơ.

Để hiểu thêm về hiện tượng này, các nhà nghiên cứu sử dụng xét nghiệm hình ảnh, chức năng cũng như đánh giá hình thái của dây thần kinh phế vị của người nhiễm phải trải qua một hoặc nhiều di chứng hậu COVID-19.

Trong số 348 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, có 228 người (chiếm 2/3 mẫu) có ít nhất một triệu chứng liên quan rối loạn dây thần kinh phế vị (VND - vagus nerve dysfunction). Sau đó, 22 người đầu tiên có các triệu chứng rối loạn dây thần kinh phế vị được làm xét nghiệm. Nhóm này gồm 20 nữ giới, độ tuổi trung bình là 44. Các triệu chứng xuất hiện trong 14 tháng sau khi khỏi bệnh.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy triệu chứng thường gặp nhất liên quan đến VND là tiêu chảy (73%), tim đập nhanh (59%), chóng mặt, khó nuốt, các vấn đề về giọng nói (45%). Ngoài ra, 14% bệnh nhân bị huyết áp thấp. Có đến 86% bệnh nhân có ít nhất 3 triệu chứng liên quan đến VND.

6/22 người có sự thay đổi dễ nhận thấy ở dây thần kinh phế vị tại cổ, có thể quan sát được khi siêu âm với hiện tượng dây thần kinh phình to kèm theo tình trạng viêm nhẹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy đường cong cơ hoành phẳng hơn ở 10 người (tỉ lệ 46%), cho thấy khả năng vận động của cơ này bị giảm khi thở.

Nhiều bệnh nhân cũng gặp phải những bất ổn về tiêu hóa. 13/18 người (72%) bị chứng khó nuốt. Khi đánh giá chức năng dạ dày và ruột được theo dõi trên 19 bệnh nhân, 8 người bị suy giảm khả năng đưa thức ăn đến dạ dày.

Đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra nguyên nhân chính xác về các triệu chứng xuất hiện ở người bệnh sau khi nhiễm COVID-19. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nhà có thể sẽ có tác động, tạo ra thay đổi lớn trong nhận biết và điều trị chứng COVID-19 kéo dài, với điểm mấu chốt là xác định được vai trò liên đới của rối loạn dây thần kinh phế vị.

Theo baotintuc.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thái Lan đổi tên thủ đô Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon
Ngày 16/2, Hội Hoàng gia Thái Lan (Royal Institute - ORST) đã tuyên bố đổi tên gọi chính thức của thủ đô nước này, từ Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon.
17/02/2022
EU đoàn kết bảo vệ sức khỏe người dân
Dịch Covid-19 gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng không quốc gia nào có thể một mình xử lý các mối đe dọa sức khỏe xuyên biên giới. Nhận thức rõ vấn đề này, Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nhanh việc thành lập liên minh y tế khu vực, nhằm đoàn kết, sẵn sàng ứng phó các thách thức y tế trong tương lai. 
16/02/2022
WHO kêu gọi thế giới không bỏ lỡ cơ hội kiểm soát đại dịch trong năm 2022
Theo thống kê của Worldometers tính đến 8 giờ ngày 15/2, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận gần 1,6 triệu ca mắc mới Covid-19, giảm gần 400.000 ca so với một ngày trước đó. Đáng chú ý, Nga và Đức là hai quốc gia duy nhất phát hiện hơn 100.000 ca mắc mới trong ngày, lần lượt là 197.949 ca và 108.216 ca. 
15/02/2022
Thụy Điển, Hàn Quốc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho người cao tuổi

Thụy Điển và Hàn Quốc là hai nước sau Đức và Israel triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho nhóm người có nguy cơ cao. Trong khi Chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 4 cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong tháng này, thì Thụy Điển cũng khuyến cáo những người trên 80 tuổi cần tiêm mũi tăng cường thứ 2 giúp tăng cường hệ miễn dịch trước biến thể Omicron.

15/02/2022