'Chấm điểm' năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden

15:02, 20/01/2022

Một năm sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đạt được một số thành tựu, nhưng ông cũng gặp phải khó khăn khi tỷ lệ tín nhiệm giảm, đại dịch hoành hành và lạm phát leo thang.

Khi nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông Joe Biden tuyên bố việc lên nắm chính quyền của ông "không phải là chiến thắng của một ứng cử viên”, mà là của một nền dân chủ.

Chỉ vài tuần sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, phát biểu trước một đất nước đang bị chia rẽ giữa đại dịch, ông cam kết sẽ mang lại sự thống nhất và làm "những điều vĩ đại".

"Chúng ta có thể sửa chữa những sai lầm. Chúng ta có thể giúp mọi người nhận được công việc tốt. Chúng ta có thể dạy trẻ em trong những trường học an toàn. Chúng ta có thể vượt qua loại virus chết người này", ông Biden nói.

Một năm sau nhiệm kỳ, BBC đánh giá Tổng thống Biden đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhưng vị thế của ông trước công chúng Mỹ đang giảm dần khi nhiều cam kết ông đưa ra lúc tranh cử không thể thực hiện, và sự “rạn nứt" trong đảng Dân chủ khiến các chính sách của người lãnh đạo Nhà Trắng ngày càng khó thành.

Xếp hạng tín nhiệm

Theo RealClearPolitics, ông Biden đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình với mức tín nhiệm là 56%, và giành được hơn 80 triệu phiếu bầu - cao hơn bất kỳ tổng thống nào trước đó.

Nhưng trong năm đầu tiên của mình, tỷ lệ tín nhiệm của tổng thống Mỹ có xu hướng đảo ngược một cách đáng kinh ngạc.

Tính đến nay, mức tín nhiệm trung bình dành cho ông đã giảm xuống còn 42%. Trong khi đó, số người phản đối các quyết sách của ông đã tăng từ 35% lên 52%.

Mức độ tín nhiệm của Tổng thống Biden. Ảnh: BBC.
Mức độ tín nhiệm của Tổng thống Biden. Ảnh: BBC.

Thời điểm quân đội Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cũng là lúc tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden bắt đầu sụt giảm mạnh nhất. Trong làn sóng chỉ trích vào tháng 8/2021, tỷ lệ những người không tín nhiệm tổng thống Mỹ thậm chí đã ngang bằng với tỷ lệ người tín nhiệm.

Kể từ đó, xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Biden đã trượt dốc, bất chấp những nỗ lực và cam kết thực hiện chiến dịch lớn nhất để kiểm soát đại dịch nhằm khôi phục lại cuộc sống thịnh vượng cho người dân.

BBC đánh giá so với các đời tổng thống gần đây, chỉ có ông Donald Trump là có năm đầu tiên đáng thất vọng hơn. Tỷ lệ tín nhiệm của cựu tổng thống giảm từ 45% vào ngày nhậm chức xuống còn 35% một năm sau đó, theo Gallup.

Trong khi đó, vị sếp cũ của ông Biden, ông Barack Obama, bắt đầu nhiệm kỳ ở mức cao gần 70% và kết thúc với con số 50% một năm sau đó.

Theo BBC, đối với người đứng đầu Nhà Trắng, những con số này đang đặt hy vọng giành chiến thắng một lần nữa trong cuộc tái bầu cử ở vùng nguy hiểm.

Vấn đề kiểm soát dịch bệnh

Tổng thống Biden - người từng nói rằng trong túi ông luôn có một tấm thẻ ghi số người Mỹ thiệt mạng do Covid-19 để tự nhắc bản thân - cho biết giải quyết đại dịch là ưu tiên hàng đầu.

Các trụ cột chính trong kế hoạch Covid-19 của ông Biden nằm ở chiến dịch tiêm chủng rộng rãi và gia tăng xét nghiệm.

Số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: BBC.
Số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: BBC.

Trong năm đầu tiên nhậm chức, ông đã tăng cường khả năng cung cấp vaccine. Cho đến nay, khoảng 75% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi, và 63% được tiêm chủng đầy đủ.

Trẻ em dưới 5 tuổi đủ điều kiện cũng được tiêm vaccine kể từ tháng 11/2021, trong khi 80 triệu mũi tăng cường đã được cung cấp để nâng cao hệ miễn dịch cho người dân trước biến chủng Omicron. Các xét nghiệm nhanh, miễn phí tại nhà cũng sẽ có sẵn trong tuần này.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng mới cùng phong trào phản đối vaccine cho thấy đại dịch còn lâu mới kết thúc. Trong năm qua, Mỹ đã trải qua ba làn sóng dịch lớn, cướp đi sinh mạng của hơn 850.000 người.

Kinh tế Mỹ gặp nhiều thách thức

Đối với nhiều người Mỹ, vấn đề số một mà đất nước phải đối mặt là kinh tế. Khi ông Biden nhậm chức, đại dịch đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Mỹ cũng phải đối mặt với thảm họa thất nghiệp do các lệnh hạn chế khiến nhiều nơi đóng cửa.

 

Tuy nhiên, thị trường lao động đã dần hồi phục so với năm ngoái, với thêm 6,4 triệu việc làm. Mặc dù tổng số việc làm vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm.

Thế nhưng, những trở ngại kinh tế khác lại nảy sinh. Hàng triệu người Mỹ đã bỏ việc, dẫn đến một số ngành công nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, gây vấn đề cho chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Giá tiêu dùng đã tăng 7% chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến ngày 21/12/2021, mức tăng lớn nhất kể từ những năm 1980.

Chính sách nhập cư vẫn là vấn đề

Một trong những lời hứa của ông Biden khi tranh cử là chấm dứt tình trạng chia cắt các gia đình nhập cư và giam giữ trẻ em ở biên giới - một chính sách thời Trump khiến phe cánh tả tức giận.

Tổng thống Mỹ đã giữ lời và chấm dứt chính sách "không khoan nhượng". Số lượng trẻ vị thành niên bị giam giữ trong các trung tâm đã giảm mạnh.

Thế nhưng, đây vẫn là vấn đề nhức nhối, dai dẳng của các nhà lãnh đạo Nhà Trắng. Kể từ khi ông Biden nhậm chức, Mỹ đã chứng kiến ​​một làn sóng di cư khổng lồ, tạo ra những thách thức mới. Năm 2021, có gần 2 triệu cuộc chạm trán giữa người di cư và các sĩ quan biên phòng Mỹ. Trong đó, 165.000 vụ nhập cư trái phép liên quan đến trẻ vị thành niên.

Biên giới Mỹ chứng kiến làn sóng di cư lớn năm vừa qua. Ảnh: BBC.
Biên giới Mỹ chứng kiến làn sóng di cư lớn năm vừa qua. Ảnh: BBC.

Các cải cách dài hạn vẫn khó có thể đưa ra. Kế hoạch nhập tịch, giúp hơn 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ trở thành công dân Mỹ của ông Biden đã bị đình trệ tại Quốc hội.

Trong khi đó, ông đã thất bại trong việc lật ngược chính sách thời Trump khiến người di cư vẫn buộc phải chờ đợi ở Mexico trong khi các trường hợp xin tị nạn của họ được xét xử ở Mỹ.

Không những vậy, Tổng thống Biden còn phải đối mặt với làn sóng chỉ trích khi vào tháng 9/2021, hình ảnh lính biên phòng Mỹ cưỡi ngựa, sử dụng roi da nhằm xua đổi người di cư Haiti, được lan truyền rộng rãi.

Trước đó, chính quyền Biden đã tiếp tục áp dụng Đề mục 42 (chính sách hạn chế mở cửa biên giới vì đại dịch do ông Trump ban hành) để đuổi 4.000 người Haiti ra khỏi Texas.

Thành tựu trong năm đầu

Dù còn nhiều bất cập, ông Biden cũng đã đạt được một số thành tựu ban đầu, thông qua dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD vào tháng 3/2021.

Ông cũng yêu cầu Mỹ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris, cung cấp 100 triệu mũi vaccine cho 50 triệu người chỉ trong 100 ngày và hủy bỏ lệnh cấm người chuyển giới trong quân đội.

Bất chấp sự phản đối từ đảng Cộng hòa và sự “rạn nứt” giữa các thành viên phe Dân chủ, ông Biden cũng đã thành công xoay sở để thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD vào tháng 11/2021.

Một thành tựu khác, có ảnh hưởng lâu dài của ông Biden là việc bổ nhiệm nhân sự tòa án liên bang. Trong năm đầu tiên giữ chức tổng thống, ông đã bổ nhiệm nhiều thẩm phán hơn bất cứ tổng thống nào trước đó kể từ thời ông Ronald Reagan.

 

Dù vậy, vào tuần này, ông Biden đã bị giáng một đòn lớn khi các thành viên trong đảng Dân chủ nói rõ rằng họ sẽ không giúp ông thúc đẩy cải cách, thay đổi quy tắc bỏ phiếu tại Thượng viện.

Các Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema và Joe Manchin, thành viên đảng Dân chủ ôn hòa ở các bang quan trọng, cũng không ủng hộ dự luật chi tiêu xã hội và chương trình nghị sự về khí hậu mà tổng thống đưa ra.

Trong bối cảnh đó, BBC cho biết ông Biden từng đưa ra rất nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử, nhưng một trong số đó đang dần trở nên không thực tế. Kết quả là ông đang dần phải đối mặt với sự thất vọng và phẫn nộ của cử trị.

Quan chức Nhà Trắng cho biết tổng thống vẫn quyết tâm giành được sự ủng hộ cho các kế hoạch của ông. Đây là luận điểm mà ông Biden đưa ra sau khi kết thúc tuần với sự kiện quảng bá dự luật cơ sở hạ tầng mới, bao gồm kế hoạch chi 27 tỷ USD trong 5 năm để sửa chữa các cây cầu.

“Có rất nhiều lời bàn tán và thất vọng về những điều chúng tôi chưa hoàn thành", người này nói. "Tôi muốn nói thêm rằng chúng tôi sẽ hoàn thành nhiều đầu việc trong số này".

Theo Zing News


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cầm đầu vụ 39 người Việt chết trong container ở Anh là người Việt
Ngày 19-1, tòa án ở Bỉ đã tuyên phạt một công dân Việt Nam 15 năm tù, sau khi cáo buộc người này là kẻ cầm đầu đường dây buôn người trong vụ 39 người Việt thiệt mạng trong xe tải từ Bỉ sang Anh cách đây 3 năm. 
20/01/2022
Canada hoài nghi cáo buộc 'Omicron lây qua thư' của Trung Quốc

Quan chức và chuyên gia Canada nói cáo buộc ca Omicron đầu tiên ở Bắc Kinh liên quan thư gửi từ Toronro là không có cơ sở khoa học. "Tôi cho rằng đây là quan điểm rất khác thường", Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos phát biểu trong cuộc họp báo hôm 17/1. "Chắc chắn nó không phù hợp với những gì chúng ta đã làm cả trong nước và quốc tế". Tuyên bố được Bộ trưởng Duclos đưa ra sau khi giới chức Trung Quốc trước đó cùng ngày nói rằng ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Bắc Kinh có thể lây từ bức thư được gửi từ Toronto, Canada và kêu gọi người dân dừng đặt hàng nước ngoài khi Thế vận hội Mùa đông sắp khai mạc.

19/01/2022
WHO: Trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh không cần tiêm liều vaccine tăng cường

Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan cho biết, không có bằng chứng cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh cần tiêm liều bổ sung vaccine COVID-19. Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 18/1, Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan nói rằng mặc dù khả năng miễn dịch vaccine suy giảm theo thời gian trước biến chung Omicron nhưng cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác định đối tượng cần tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường.

19/01/2022
Mỹ lo Nga đặt vũ khí hạt nhân tại Belarus

Quan chức Mỹ cho rằng lực lượng Nga đến Belarus lớn bất thường, lo ngại đây là động thái giúp Moskva đặt vũ khí hạt nhân ở nước láng giềng. "Quy mô lực lượng Nga đến Belarus vượt quá những gì chúng tôi kỳ vọng ở một cuộc diễn tập thông thường. Thời điểm triển khai cũng đáng chú ý, đặt ra nhiều lo ngại rằng Nga có thể đóng quân ở Belarus dưới vỏ bọc diễn tập chung để chuẩn bị tấn công Ukraine", quan chức Mỹ giấu tên cho biết hôm qua.

19/01/2022