Thế giới ghi nhận gần 274 triệu ca nhiễm COVID-19
Tính đến sáng ngày 18/12/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 273.915.267 ca nhiễm COVID-19, trong đó 5.359.873 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 693.764 ca nhiễm mới và 6.611 ca tử vong mới vì đại dịch này.
Singapore là 1 trong số 5 quốc gia Đông Nam Á ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron của virus SAR-CoV-2. |
Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 80.072.099 ca mắc COVID-19, trong đó 1.481.322 ca tử vong. Hết ngày 17/12, châu lục này ghi nhận đã có thêm 413.710 ca nhiễm mới và 3.767 ca tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, Anh là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới vì COVID-19 nhiều nhất châu lục, với 93.045 ca, trong đó 111 ca tử vong. Quốc gia này hiện đang dẫn đầu châu lục về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh với 11.190.354 ca nhiễm và 147.048 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Nga là quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất tại châu Âu, với 1.080 ca. Quốc gia này cũng ghi nhận có 27.743 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính đến nay, quốc gia này có tổng cộng 10.159.389 ca nhiễm COVID-19, trong đó 295.104 ca tử vong. Nga hiện đang xếp vị trí thứ 2 về mức độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia tại châu lục cũng ghi nhận số ca lây nhiễm tăng mạnh trong 24 giờ qua, gồm Pháp (58.128 ca); Đức (48.375 ca); Tây Ban Nha (33.359 ca); Italy (28.632 ca); Ba Lan (20.027 ca)…
Châu Á hiện đã ghi nhận tổng cộng 83.506.362 ca nhiễm và 1.238.194 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 73.627 ca mắc 930 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á có 80.748.997 ca được điều trị khỏi; 1.519.171 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 30.344 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 34.732.592 ca mắc COVID-19, trong đó 476.897 ca tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất châu lục với 18.141 ca. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 9.136.565 ca nhiễm COVID-19 và 80.053 ca tử vong vì dịch bệnh, là quốc gia xếp thứ 2 về mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại châu lục.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 61.434.344 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.221.647 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama…
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại châu lục trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 51.580.611 ca nhiễm COVID-19, trong đó 826.241 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất khu vực gồm: Mỹ (142.561 ca); Canada (6.892 ca); Mexico (2.627 ca)…
Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 39.285.366 ca, trong đó 1.188.190 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 22.209.020 ca nhiễm, trong đó 617.601 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 9.212.349 ca nhiễm, trong đó 226.112 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Nước này ghi nhận có 3.276.529 ca nhiễm COVID-19, trong đó 90.297 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Ai Cập...
Châu Đại dương ghi nhận có 404.026 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.393 ca tử vong vì dịch bệnh. Australia, Fiji và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 24 giờ qua, khu vực có 5 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm Australia (3.931 ca); Fiji (12 ca); Papua New Guinea (11 ca); New Zealand (79 ca) và New Caledonia (32 ca).
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có thêm 24.455 ca mắc COVID-19 và 389 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, khu vực có tổng cộng 14.532.122 ca nhiễm, trong đó 299.356 ca tử vong.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 5 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia.
Singapore hiện đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron, trong đó tiêm mũi vaccine bổ sung và triển khai tiêm cho trẻ em là một phần quan trọng trong chiến lược đối phó với Omicron. Bộ Y tế Singapore đang thiết lập các trung tâm tiêm vaccine cho trẻ em để có thể khởi động chiến dịch tiêm vào cuối tháng này.
Sau một thời gian dài đóng cửa du lịch do dịch COVID-19, Chính phủ Lào đồng ý thành lập Ủy ban chuyên trách công tác chuẩn bị mở cửa đất nước để đón khách du lịch theo đề xuất của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch và ấn định ngày mở cửa đất nước từ 1/1/2022.
Văn phòng Thủ tướng Lào cho biết kế hoạch mở cửa đất nước sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 được bắt đầu từ ngày 1/1/2022, giai đoạn 2 từ ngày 1/4/2022 và giai đoạn 3 là từ 1/6/2022. Theo đó, du khách Lào và nước ngoài muốn đến các “Vùng xanh du lịch” phải tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 ít nhất 14 ngày trước chuyến đi.
Du khách nước ngoài cũng phải xin cấp thị thực trực tuyến, phải có xác nhận xét nghiệm PCR âm tính với COVID -19 ít nhất 72 giờ trước giờ lên máy bay và nhập cảnh Lào, đồng thời phải thực hiện thêm 1 lần xét nghiệm nữa ngay sau khi nhập cảnh./.
Theo dangcongsan.vn