"Tôi đã xem xét những quan điểm trong bản ghi nhớ ngày 15/11, trong đó gồm khuyến cáo phê duyệt đề xuất về Thỏa thuận Trao đổi Thông tin Động cơ Hạt nhân Hải quân giữa chính phủ Mỹ, Anh và Australia. Tôi quyết định phê duyệt thỏa thuận này và cho phép thực thi nó theo cách được Ngoại trưởng Mỹ vạch ra", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong bản ghi nhớ gửi Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm hôm qua.
Biden cho rằng những điều khoản trong thỏa thuận này sẽ thúc đẩy nền an ninh và phòng thủ chung giữa ba nước, cũng như hỗ trợ lợi ích của Mỹ, Anh và Australia trong NATO.
Biden trong một buổi lễ tại Nhà Trắng hôm 18/11 |
Bộ Năng lượng Mỹ quản lý các chính sách liên quan đến năng lượng hạt nhân và bảo đảm an toàn xử lý vật liệu hạt nhân. Cơ quan này chịu trách nhiệm với toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân của Washington, cũng như quá trình sản xuất lò phản ứng hạt nhân cho hải quân Mỹ và xử lý chất thải phóng xạ.
Australia hôm 16/9 tuyên bố hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Attack trị giá 90 tỷ đôla Australia (65,9 tỷ USD) của tập đoàn Pháp Naval Group.
Thay vào đó, nước này quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao, nằm trong thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS. Đây là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho một quốc gia kể từ sau lần chuyển giao cho Anh vào năm 1958.
Chính phủ Australia quyết định hủy thương vụ với Pháp vì nhận thấy cần các tàu ngầm hạt nhân có thể ở dưới nước trong thời gian dài, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng tăng.
Theo VnExpress