Trong đánh giá hàng tuần mới nhất về đại dịch được công bố hôm 13/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có thêm khoảng 2,8 triệu ca nhiễm và 46.000 ca tử vong được xác nhận tuần trước, giảm lần lượt 7% và 10%.
Châu Âu báo cáo ca mắc tăng 7%, trong khi tất cả các khu vực khác trên thế giới đều báo cáo giảm. Ca nhiễm giảm mạnh nhất ở châu Phi và tây Thái Bình Dương, với mức giảm lần lượt 32% và 27%. Số người chết ở hai khu vực này đều giảm hơn 1/3.
Theo WHO, châu Âu cũng ghi nhận số ca tử vong tăng cao nhất trong tuần trước, với mức tăng 11%. Các nước châu Âu ghi nhận ca nhiễm mới cao nhất gồm Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Covid-19 đã khiến hơn 240 triệu người nhiễm và gần 4,9 triệu người tử vong kể từ khi bùng phát tháng 12/2019, theo dữ liệu từ trang web thống kê thời gian thực Worldometer. Mỹ ghi nhận ca tử vong cao nhất với 741.619, tiếp theo là Brazil với 602.099, Ấn Độ với 451.847, Mexico với 283.193 và Nga là 220.315.
Ở Nga, Điện Kremlin cho rằng ca nhiễm và tử vong ngày càng tăng do tiêm chủng chậm chạp. Thủ tướng Mikhail Mishustin hôm 12/10 nói khoảng 29% trong số gần 146 triệu người của đất nước đã được tiêm chủng đầy đủ.
Anh vài ngày qua liên tục ghi nhận ca nhiễm mới vượt 40.000, con số cao nhất kể từ giữa tháng 7, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 8.317.439, trong đó 138.237 người đã tử vong.
Theo một nghiên cứu lớn, ca nhiễm ở trẻ em trong độ tuổi đi học ở Anh "cao và đang tăng", làm dấy lên lo ngại về tốc độ triển khai vaccine.
Nghiên cứu do Đại học Hoàng gia London dẫn đầu đã phát hiện ca Covid-19 đang tăng ở những người từ 17 tuổi trở xuống. Tỷ lệ lây truyền ở nhóm tuổi đó là 1,18, tức trung bình cứ 10 người bị nhiễm lại truyền cho khoảng 12 người khác, làm tăng tỷ lệ lây nhiễm toàn quốc, dù tỷ lệ mắc giảm ở nhóm tuổi 18-54.
Anh tháng trước bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ 12-15 tuổi, nhưng chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang chịu áp lực ngày càng lớn để giải thích lý do tiêm chủng quá chậm. Theo dữ liệu chính thức, hơn 12% trẻ em 12-15 ở Anh đã tiêm mũi đầu tiên tính đến 11/10, so với hơn 40% ở Scotland, nơi tập trung triển khai tiêm chủng ở các phòng khám hơn là trường học. Các bộ trưởng cam kết sẽ tiêm cho tất cả trẻ em đủ điều kiện vào cuối tuần tới.
Tại Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng tăng hơn 20% sau khi nhiều tổ chức thông qua các yêu cầu về vaccine, trong khi số ca mắc và tử vong đều giảm, quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết hôm 13/10. Điều phối viên phản ứng Covid-19 tại Nhà Trắng Jeff Zient nói rằng 77% người Mỹ đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết trung bình ca Covid-19 trung bình 7 ngày qua giảm 12% so với tuần trước và tỷ lệ tử vong hàng ngày trong cùng mốc thời gian giảm 5%.
Kiểm soát đại dịch vẫn là ưu tiên của Tổng thống Biden vì lý do sức khỏe, kinh tế và chính trị.
Tổng thống Latvia Egils Levits mới được xác định mắc Covid-19 sau khi trở về từ chuyến thăm Đan Mạch và Thụy Điển. Ông đã tiêm đủ hai mũi vaccine trước đó.
"Rất ít triệu chứng và Tổng thống cảm thấy khỏe mạnh, nhưng quy định phòng dịch yêu cầu Tổng thống phải làm việc từ xa", Andris Teikmanis, chánh văn phòng tổng thống, cho biết hôm 14/10.
Tin tức này buộc Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng phải cách ly vì hai người đã ăn trưa cùng nhau hôm 13/10.
Latvia, quốc gia có 1,9 triệu dân, đầu tuần này ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó tình trạng ca nhiễm tăng đột biến. 48% người Latvia được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp thứ tư ở Liên minh châu Âu (EU) sau Bulgaria, Romania và Croatia.
Một nhóm cố vấn khoa học tuyên bố sẽ không còn làm việc cho chính phủ, sau khi khuyến nghị hồi mùa hè của họ để tránh sóng lây nhiễm thứ tư hiện nay đã bị phớt lờ.
Burundi, một trong những quốc gia cuối cùng trên thế giới triển khai tiêm vaccine Covid-19, đã nhận được lô vaccine đầu tiên hôm 14/10 sau khi chính phủ thay đổi quan điểm về đại dịch.
Quốc gia Đông Phi, nơi các lãnh đạo trước đó hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19, đã nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm của Trung Quốc. "Tiêm chủng phòng Covid-19 sẽ bắt đầu tuần tới nếu mọi việc suôn sẻ", Bộ Y tế thông báo.
Burundi hiện là quốc gia châu Phi duy nhất chưa triển khai tiêm chủng và cũng hiếm khi công bố dữ liệu dịch bệnh. Nhưng theo số liệu mới nhất của WHO, Burundi đã ghi nhận hơn 19.000 ca nhiễm và 14 ca tử vong.
Bộ Y tế Burundi cho biết chiến dịch tiêm chủng ban đầu sẽ tập trung vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người trên 60 tuổi hoặc có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cũng như những người đi ra nước ngoài và bất kỳ tình nguyện viên nào.
Theo vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc