Vaccine tăng cường giúp giảm 20 lần nguy cơ bệnh nặng vì Covid-19

07:53, 16/09/2021

Nghiên cứu mới ở Israel cho thấy liều vaccine thứ ba giúp giảm nguy cơ bệnh nặng sau nhiễm nCoV tới 20 lần so với người chưa tiêm.

Người dân tại điểm tiêm vaccine Covid-19 ở Herzliya, Israel, hồi tháng 2.
Người dân tại điểm tiêm vaccine Covid-19 ở Herzliya, Israel, hồi tháng 2.

Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học New England ngày 15/9 chỉ ra nguy cơ nhiễm nCoV giảm 11 lần và nguy cơ bị bệnh nặng giảm 20 lần ở những người tiêm tăng cường liều ba Pfizer so với những người không tiêm.

Kết quả được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu liên quan tới 1,1 triệu người Israel trên 60 tuổi, những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine 5 tháng trước, sau đó được tiêm liều tăng cường hoặc không.

Truyền thông Israel trước đó cũng công bố kết quả sơ bộ của nghiên cứu huyết thanh học được thực hiện trên các nhân viên y tế tại Bệnh viện Sheba ở Ramat Gan, ngoại ô Tel Aviv, cho thấy lượng kháng thể của những người này sau khi tiêm mũi tăng cường cao hơn gấp 10 lần khi tiêm mũi thứ hai.

Israel đã khởi động chiến dịch tiêm liều tăng cường vào tháng trước, sau khi lo ngại vaccine Covid-19 sẽ mất dần hiệu quả sau 5 tháng.

Số ca bệnh nặng tại Israel tăng vọt từ hơn 70 vào cuối tháng 7 lên 600 vào giữa tháng 8, hiện ổn định ở mức dưới 700 ca. Số ca nhiễm ở những người tiêm liều thứ ba cũng rất thấp. "Điều đó cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm là nguyên nhân gây ra làn sóng thứ tư và liều tăng cường đã có hiệu quả", Gabi Barbash, cựu tổng giám đốc Bộ Y tế Israel, cho hay.

Thủ tướng Naftali Bennett tuần này cũng khẳng định chiến lược ứng phó Covid-19, trong đó tập trung tiêm liều tăng cường cho tất cả người từ 12 tuổi trở lên, là cách tiếp cận hiệu quả. "Rất nhiều người đã hoài nghi, nhưng chiến lược của chúng tôi đã chứng minh hiệu quả", ông nói.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6, Thủ tướng Bennett tuyên bố sẽ tránh nguy cơ tái phong tỏa đất nước, cam kết mà ông đã giữ ngay cả khi đất nước khoảng 9,3 triệu dân thường xuyên ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Israel đã báo cáo hơn 1,2 triệu ca nhiễm và hơn 7.400 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát. Gần 70% dân số Israel đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó hơn 63% đã tiêm đủ mũi.

Theo vnexpress.net


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ấn Độ hy vọng sớm trở lại "đường đua" xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19

Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hiện đang sản xuất khoảng 150 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tháng, nhiều hơn gấp hai lần so với mức sản lượng hồi tháng 4. Sản lượng vaccine COVID-19 ngày càng tăng và hơn một nửa dân số trưởng thành của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một liều đang làm dấy lên hy vọng nước này sẽ sớm trở lại "đường đua" xuất khẩu vaccine trong vòng vài tháng tới.

31/08/2021
Thế giới có thể phải hứng chịu một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới

Đến sáng 15/9, thế giới có trên 226,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,65 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 42,2 triệu ca mắc và hơn 681.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 82.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .

15/09/2021
Anh sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-15 tuổi

Anh mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em 12-15 tuổi, do lo ngại số ca nhiễm bùng phát khi mở cửa trường học. "Tôi đã chấp thuận đề xuất từ các quan chức y tế nhằm mở rộng chương trình tiêm chủng cho nhóm cư dân 12-15 tuổi, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi Covid-19, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong trường học và giúp học sinh được đến trường", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói hôm qua.

14/09/2021
Tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu

Ngày 12/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu, giảm bớt tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng. Trong thông điệp nhân Ngày Hợp tác Nam - Nam của LHQ, được tổ chức vào ngày 12/9 hàng năm, ông Guterres nêu rõ: "Chúng ta cần sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, giảm bớt nghèo đói và sự bất bình đẳng, cũng như để đạt được các Mục tiêu về Phát triển bền vững và ngăn chặn thiên tai".

 

14/09/2021