Mỹ công bố viện trợ thêm 500 triệu liều vaccine cho các nước thu nhập thấp

09:29, 23/09/2021

Ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ cho nước ngoài lên 1,1 tỷ liều.

Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech.

Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 diễn ra bên lề khóa họp 76 Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), diễn ra tại Mỹ. Ngoài ra, ông cũng cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

Tổng thống Biden cho biết đã đàm phán mua thêm 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để tài trợ cho các nước khác. Số vaccine trên sẽ được sản xuất tại Mỹ và chuyển tới các nước thu nhập thấp và trung bình từ tháng 1/2022 theo cơ chế COVAX - chương trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối cùng Liên minh vaccine GAVI nhằm đảm bảo vaccine ngừa COVID-19 được phân phối công bằng trên toàn cầu.

Theo ước tính của giới chuyên gia, thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 để đạt độ bao phủ vaccine.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ khẳng định đây là một cam kết lớn và trên thực tế cứ mỗi một liều vaccine được tiêm tại Mỹ thì nước này đã viện trợ 3 liều cho các nước khác.

Trong khi đó, hãng Pfizer cho biết 500 triệu liều vaccine mà Chính phủ Mỹ đặt mua trước đó đã được chuyển đến các nước trên thế giới bắt đầu từ tháng 8 và dự kiến tiến trình chuyển giao tổng 1 tỷ liều vaccine viện trợ của Washington sẽ hoàn tất vào cuối tháng 9/2022. Có 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình và 55 nước thành viên Liên minh châu Phi sẽ được nhận số vaccine viện trợ này.

Trước đó, trong bài diễn văn trước ĐHĐ LHQ ngày 21/9, Tổng thống Biden cho biết Washington đã ủng hộ hơn 15 tỷ USD cho nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu và chuyển giao hơn 160 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước.

Tại hội nghị thượng đỉnh về COVID-19 này, Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi tập trung vào 3 mục tiêu chính: tăng nguồn cung vaccine; tăng nguồn cung oxy để cứu thêm được nhiều bệnh nhân, tăng khả năng xét nghiệm, thuốc và trị liệu; và cuối cùng là cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với đại dịch tương tự trong tương lai.

Đối với tiêm chủng vaccine, Tổng thống Biden theo đuổi mục tiêu tham vọng là đến tháng 9/2022, sẽ có khoảng 70% dân số thế giới được tiêm chủng.

Cho tới nay, vẫn còn khoảng cách lớn giữa các nước về nguồn cung vaccine. Thống kê cho thấy mới chỉ 3,6% dân số trong diện tiêm chủng tại châu Phi đã được tiêm vaccine, trong khi tỷ lệ này ở các nước Tây Âu là 60%.

Theo baotintuc.vn


Cùng chuyên mục

Thủ đô của Đan Mạch an toàn nhất thế giới

Đây là bảng xếp hạng 60 thành phố, đánh giá các chỉ số trên 5 lĩnh vực bao gồm: an ninh kỹ thuật số, sức khỏe, cơ sở hạ tầng, cá nhân, cũng như an ninh môi trường. Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist vừa công bố bảng xếp hạng "Chỉ số thành phố an toàn năm 2021". Năm nay, thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đứng đầu danh sách trên với số điểm 82,4/100.

22/09/2021
Châu Á vẫn đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Philippines, Iran, Thái Lan vẫn là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này. Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận hơn 229 triệu ca nhiễm do COVID-19, trong đó có hơn 4,7 triệu trường hợp tử vong do đại dịch. Châu Á đến nay vẫn đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19, với tổng số ca mắc mới hàng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác.

21/09/2021
Châu Á ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới

Tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận 228,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 4,6 triệu trường hợp tử vong. Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất. Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại đây chiếm 1/5 tổng số ca trên thế giới, trong khi số ca tử vong chiếm hơn 1/7 thế giới. Ấn Độ ghi nhận nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới (33.417.390 ca), tuy nhiên Brazil có số ca tử vong cao thứ hai thế giới (589.744 ca). 

19/09/2021
Chủ động trước chiến lược đưa châu Á trở thành địa chính trị hàng đầu

BHG - Người ta ví châu Á đầu thế kỷ XXI khá giống với nước Mỹ đầu thế kỷ XX, một gã khổng lồ về kinh tế nhưng có vị thế chính trị nhỏ bé hơn nhiều. Nhưng đến cuối thế kỷ XX Mỹ đã trở thành cường quốc số 1 thế giới. Qua thời gian 1/5 của thế kỷ XXI, siêu cường Mỹ nhận ra Trung Quốc đã thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và đang hướng tới nắm quyền lực cao hơn trên vũ đài quốc tế, thậm chí đe dọa ví trí số 1 của Mỹ.

18/09/2021