WHO nói Delta sẽ thành chủng trội trong vài tháng tới

07:24, 22/07/2021

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo biến chủng Delta dễ sẽ trở thành chủng trội nCoV toàn cầu, áp đảo những chủng khác trong vài tháng tới.

Thế giới ghi nhận 192.757.779 ca nhiễm nCoV và 4.141.486 ca tử vong, tăng lần lượt 631.634 và 23.737, trong khi 175.220.106 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Phẫu thuật loại bỏ nấm đen khỏi bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Phẫu thuật loại bỏ nấm đen khỏi bệnh nhân Covid-19 tại Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Delta, biến chủng phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, xuất hiện ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều hơn 13 so với tuần trước, chiếm hơn 3/4 mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene ở những quốc gia lớn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/7 cho biết.

"Nó dự kiến nhanh chóng vượt qua biến chủng khác, trở thành chủng trội trong những tháng tới", WHO viết trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần.

Ngoài Delta, còn ba biến chủng khác thuộc nhóm gây lo ngại (VOCs) là Alpha, phát hiện lần đầu tại Anh, xuất hiện tại 180 vùng lãnh thổ, tăng 6 vùng so với tuần trước; Beta, xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, hiện ghi nhận trên 130 vùng lãnh thổ, tăng 7 vùng so với tuần trước; cuối cùng là Gamma, phát hiện lần đầu ở Brazil, có mặt tại 78 vùng lãnh thổ, nhiều hơn ba vùng so với tuần trước.

WHO cho hay tính đến 18/7, thế giới ghi nhận 3,4 triệu ca Covid-19 mới theo tuần, tăng 12% so với tuần trước. "Với tốc độ này, số ca Covid-19 toàn cầu có thể vượt 200 triệu trong ba tuần tới", WHO dự đoán.

Ca Covid-19 gia tăng trên toàn cầu bởi 4 yếu tố: nhiều biến chủng dễ lây hơn, nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, tăng tương tác xã hội và số lượng lớn người chưa tiêm chủng. Số ca Covid-19 tại Tây Thái Bình Dương tăng 30%, tại châu Âu tăng 21%.

Những quốc gia báo cáo số ca nhiễm mới cao nhất là Indonesia với 350.273 ca, tăng 44%; Anh với 296.447 ca, tăng 41% và Brazil là 287.610 ca, giảm 14%. Tuy nhiên, số người chết theo tuần vẫn ổn định ở mức 57.000, tương tự tuần trước và giảm đều trong hơn hai tháng.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, ghi nhận 31.256.793 ca nhiễm và 419.021 ca tử vong, tăng lần lượt 41.651 và 4.364 so với hôm trước. Bộ Y tế nước này cho hay trong hai tháng qua, cả nước ghi nhận hơn 45.000 ca nhiễm nấm đen trên bệnh nhân Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Bharati Pravin Pawar hôm 20/7 cho hay hơn 4.200 người đã chết vì loại nấm có tên khoa học là mucormycosis. Căn bệnh này rất hiếm gặp, nhưng đã bùng phát sau đại dịch và thường tấn công bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19. Nó rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong là 50%. Người bệnh phải loại bỏ mắt, mũi, hàm để ngăn chặn nó lây lan lên não.

Trung bình mỗi năm Ấn Độ chỉ ghi nhận 20 ca nhiễm nấm đen trước đại dịch ở những người có khả năng miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, bao gồm người bị tiểu đường, người nhiễm HIV hoặc người mới ghép tạng. Các chuyên gia nhận định số ca nhiễm nấm đen gia tăng gần đây do sử dụng quá liều steroid điều trị Covid-19.

Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 5 đã tuyên bố nấm đen là một đại dịch, khi số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng, mạng xã hội tràn ngập những lời cầu xin tuyệt vọng xin thuốc men điều trị. Dữ liệu cho thấy số ca nấm đen đạt đỉnh trong tháng 5 và 6, sau đó giảm xuống.

Tại châu Mỹ, Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne hôm 21/7 cảnh báo người dân châu lục đang đối mặt "đại dịch chưa tiêm chủng và cách duy nhất để ngăn chặn nó là mở rộng tiêm chủng".

Chỉ 15% người dân Mỹ Latinh và Caribe đã tiêm đủ hai mũi, bà cho biết. Con số này ở một số quốc gia như Honduras và Haiti chưa đầy 1%. Etienne nhắc lại lời kêu gọi những quốc gia có đủ vaccine hãy phân phối càng nhanh càng tốt cho những nước khó khăn.

"Chúng tôi rõ ràng cần nhiều vaccine hơn và cần ngay bây giờ", bà nói. "Thời điểm này, tặng vaccine là cách duy nhất để nhiều quốc gia trong khu vực châu Mỹ đảm bảo số lượng cần thiết một cách nhanh chóng. Đừng đợi tới khi nước bạn thừa mới chia sẻ. Hãy chia sẻ những gì đang có bây giờ".

Cơ chế Covax sẽ gửi thêm 3,7 triệu liều vaccine tới các quốc gia trong khu vực vào cuối tháng 7, Jarrbas Barbosa, một quan chức khác của PAHO, cho hay. PAHO đang hợp tác với Mỹ trong phân phối vaccine quyên tặng.

Châu Mỹ ghi nhận 967.000 ca nhiễm mới và 22.000 ca tử vong tuần trước, giảm nhẹ so với những tuần trước đó. Etienne cho hay số ca nhiễm đang gia tăng ở phần lớn khu vực Trung Mỹ và các đảo nhỏ hơn ở Caribe, trong khi số ca nhiễm và tử vong tăng đột biến ở Cuba và các điểm nóng lâu nay như Colombia và Peru.

Theo vnexpress.net


Cùng chuyên mục

Trung Quốc ra mắt tàu đệm từ trường siêu tốc đầu tiên trên thế giới

Đoàn tàu gồm năm toa đã chạy thử nghiệm thành công trên tuyến đường sắt thử nghiệm trong nhà máy, có thể hoạt động bình thường với 2-10 toa tàu và mỗi toa chứa hơn 100 hành khách. Ngày 20/7, Trung Quốc đã cho ra mắt tàu đệm từ trường có tốc độ thiết kế tối đa lên tới 600 km/h.

21/07/2021
Quốc gia được Covid-19 'bỏ quên'

Khu điều trị Covid-19 chính của thủ đô Niger bị bỏ trống suốt nhiều tháng, trong khi các cơ sở cách ly phủ bụi vì không có ca nhiễm. Khẩu trang gần như chưa từng xuất hiện trên đường phố và rất nhiều ngày trôi qua Niger chưa ghi nhận ca dương tính Covid-19. Nhu cầu về vaccine ít đến mức chính phủ Niger quyết định gửi hàng triệu liều ra nước ngoài.

20/07/2021
Hơn 174 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới đã bình phục

Theo thống kê, tính đến 6h00 ngày 19-7, toàn thế giới ghi nhận 191.182.439 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.105.144 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 174.139.270 người. Châu Á. Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á khi biến chủng Delta lây lan mạnh.

19/07/2021
Nguy cơ biến chủng mới trỗi dậy khi Anh 'thả cửa' Covid-19

Các nhà khoa học cảnh báo một biến chủng mới sẽ xuất hiện khi Anh quyết tái mở cửa bất chấp số ca nhiễm nCoV vẫn tăng mạnh. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 16/7, các nhà khoa học và cố vấn chính phủ hàng đầu thế giới đã chỉ trích kế hoạch tái mở cửa của chính phủ Anh, cho rằng đây là hành động "phi đạo đức" và đe dọa cả thế giới.

18/07/2021