Xu đang học thạc sĩ quản lý công và anh mong có một công việc nhà nước ổn định. Hy vọng của anh là làm công chức ở quê hương, một thành phố hạng hai ở tỉnh Quảng Đông.
Xu là minh chứng cho tâm lý "lên bờ", tức là mong muốn làm việc trong khu vực công, đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. Điều này trái ngược với tư tưởng "xuống biển" phổ biến vào thời cha mẹ của Xu, phong trào trong thời kỳ cải cách và mở cửa của Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1970, khi nhiều người từ bỏ việc làm nhà nước để trở thành doanh nhân và khám phá một "biển" cơ hội kinh doanh.
"Giờ biển còn chẳng đủ nước, ai còn muốn xuống biển nữa?", Xu nói. "Thế hệ chúng tôi thậm chí không có hồ bơi".
Một người tham gia thi tuyển công chức tại Nam Ninh tháng 11/2016. |
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt, áp lực làm việc ngày càng tăng trong khu vực tư nhân, những bất ổn kéo dài do đại dịch Covid-19 gây ra và môi trường quốc tế cùng trong nước thay đổi nhanh chóng, ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc muốn làm việc nhà nước để được đảm bảo về vị trí, thu nhập và phúc lợi ổn định hơn, với một tương lai dễ đoán hơn.
Đó là điều Xu mong muốn khi anh tốt nghiệp vào năm tới. Nhưng anh biết cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Tổng cộng 1,576 triệu ứng viên đã tham gia kỳ thi tuyển công chức quốc gia năm ngoái, cạnh tranh 25.726 vị trí, có nghĩa là cứ 61 người dự thi thì chỉ có một người "lên bờ". Chi nhánh Quảng Đông của Cục Thống kê Quốc gia là nơi có tỷ lệ chọi cao nhất, khi 3.334 ứng viên cạnh tranh một vị trí.
Những sinh viên mới tốt nghiệp đại học chiếm phần lớn trong cơn sốt công chức của Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi trang web săn việc làm Zhaopin vào tháng 4, 11,4% sinh viên mới tốt nghiệp cho biết họ hy vọng được việc làm cho chính phủ, gấp đôi tỷ lệ năm ngoái. Đồng thời, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm tại các doanh nghiệp nhà nước - lựa chọn hàng đầu trong số những người được thăm dò ý kiến - cũng tăng từ mức 36% năm ngoái lên 42,5%.
Wang Yixin, giám đốc điều hành quan hệ công chúng tại Zhaopin, cho biết: "Sinh viên mới tốt nghiệp ngày càng có xu hướng muốn tìm công việc ổn định trong thời kỳ hậu đại dịch".
Tâm lý đó cũng phổ biến ở những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học danh giá trong nước và du học sinh nước ngoài. Trước đây, những sinh viên này có xu hướng theo đuổi những công việc được trả lương cao hơn trong khu vực tư nhân.
Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu và tư vấn Ipsos thực hiện vào năm ngoái cho thấy gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài của Trung Quốc cuối cùng làm việc trong khu vực công, bao gồm làm công chức, nhân viên doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức do nhà nước tài trợ khác.
Mùa hè năm ngoái, một danh sách tuyển dụng từ chính quyền cấp huyện ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, là đề tài thu hút nhiều bàn tán. 8 người đều có bằng thạc sĩ từ một trong hai trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, Bắc Kinh hoặc Thanh Hoa.
Cơn sốt gia tăng trong năm nay khi đất nước đang chật vật tạo thêm việc làm và điều này càng trở nên khó khăn hơn do tác động kéo dài của đại dịch. Tình hình càng tệ hơn đối với những sinh viên mới tốt nghiệp, khi hơn 9 triệu sinh viên đã tốt nghiệp trong năm nay - con số cao kỷ lục trong lịch sử.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đối với người 16 - 24 tuổi vào tháng 6 là 15,4%, cao hơn gấp ba lần tỷ lệ 5% của toàn bộ dân số lao động thành thị và là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 9/2020, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia.
Theo Guo Lei, nhà kinh tế chính của GF Securities, nhóm này chủ yếu bao gồm những người mới tốt nghiệp trung học, trường dạy nghề và đại học. "Mức trung bình lịch sử của con số này là 12,5%", ông nói trong một ghi chú vào đầu tháng này.
"Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ gia tăng là nguồn cung sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng trong khi cơ hội việc làm ngày càng giảm", Guo nói.
Wang cũng chỉ ra áp lực ngày càng lớn mà những sinh viên tốt nghiệp này phải đối mặt trong quá trình tìm kiếm việc làm. "Họ không chỉ cạnh tranh với lứa ra trường năm nay mà còn cả những sinh viên tốt nghiệp năm ngoái chưa tìm được việc làm, cũng như những người đã mất việc trong thời kỳ đại dịch", cô nói.
Trung Quốc coi ổn định và mở rộng thị trường việc làm là các vấn đề chính sách hàng đầu kể từ khi đại dịch bắt đầu. Hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp đại học được xác định là ưu tiên hàng đầu trong năm nay.
Nhưng khu vực tư nhân, nơi thường thu hút hầu hết sinh viên tốt nghiệp trong thời kỳ bình thường, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 90% việc làm, tiếp tục gặp khó khăn do các đợt áp hạn chế phòng dịch và giá nguyên vật liệu tăng cao.
"Trong một khoảng thời gian ngắn, như một hoặc hai năm tới, tâm lý ưu tiên sự ổn định của người tìm việc sẽ không thay đổi nhiều", Wang nói.
Điều này minh họa tâm lý của Xu trước kỳ thi tuyển công chức. Sau khi đề cương được công bố vào tháng 10, anh thậm chí còn lên kế hoạch đăng ký một khóa luyện thi và anh định chọn một cơ sở đã quảng cáo rầm rộ trên các biển quảng cáo lớn gần khuôn viên trường đại học của anh.
Xu nhớ lại rằng chỉ vài năm trước, công việc mơ ước dành cho sinh viên mới ra trường hầu như chỉ nằm trong khu vực tư nhân. Những hãng công nghệ lớn và các nhà phát triển bất động sản hàng đầu là những lựa chọn hàng đầu.
"Giờ còn ai cảm thấy tự hào nếu được vào Evergrande hoặc Wanda nữa? Mọi người đều muốn lên bờ", anh nói. "Thời thế thay đổi quá nhanh".
Không thể phủ nhận mức lương tương đối cao của khu vực tư nhân rất hấp dẫn. Nhưng văn hóa làm việc khét tiếng của những hãng công nghệ lớn, thường được gọi là 996, tức làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần, đã khiến những vị trí đó kém hấp dẫn hơn trong mắt nhiều người trẻ. Họ càng nản lòng khi thi thoảng đọc tin về các nhân viên công nghệ bị đau tim hoặc tự tử.
Sau khi ứng tuyển vào hầu hết công ty sở hữu các ứng dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc, Jack Yuan nhận được 4 lời mời làm việc. Một nền tảng thương mại điện tử lớn đề nghị cho anh vị trí lập trình viên, với mức lương trước thuế hàng tháng cao gấp gần 4 lần mức trung bình của người mới ra trường với bằng thạc sĩ trở lên. Mức trung bình đó là 7.337 NDT (1.135 USD) vào năm 2020, theo dữ liệu từ Zhaopin.
Nhưng anh sẽ phải làm việc ít nhất 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần, với thời gian làm thêm tăng đáng kể trong mùa mua sắm cao điểm. Sau khi tính toán, anh thấy rằng tiền lương không xứng đáng với ảnh hưởng từ giờ làm việc dài đối với cuộc sống riêng tư và xã hội của anh.
"Không ai có thể làm việc nhiều giờ lâu dài như vậy. Làm thế nào bạn có thể hẹn hò khi làm việc 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần? Nếu may mắn đã có vợ con thì làm việc như vậy cũng khiến gia đình tan nát".
Với bằng cử nhân từ một trường đại học danh giá của Trung Quốc và bằng thạc sĩ kỹ thuật từ một trường đại học ở nước ngoài, Yuan có nhiều sự lựa chọn. Nhưng đại đa số sinh viên mới tốt nghiệp thì không. Khi các công ty công nghệ lớn lên sàn và ngày càng bành trướng, những công ty nhỏ hơn ngày càng khó sống, số lượng việc làm trong lĩnh vực này đã giảm kể từ năm 2018, trong khi các tiêu chí tuyển dụng đã thắt chặt hơn.
"Nếu bạn không phải là sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học danh giá, bạn sẽ khó vượt qua giai đoạn lọc hồ sơ", Yuan nói.
Về vấn đề đó, Xu cũng nhấn mạnh một mặt tích cực của kỳ thi tuyển công chức là không có yêu cầu về bằng cấp, vì vậy, ít nhất họ không phải qua vòng loại hồ sơ như xin việc ở công ty công nghệ.
Mặc dù lương cho công chức không cao nhưng đối với Xu, những phúc lợi xã hội tốt hơn mà những vị trí đó có thể cung cấp, bao gồm nhà ở, y tế, giáo dục cho trẻ em và trợ cấp hưu trí, bù đắp những hạn chế. "Rốt cục thì chính phủ không bao giờ phá sản", Xu kết luận.
Theo VnExpress