Cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch "bệnh X" sau Covid-19

08:50, 21/06/2021

Trong lúc nhân loại đang ngày ngày mong đợi để sớm thoát khỏi đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng thế giới có thể đối mặt một dịch bệnh khác trong tương lai.

Theo đài ABC của Australia, trong 20 năm qua, loài người đã phải chống đỡ 5 đại dịch gồm SARS, MERS, Ebola, cúm gia cầm và cúm lợn.

Mặc dù đã thu thập được nhiều kiến thức và hiểu biết từ các đại dịch này, phần lớn thế giới vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho đại dịch Covid-19. Trong khi đó, tốc độ lây lan chóng mặt của Covid-19 cho thấy những nguy cơ đáng lo ngại từ một thế giới siêu toàn cầu hóa khi đại dịch xảy ra.

Giới chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo rằng, dù Covid-19 là đại dịch rất nghiêm trọng, nhưng nó có thể không phải là đại dịch lớn cuối cùng. Họ cảnh báo, những dịch bệnh bí ẩn, được gọi chung là “bệnh X”, vẫn có nguy cơ bùng nổ sau khi “cơn ác mộng” Covid-19 khép lại, vì nhiều lý do.

Thứ nhất, lối sống hiện đại và toàn cầu hóa ẩn chứa hàng loạt rủi ro khiến dịch bệnh dễ dàng lây lan. Trong nhiều năm trước, một căn bệnh có thể chỉ bùng nổ ở một khu vực trên thế giới, rồi tự biến mất trước khi lây lan rộng khắp. Tuy nhiên, khi thế giới ngày càng phẳng và con người di chuyển như con thoi khắp nơi, bệnh dịch ngày càng có nguy cơ tìm được vật chủ nhanh chóng và dễ dàng hơn, chuyên gia về sức khỏe Victoria Brookes từ Đại học Charles Sturt (Australia) cảnh báo.

Thứ hai, các hệ sinh thái đang bị phá hủy bởi bàn tay con người ngày càng nhiều, dẫn tới việc các loài động vật ngày càng tiếp xúc gần hơn với con người. Chúng có thể trở thành yếu tố xúc tác then chốt cho các dịch bệnh.

Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới
Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới

Ví dụ, các nhà khoa học đã chứng minh rằng khi một loại virus đột biến đủ để nó có thể nhảy từ loài này sang loài khác, cần có sự tiếp xúc nhất định giữa vật mang virus, vật trung gian và vật chủ mới. Một số giả thuyết về nguồn gốc của Covid-19 chỉ ra rằng, đây có thể là cơ chế mà dịch bệnh đã bùng phát ở con người.

“Một trong những nguyên nhân gây bùng dịch bệnh mới là sự tương tác ngày càng gia tăng giữa động vật và loài người”, chuyên gia Hassan Vally từ Đại học La Trobe (Australia) nhận định.

Giáo sư trên cho rằng, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, chặt phá rừng cũng như biến đổi khí hậu có thể là những yếu tố góp phần vào sự xuất hiện của dịch bệnh mới.

Theo ABC , một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hơn 60% bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện lan truyền từ động vật sang người. Đó là lý do mà các chuyên gia rất chú ý tới việc tương tác giữa con người và động vật hoang dã.

Các nhà khoa học hiện mới chỉ khám phá được có hơn 250 loại virus có khả năng lây từ động vật sang người và gây bệnh cho con người. Đây có thể chỉ là một phần của những gì mà con người còn chưa biết, và các virus chưa được biết tới “ẩn chứa những mối đe dọa tương đương nếu không nói là nghiêm trọng hơn nhiều đối với con người”.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng từng lên tiếng cảnh báo về “bệnh X”, nhấn mạnh nó có nguy cơ có thể gây chết chóc hơn cả Covid-19. Các chuyên gia cũng cho rằng dịch bệnh mới có thể bùng nổ ở bất cứ đâu, vì tại các châu lục, các nhà khoa học đều phát hiện thấy những nguy cơ mang mầm bệnh từ một số loài động vật nhất định.

Thế giới đã mất đi 3,86 triệu người do đại dịch Covid-19
Thế giới đã mất đi 3,86 triệu người do đại dịch Covid-19

Bài học đắt giá từ Covid-19

Theo ABC , những kinh nghiệm “xương máu” trong 2 năm qua đã khiến thế giới nhận ra nhiều bài học, rằng chúng ta có thể chuẩn bị tốt hơn cho tương lai trong cuộc chiến chống lại các đại dịch nguy hiểm. Ví dụ, chuyên gia Vally chỉ ra rằng, dịch bệnh cho thấy ở cả nước giàu và nước nghèo, những “lỗ hổng trong giám sát và kiểm soát dịch bệnh”.

Ngay cả lúc này, hơn một năm sau khi dịch bệnh bùng phát, nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn với cách kiểm soát sự lây lan của Covid-19, đặc biệt là đối với các biến thể mới.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng, chừng nào các quốc gia còn có các sự kiện lây nhiễm quy mô rộng, thì thế giới tiếp tục sẽ chứng kiến các đợt sóng bùng phát mới.

Vì vậy, nếu con người không có biện pháp phù hợp để theo dõi, cảnh báo, tìm hướng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng, nguy cơ “bệnh X” xảy ra một cách bất ngờ là hoàn toàn có thể có và những hậu quả mà nó gây ra là chưa thể đo đếm. Ngoài ra, bác sĩ Vally kêu gọi nỗ lực hợp tác toàn cầu để cùng chống dịch, vì nỗ lực đơn lẻ của một quốc gia hay một số quốc gia có thể là không đủ hiệu quả để chặn đứng thảm họa trong tương lai.

Điểm sáng mà các chuyên gia chỉ ra trong đợt dịch Covid-19 là thành tựu phát triển vắc xin nhanh chóng của nhân loại. Điều này không chỉ nâng cao khả năng giúp thế giới chống lại Covid-19 mà còn có tác động lớn tới việc ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát trong tương lai.

Theo ABC/Dantri


Cùng chuyên mục

Iran có tân Tổng thống

Thẩm phán bảo thủ Iran Ebrahim Raisi trở thành tân Tổng thống của đất nước sau khi giành chiến thắng áp đảo cuộc bầu cử. Bộ trưởng Nội vụ Iran Rahmani Fazli hôm 19/6 cho biết thẩm phán bảo thủ Ebrahim Raisi, 60 tuổi, đã giành được gần 18 triệu trong tổng số gần 29 triệu phiếu bầu. Tỷ lệ cử tri đi bầu ở Iran năm nay chỉ khoảng 48,8%, thấp nhất kể từ năm 1979, bất chấp lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei liên tục kêu gọi người dân bỏ phiếu. Ông cảnh báo tỷ lệ cử tri thấp sẽ "gia tăng áp lực từ kẻ thù".

20/06/2021
Biến thể Delta thành chủng trội toàn cầu

Lãnh đạo bộ phận khoa học của WHO nói Delta dần trở thành chủng trội toàn cầu và bày tỏ thất vọng khi một ứng viên vaccine Covid-19 thất bại. "Delta đang dần trở thành chủng trội toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao của nó", Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói trong cuộc họp báo ngày 18/6.

19/06/2021
Đại dịch Covid-19 tại Afghanistan vượt ngoài tầm kiểm soát
Afghanistan đã có thêm 2.313 ca mắc và 101 ca tử vong vì COVID-19, các bệnh viện lớn đã không tiếp nhận bệnh nhân trong bối cảnh thiếu giường bệnh và oxy y tế trầm trọng. Tại Afghanistan, đại dịch COVID-19 dường như đang vượt ngoài tầm kiểm soát khi số ca mắc tại nước này tăng hơn 20 lần trong tháng qua, khiến các bệnh viện quá tải và nguồn lực y tế nhanh chóng cạn kiệt.

 

18/06/2021
Triển khai hộ chiếu vaccine tại Mỹ gặp trở ngại

Không giống như Liên minh châu Âu áp dụng thẻ xanh kỹ thuật số về vaccine cho phép người dân đi lại, thì chính phủ Mỹ sẽ không bắt buộc áp dụng hộ chiếu vaccine. Thế nhưng, ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp Mỹ đều cho biết, sẽ yêu cầu khách hàng chứng minh tình trạng tiêm chủng. Việc có nên triển khai chứng nhận sức khỏe kỹ thuật số (hộ chiếu vaccine), hiện đang trở thành đề tài tranh cãi trên khắp nước Mỹ.

17/06/2021