WHO cảnh báo điều tồi tệ về Covid-19, Đông Nam Á điêu đứng vì dịch

17:49, 15/05/2021

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, năm thứ hai của đại dịch Covid-19 sẽ gây ra nhiều ca tử vong hơn so với năm đầu tiên, trong đó Ấn Độ là nỗi lo lớn.

Các nhân viên y tế Ấn Độ đưa người mắc Covid-19 tới bệnh viện. Ảnh: AP
Các nhân viên y tế Ấn Độ đưa người mắc Covid-19 tới bệnh viện. Ảnh: AP

Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 15/5 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 162,5 triệu người, gần 3,4 triệu ca tử vong. Song, gần 140,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỷ lệ khỏi bệnh xấp xỉ 86,4%.

Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus và các quan chức WHO khuyến nghị các chính phủ thận trọng khi dỡ bỏ những biện pháp hạn chế phòng chống dịch, đồng thời cảnh báo nguy cơ sẽ có thêm nhiều biến thể virus nguy hiểm được phát hiện trong thời gian tới.

Theo Reuters, khuyến cáo được đưa ra sau khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố, những người đã tiêm chủng đầy đủ không cần phải đeo khẩu trang khi ra ngoài trời và có thể tránh đeo khẩu trang trong không gian đóng kín ở hầu hết mọi nơi.

Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với xấp xỉ 33,6 triệu ca mắc, bao gồm cả 599.254 bệnh nhân không qua khỏi. Song, tình dịch tại xứ sở cờ hoa đang tiến triển tích cực và nhiều tiểu bang đang tiến gần hơn tới việc dỡ bỏ dần, thậm chí toàn bộ các biện pháp hạn chế.

WHO kêu gọi các nước giàu hiến tặng vắc-xin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 14/5 kêu gọi các nước giàu cân nhắc lại kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và thay vào đó hiến tặng vắc-xin ngừa Covid-19 cho chương trình COVAX để chia sẻ với những quốc gia nghèo hơn. WHO hy vọng sẽ có thêm nhiều quốc gia noi gương Pháp và Thụy Điển tài trợ vắc-xin cho COVAX.

Mỹ và Canada nằm trong số các nước vừa cho phép sử dụng vắc-xin ngừa virus corona chủng mới cho trẻ vị thành niên. Song, Reuters dẫn lời một quan chức WHO cho hay, cơ quan này đang đàm phán với Washington về việc chia sẻ vắc-xin

Cho đến nay, COVAX đã chuyển giao gần 60 triệu liều vắc-xin cho các nước bị ảnh hưởng vì dịch trên thế giới. Song, chương trình này đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trước cuối năm 2021, một phần do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vắc-xin AstraZeneca vì dịch hoành hành trong nước.

Dịch tái bùng phát mạnh ở Đông Nam Á

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Đông Nam Á. Theo Worldometers, chỉ trong vòng 24 giờ qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 16.349 ca mắc và 309 bệnh nhân thiệt mạng. Trong đó, 6 quốc gia thành viên ASEAN gồm Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và Malaysia có các ca tử vong mới.

Philippines đang là "điểm nóng" về dịch với số ca mắc (6.784 người) và tử vong (137 người) trong ngày 14/5 đều cao nhất khu vực. Tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này hiện là hơn 1,1 triệu người, 18.958 bệnh nhân không qua khỏi. Tuy nhiên, từ ngày 15/5, nhà chức trách địa phương sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và các khu vực lân cận để dần tái mở nền kinh tế cũng như giúp người dân khôi phục việc làm.

Bộ Y tế Lào hôm 14/5 thông báo nước này có thêm 16 ca mắc mới, trong đó 15 ca là trường hợp nhập cảnh, đã được cách ly ngay. Cùng ngày, Lào ghi nhận ca tử vong thứ hai do Covid-19 là một công dân nam 29 tuổi. Người này nhập viện hôm 10/5 với các triệu chứng tức ngực và khó thở, không sốt. Song, do nhập viện muộn và có bệnh nền cận béo phì, nên bệnh nhân đã tử vong vì suy hô hấp.

Tại Malaysia, làn sóng lây nhiễm mới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Số ca mắc mới mỗi ngày ở nước này đang có xu hướng gia tăng. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Malaysia có thêm 4.113 ca mắc và 34 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên trên 462.000 người, trong đó 1.822 bệnh nhân không qua khỏi.

Tại Thái Lan, số ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn ở mức cao nhiều ngày gần đây, buộc nhà chức trách phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu chủng ngừa cho khoảng 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến hết ngày 14/5, nước này đã tiêm hơn 2,1 triệu liều vắc-xin, trong đó trên 63.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Dựa vào phân tích các chỉ số về dịch tại Ấn Độ trong hai tuần qua, các chuyên gia nhận định, làn sóng lây nhiễm thứ hai tại quốc gia Nam Á có thể đã đạt đỉnh hoặc sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới. Song, họ cảnh báo phải mất rất nhiều thời gian nữa làn sóng này mới có thể kết thúc.

- Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 14/5 lên tiếng báo động vì sự lây lan nhanh chóng của virus ở các vùng nông thôn rộng lớn, khi số ca mắc trên toàn quốc đã vượt mốc 24 triệu người và số ca tử vong vì dịch ngày thứ 3 liên tiếp ở mức hơn 4.000 người. Nhằm chặn đà lây lan của mầm bệnh nguy hiểm, Ấn Độ đã bắt đầu tiêm vắc-xin Sputnik V của Nga cho người dân.

- Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết, tính đến ngày 15/5, nước này đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho ít nhất 20 triệu dân.

- Theo báo Guardian, Canada đang có kế hoạch khôi phục dần các sự kiện thể thao trong nhà và cho phép tụ họp gia đình khi ngày càng có nhiều người dân đi tiêm phòng SARS-CoV-2. Giám đốc y tế công cộng Canada cho hay, nước này đã tiêm liều vắc-xin đầu tiên cho hơn một nửa dân số trưởng thành và dự kiến sắp vượt qua đợt lây nhiễm thứ ba tồi tệ.

- Cơ quan chuyên trách phòng chống dịch của Nga thông báo, nước này sẽ tái khởi động việc đi lại bằng đường không với Iceland, Malta, Mexico, Bồ Đào Nha và Ảrập Xêút từ ngày 25/5.

- Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), nước này ghi nhận 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh An Huy, miền đông đất nước hôm 14/5. Đây là những ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở đại lục kể từ ngày 20/4. Nhà chức trách địa phương đã ngay lập tức nâng cảnh báo nguy cơ dịch tại An Huy từ mức thấp lên mức trung bình.

Theo vietnamnet.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ấn Độ đau đầu với bài toán nCoV 'né vaccine'

Ba tuần sau khi tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19, Pallava Bagla bắt đầu bị sốt cao, đau họng và cảm thấy người vô cùng khó chịu. Ngày 22/4, Bagla, 58 tuổi, một phóng viên khoa học ở thủ đô New Delhi, có kết quả dương tính với nCoV. Bốn ngày sau, ảnh chụp lồng ngực cho thấy phổi của ông chuyển sang màu trắng, dấu hiệu cho thấy bị nhiễm trùng. Sáu ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, Bagla được cho nhập viện khi cơn sốt kéo dài không dứt.

14/05/2021
Campuchia đủ vaccine tiêm cho 13 triệu người

Campuchia đã có đủ đơn hàng 26 triệu liều vaccine phòng ngừa COVID-19 để tiêm cho 13 triệu người nhằm đảm bảo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.

13/05/2021
Biến thể nCoV ở Pháp tránh được xét nghiệm PCR

Pháp ghi nhận biến thể nCoV B.1616 có thể trốn tránh các xét nghiệm tiêu chuẩn như PCR, chỉ được phát hiện ở sâu trong phổi.

12/05/2021
Số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày ở Mỹ tiếp tục giảm mạnh

Số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày ở Mỹ đã giảm xuống dưới mức 40.000 trong ngày 10/5, lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày trong tuần trước ở Mỹ ở mức 38.000, mức thấp nhất kể từ 15/09 và giảm 22% so với một tuần trước đó. 

12/05/2021