Một lục địa của Trái Đất đang vỡ ra từng mảnh
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Virginia (Mỹ) đã thiết lập một thiết bị GPS ở Bắc Madagascar – hòn đảo nổi tiếng của châu Phi để theo dõi những chuyển động tinh vi của bề mặt Trái Đất trong khu vực. Kết quả cho thấy hòn đảo này đang biến đổi bằng cách dần vỡ ra thành nhiều đảo nhỏ. Không chỉ Madagascar, toàn bộ châu Phi đang có dấu hiệu phân tách tương tự.
Một nhà khoa học đang làm việc tại Madagascar - Ảnh: Rina Andrianasolo |
Bài công bố trên Geology cho hay quá trình biến đổi lục địa xảy ra theo trục của Hệ thống rạn nứt Đông Phi phân kỳ. Theo đó, mảng kiến tạo lớn mà châu Phi đang ngự trị đang có xu hướng vỡ thành nhiều mảnh lớn nhỏ khác nhau. Quá trình này sẽ dẫn đến phân tách lục địa, hình thành các vùng biển và thậm chí là đại dương mới.
Mảng kiến tạo có thể hiểu như một mảnh vỏ của hành tinh, trên đó ngự trị các lục địa và đại dương. Quá trình di chuyển, thay đổi của các mảng này là một phần của quá trình gọi là "kiến tạo mảng", từng khiến các lục địa trên Trái Đất nhiều lần hợp thành siêu lục địa rồi lại tách ra thành nhiều châu lục. Các châu lục ngày nay từng là một phần của siêu lục địa Pangaea, nơi sinh sống của những con khủng long thời kỳ đầu. Núi lửa hay động đất là những dấu hiệu nhỏ hơn nhưng dễ quan sát hơn của hoạt động kiến tạo mảng.
Ý kiến bạn đọc