Mối quan tâm hậu đại dịch Covid-19: Lấp lỗ hổng về an ninh y tế
Những cường quốc có sức mạnh hàng đầu về an ninh, quốc phòng như: Mỹ, Nga, Anh, Pháp... lại là những nước gánh chịu tổn thất nhiều nhất trong cuộc đối đầu với "kẻ thù vô hình" SARS-CoV-2. Từ đại dịch Covid-19, thế giới đang dần nhận ra những lỗ hổng lớn trong vấn đề an ninh y tế.
Dù đã nhập số lượng lớn khẩu trang y tế, song nhiều quốc gia vẫn thiếu mặt hàng này. |
Những năm gần đây, an ninh phi truyền thống là một trong những chủ đề được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và được ưu tiên bàn luận trên các diễn đàn quốc tế. Đã có nhiều quốc gia đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng cạn kiệt tài nguyên, lương thực, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, an ninh y tế lại là lĩnh vực hầu như không được đề cập tới.
Trong suốt 5 tháng qua, quãng thời gian dịch Covid-19 hoành hành, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới gọi vi rút SARS-CoV-2 là kẻ thù, đồng thời coi việc phòng, chống dịch Covid-19 là “cuộc chiến” sống còn. Tuy nhiên, trên mặt trận vô cùng khốc liệt này, nhiều quốc gia lại thiếu nghiêm trọng những “vũ khí” thiết yếu như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, máy thở...
Như vậy, chỉ đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới mới nhận ra rằng, việc xây dựng hệ thống phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ quan trọng không kém việc củng cố hệ thống quốc phòng và an ninh.
Theo nhiều nhà phân tích, ở thời kỳ hậu Covid-19, người ta không chỉ nhắc tới việc thiết lập lại các mối quan hệ, dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hàng hóa... mà còn tập trung xây dựng hệ thống phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ, tổ chức lại bộ máy y tế cộng đồng sao cho hệ thống này phản ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Vấn đề ưu tiên trước mắt là tăng ngân sách y tế để xây dựng bằng được các kho dự trữ y tế chiến lược với số thuốc men, đồ dùng bảo hộ, trang thiết bị y tế cơ bản... đủ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc có đại dịch. Thậm chí, nhiều ý kiến đã đưa ra một khái niệm mới về "nghĩa vụ y tế cộng đồng".
Thực tế cho thấy, khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu về y, bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ cộng đồng tăng vọt. Do đó, thay vì chỉ đi "nghĩa vụ quân sự", các quốc gia có khả năng tính đến việc xây dựng đội ngũ làm nghĩa vụ y tế. Những người này không cần phải đào tạo chuyên môn sâu như các bác sĩ, nhưng sẽ được tiếp cận các kỹ năng sử dụng máy móc và phục vụ y tế căn bản để sẵn sàng “ra trận” khi cần thiết.
Bên cạnh đó là xây dựng kho dữ liệu quốc gia về hồ sơ y tế cá nhân thay vì chỉ có "hồ sơ an ninh" như hiện nay. Đại dịch Covid-19 cho thấy, một cá nhân có thể trở thành "mối nguy" đối với an ninh quốc gia nếu như tiền sử bệnh lý yếu và họ nằm trong nhóm có nguy cơ cao phát tán bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng. Do vậy, bên cạnh thẻ căn cước thông thường, mỗi cá nhân có thể được cấp hoặc được quản lý bằng một căn cước y tế, có xếp hạng mức độ an toàn và khả năng phát tán bệnh ra cộng đồng.
Tương tự, ở quy mô quốc tế, để kiểm soát sự lây lan của bệnh tật, bên cạnh thị thực thông thường, cũng có khả năng xuất hiện thị thực y tế, dành cho người đi du lịch, làm việc ở nước ngoài... Mỗi cá nhân có thể phải trải qua những cuộc trắc nghiệm hay kiểm tra sinh học để xác định có tiền sử mắc bệnh truyền nhiễm, có đến các quốc gia và vùng lãnh thổ đang bị cảnh báo về dịch bệnh hay không..., trước khi nhập cảnh.
Đến thời điểm này, vẫn chưa thể xác định được khi nào dịch Covid-19 kết thúc và không ai dám khẳng định liệu thời gian tới có xuất hiện những đại dịch tương tự hay không. Vì thế, việc các quốc gia thiết lập một hệ thống an ninh y tế đủ mạnh được ví như "rào chắn" an toàn nhằm ngăn chặn mặt trái của quá trình toàn cầu hóa.
Theo hanoimoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc