Cân nhắc khả năng rút quân khỏi Hàn Quốc: Mỹ làm khó đồng minh?
Dù Mỹ không xác nhận, nhưng những thông tin như thế này cho thấy bất đồng ngày một trở nên sâu sắc và hiếm thấy giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo trong cuộc gặp tại Seoul. |
Hai ngày sau thất bại của vòng đàm phán mới nhất về chia sẻ chi phí quân sự với Mỹ, truyền thông Hàn Quốc ngày 21/11 đề cập khả năng Mỹ sẽ rút 4.000 binh lính đồn trú khỏi quốc gia Đông Á này. Dù cả chính phủ Mỹ và Hàn Quốc sau đó đều bác bỏ, song thông tin đã phần nào cho thấy, mối quan hệ đồng minh vững chắc giữa hai nước đang trong giai đoạn thử lửa.
Bất kỳ kết quả không mong muốn nào đều có thể tác động tới nhiều hồ sơ nóng tại khu vực như vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay những tranh cãi thương mại, chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản và thậm chí là cả chính sách xoay trục châu Á của Mỹ.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 21/11 đưa tin Mỹ đang cân nhắc rút một lữ đoàn khỏi Hàn Quốc nếu như nước này không chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc tăng mức đóng góp cho lính Mỹ đồn trú tại đây. Trước đó chỉ 2 ngày, Mỹ đã bỏ lửng các cuộc đàm phán với Hàn Quốc sau khi yêu cầu nước này phải tăng gấp 5 lần mức đóng góp hàng năm cho lực lượng Mỹ đồn trú, từ 1 tỷ đôla hiện nay lên 5 tỷ USD.
Phát biểu khi đang thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết ông không có bất cứ thông tin gì về kế hoạch, đồng thời khẳng định đây là thông tin không chính xác do bị truyền thông thổi phồng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định Mỹ không đưa ra bất cứ đe dọa nào trong các cuộc đàm phán với Hàn Quốc.
“Chúng tôi sẽ không đe dọa các đồng minh về vấn đề này. Đây là một cuộc đàm phán do Bộ Ngoại giao dẫn đầu. Hãy để họ ngồi xuống với các đối tác, làm việc theo cách mà những nước đồng minh nên làm”, Bộ trưởng Esper nói.
Chính phủ Hàn Quốc sau đó cũng bác bỏ thông tin khi nhấn mạnh đây không phải là lập trường chính thức của Chính phủ Mỹ.
Phó Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Roh Jae Cheon nhấn mạnh: “Trong cuộc tham vấn an ninh lần thứ 51, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã tái khẳng định cam kết rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lực lượng đồn trú trên bán đảo Triều Tiên.”
Dẫu vậy, những thông tin như thế này đã phần nào phản ánh mối bất đồng ngày một trở nên sâu sắc và hiếm thấy giữa Mỹ và Hàn Quốc. Bởi nếu nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước thì, 5 tỷ USD là một con số “khó tin” khi cao gấp 5 lần so với con số hiện nay và gấp 6 lần so với đề xuất ban đầu của Hàn Quốc. Đặt đồng minh vào thế khó không phải là cách mà những nước đồng minh đối xử với nhau.
Dù là một nhà lãnh đạo “không theo bất kỳ một quy chuẩn nào”, song niềm tin của Tổng thống Donald Trump rằng Hàn Quốc là “người đi tàu không vé trên chuyến tàu an ninh Mỹ” vẫn không mảy may suy suyển, thậm chí là ngay từ những năm 1990, khi còn là một người làm kinh tế.
Tuy nhiên, việc xuất hiện thông tin về khả năng Mỹ rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc vào thời điểm hiện nay lại mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh thời hạn chót cuối năm mà Triều Tiên đặt ra cho tiến trình đàm phán với Mỹ đang gần đi tới điểm cuối. Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, Bình Nhưỡng hết lần này đến lần khác yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.
Giữa lúc đang phải “xoay xở” với các cuộc điều tra luận tội ở trong nước do phe Dân chủ khởi xướng, thì liệu nhà lãnh đạo Mỹ có chấp nhận đánh đổi lợi ích của đồng minh để giành lấy ưu thế bầu cử hay không?
Dù câu trả lời thế nào, tất cả những điều này đều gửi đi tín hiệu đến mọi đồng minh của Mỹ rằng hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài sẽ dựa trên trao đổi lợi ích kinh tế có qua có lại, chứ không còn đặt trên nền tảng an ninh chung như bấy lâu. Và dù lập trường của Hàn Quốc như thế nào thì rõ ràng nước này cũng đang bị chính đồng minh đặt vào thế khó xử.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun trước đó dù tuyên bố ủng hộ việc Mỹ cần tiếp tục duy trì lực lượng tại Hàn Quốc, song cũng không quên "nhắc khéo" rằng điều đó không có nghĩa ai cũng sẽ được hưởng lợi miễn phí.
Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc