Mỹ bị cô lập tại Liên Hợp Quốc vì Cao nguyên Golan
Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phản đối động thái Mỹ công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 27/3, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Karen Pierce cho hay quyết định của Mỹ đi ngược lại nghị quyết được Hội đồng thông qua năm 1981. Nghị quyết này kêu gọi Israel hủy việc sáp nhập Cao nguyên Golan vào lãnh thổ và giữ nguyên quy chế hợp pháp quốc tế như trước đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trao sắc lệnh công nhận Cao nguyên Golan thuộc lãnh thổ Israel cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 25/3. |
Phó đại sứ Nga Vladimir Safronkov đồng quan điểm trên và cảnh báo động thái của Mỹ có thể gây ra bất ổn ở Trung Đông.
Các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) tại Hội đồng Bảo an gồm Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Ba Lan bày tỏ quan ngại về "những hậu quả nghiêm trọng đối với khu vực" sau động thái công nhận chủ quyền trên của Mỹ.
Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Qatar, Kuwait và Iran cũng chỉ trích quyết định của Mỹ về Cao nguyên Golan, cho rằng lãnh thổ này là vùng đất Arab bị chiếm đóng.
Phản ứng của các nước tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 25/3 ký sắc lệnh công nhận Cao nguyên Golan thuộc lãnh thổ Israel. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng quyết định trên của Washington sẽ giúp giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ năm 1981. Động thái này bị Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên tuyên bố là vô ích và không có hiệu lực pháp lý quốc tế.
Trong lá thư yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn, Syria khẳng định hành động của Mỹ đã "vi phạm trắng trợn" nghị quyết của Hội đồng. Đồng minh Triều Tiên cũng ra tuyên bố ủng hộ "cuộc đấu tranh của chính phủ và người dân Syria nhằm giành lại Cao nguyên Golan bị chiếm đóng".
Năm 1974, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, được gọi là Lực lượng giám sát không can dự (UNDOF) để giám sát thỏa thuận ngừng bắn giữa Syria và Israel tại Cao nguyên Golan. Hơn 880 binh sĩ của Liên Hợp Quốc có mặt ở đây.
Nhà ngoại giao Mỹ Rodney Hunter khẳng định tại cuộc họp trên rằng quyết định công nhận Cao nguyên Golan thuộc Israel không ảnh hưởng đến thoả thuận ngừng bắn hay làm ảnh hưởng đến sứ mệnh gìn giữ hoà bình tại nơi này.
"UNDOF vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hoà bình, ổn định giữa Israel và Syria, quan trọng nhất là đảm bảo khu vực phân cách giữa hai bên là một vùng đệm không có bất kỳ sự hiện diện hay hoạt động quân sự nào", ông Hunter nói.
Theo: VNEXPRESS.NET
Ý kiến bạn đọc