Đất nước chuyển mình, người Triều Tiên kỳ vọng lớn vào thượng đỉnh tại Việt Nam

09:58, 19/02/2019

Người dân Triều Tiên ngày càng kỳ vọng nhiều hơn về cơ hội bùng nổ kinh tế trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chuyển mình rõ rệt theo hướng hiện đại hóa. 

Khẩu hiệu phát triển kinh tế được thể hiện trong màn diễu hành của các công nhân Triều Tiên
Khẩu hiệu phát triển kinh tế được thể hiện trong màn diễu hành của các công nhân Triều Tiên

Một nhóm phóng viên của báo Kyodo News (Nhật Bản) đã tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng vào đầu tháng này trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 vào ngày 27-28/2 tới ở Hà Nội.

Tại Triều Tiên, một số người dân địa phương đã bày tỏ hy vọng rằng nền kinh tế của nước này sẽ được hồi sinh nhờ sự cải thiện trong quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, Washington vẫn chần chừ trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng nhằm buộc chính quyền Kim Jong-un phải chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân gây tranh cãi.

Theo quan sát của các phóng viên nước ngoài, tại Bình Nhưỡng, internet không dây đã bắt đầu được phục vụ bên trong khách sạn, các khẩu hiệu chính trị ở những nơi công cộng bắt đầu được chiếu trên các tấm bảng điện tử và các tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt trên toàn thành phố để tạo ra điện. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy sự chuyển mình của Triều Tiên.

Cách đây vài năm, những khẩu hiẹu với nội dung kêu gọi thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như đả kích “đế quốc Mỹ” vẫn tràn lan tại Triều Tiên. Tuy nhiên bây giờ, chúng không còn phổ biến như trước nữa, ít nhất là ở Bình Nhưỡng.

Thay vào đó, gần đây, các biểu ngữ và bảng hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế đã được dựng lên tại Bình Nhưỡng. Điều này cho thấy chiến lược nghiêm túc của Triều Tiên trong việc thúc đẩy kinh tế, thay vì tăng cường năng lực vũ khí như trước đây.

Cũng theo các phóng viên của Kyodo, giá cả của các mặt hàng thông dụng phần lớn không thay đổi và người dân vẫn duy trì cuộc sống bình thường tại Bình Nhưỡng, mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Triều Tiên đang bị đình trệ do sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Vào cuối tuần, các nhà hàng và trung tâm giải trí như các câu lạc bộ thể thao, nơi người dân có thể chơi bóng bàn, quần vợt, hay các phòng tắm hơi luôn đông khách. Giao thông tại Bình Nhưỡng cũng không khác nhiều so với trước đây, tình trạng tắc đường vẫn xảy ra vào giờ cao điểm tại một số khu vực trung tâm ở thủ đô.

Tại khách sạn Potonggang ở Bình Nhưỡng, du khách được phép sử dụng internet không dây từ cuối năm ngoái. Những màn hình điện tử được dựng lên tại một số khu vực ở Bình Nhưỡng lần lượt chiếu nhiều khẩu hiệu khác nhau.

Kỳ vọng của người dân

“Bởi vì chúng tôi đã hoàn thiện năng lực hạt nhân quốc gia, nên trước mắt chúng tôi sẽ cống hiến mọi nỗ lực để phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân”, Yu Kwang Sung, 35 tuổi và là quan chức chính phủ Triều Tiên, nói với Kyodo.

Các công nhân làm việc trong nhà máy tại Triều Tiên.
Các công nhân làm việc trong nhà máy tại Triều Tiên.

Kim Jin Sung, nhà nghiên cứu công nghệ thông tin 27 tuổi, cho biết: “Tôi hy vọng mối quan hệ của đất nước chúng tôi với Mỹ sẽ được cải thiện hơn nữa”. Theo Kim, sự tan băng trong quan hệ Mỹ - Triều sẽ góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của nền kinh tế Triều Tiên.

Trên danh nghĩa, Mỹ và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc, các bên vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình mà mới chỉ dừng lại ở thỏa thuận đình chiến. Trong cuộc chiến này, lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu sát cánh cùng lực lượng Hàn Quốc để chống lại Triều Tiên với sự hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc.

Tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã nhất trí rằng Mỹ sẽ cung cấp sự bảo đảm về an ninh cho Triều Tiên để đổi lại cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên.

Giới phân tích nhận định trong cuộc gặp sắp tới tại Việt Nam, ông Kim Jong-un có thể sẽ hối thúc ông Trump nới lỏng trừng phạt kinh tế Triều Tiên và cho phép hàng viện trợ nhân đạo của các nước vào Triều Tiên.

Uriminzokkiri, trang web tuyên truyền chính thức của Triều Tiên, ngày 15/2 đã đăng bài viết cho rằng, bởi vì Triều Tiên đã bắt đầu thực thi các biện pháp cụ thể để thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa, bao gồm dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, nên Mỹ cũng cần có các động thái tương xứng.

Cùng ngày, Rodong Sinmun, tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất tại Triều Tiên, cũng cho biết Triều Tiên sẽ phát triển “các mối quan hệ đối ngoại với tất cả các quốc gia tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên và duy trì mối quan hệ thân thiện với họ bất chấp những khác biệt về tư tưởng và chế độ xã hội”.

Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, khẳng định nước này sẵn sàng “bắt tay và mở ra trang sử mới”, thậm chí với cả những nước cựu thù nếu những nước này muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên.

“Một số quan chức Triều Tiên rất tự tin về hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với Mỹ. Họ nói rằng họ có thể kỳ vọng về những kết quả lịch sử đáng kinh ngạc sau hội nghị này”, một nguồn tin tại Bình Nhưỡng tiết lộ.

Theo dantri.com.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sẽ đặt tượng của Bác Hồ tại Vladivostok trong năm nay

Đài tưởng niệm Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất hiện tại Vladivostok trong năm nay, dịch vụ báo chí của chính quyền thành phố cho biết. Trước đó, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đại diện công chúng Việt Nam đã có thư đề nghị gửi tới chính quyền thành phố Vladivostok về việc phối hợp đặt tượng Bác Hồ ở đây. Tượng đài đã được thiết kế xong. Đã có quyết định đưa ra về việc đặt tượng trong công viên trên đường phố Borisenko. Nhà điêu khắc người Vladivostok, ông Piotr Chegodaev trở thành tác giả của công trình này. 

31/01/2019
Venezuela tìm cách khống chế Tổng thống tự phong, Mỹ cảnh báo hậu quả

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đề nghị Tòa án tối cao can thiệp nhằm ngăn chặn nhân vật đối lập Juan Guaido. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm qua (29/1) gửi kiến nghị lên Tòa án tối cao nhằm ngăn chặn nhân vật đối lập Juan Guaido, người mới đây tự xưng là Tổng thống lâm thời của nước này và được Mỹ ủng hộ.

30/01/2019
Nga cường hợp tác với Philippines trong chống khủng bố

Ngày 27.1, sau khi nhận được tin tại thành phố Jolo, tỉnh Sulu, miền Nam Philippines xảy ra vụ tấn công khủng bố khiến hàng chục người thương vong, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chia buồn tới người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte, trong đó nhấn mạnh Moskva sẵn sàng tăng cường hợp tác song phương trong cuộc chiến chống khủng bố. 

28/01/2019
Malaysia bầu được Nhà vua mới

Ngày 24/1, tiểu vương bang Pahang, Sultan Abdullah, đã chính thức trở thành quốc vương mới của Malaysia sau cuộc họp của các gia đình hoàng tộc. Tiểu vương Sultan Abdullah sẽ thay thế vua Sultan Muhammad V, người bất ngờ thoái vị vào đầu tháng này sau khi kết hôn. Theo thông cáo của Hoàng gia Malaysia, vị Vua mới sẽ trị vì đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm, bắt đầu từ ngày 31/1...

25/01/2019