Lý do Nga mua lại hàng chục xe tăng cổ T-34 từ Lào
Những chiếc xe tăng T-34 được người Nga tôn thờ như một biểu tượng cho tinh thần yêu nước trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Trong bối cảnh quân đội Nga đang tăng cường hiện đại hóa vũ khí, trang bị, đầu tư cho các khí tài thế hệ mới, nhiều người cảm thấy bất ngờ và khó hiểu khi Moskva quyết định mua lại 34 chiếc xe tăng T-34 "cổ lỗ sĩ" từ Lào để chuyển về nước trong một thương vụ không được tiết lộ giá trị.
Đài truyền hình quốc phòng Nga xác nhận lô xe tăng T-34 này đã về tới cảng Vladivostok hôm 9/1 và sẽ được chuyển tới thành phố Naro-Fominsk, tỉnh Moskva bằng đường sắt. Những chiếc xe tăng T-34 này được Liên Xô chuyển giao cho Lào từ năm 1987 và vẫn còn hoạt động tốt sau 31 năm hoạt động ở vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Nhiều nguồn tin cho biết Nga đã cung cấp các xe tăng T-72B "Đại bàng trắng" hiện đại cho Lào để đổi lấy những chiếc T-34. Thỏa thuận giữa hai bên có thể kèm thêm một số điều khoản cung cấp khí tài quân sự cho Lào, một trong những quốc gia vẫn biên chế dòng xe tăng hạng trung xuất hiện từ năm 1940.
Theo bình luận viên Andrew Salmon của Asia Times, thương vụ mua lại lô xe tăng T-34 này có thể không mang lại lợi ích lớn về kinh tế hay quân sự cho Nga, nhưng lại "vô giá" về mặt tinh thần, bởi T-34 từ lâu đã được coi là một huyền thoại của nước Nga trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Vụ tiếp nhận lô T-34 diễn ra trong bối cảnh ngành điện ảnh Nga cũng vừa tung ra bộ phim bom tấn mang tên "T-34" kể về một nhóm tù binh Hồng quân Liên Xô trong tay lính SS của Đức. Họ phải điều khiển một xe tăng hạng trung T-34 để làm mục tiêu tập bắn cho các kíp xe Đức. Tuy nhiên, những người lính Liên Xô không chỉ đánh lừa quân Đức mà còn tìm cách thoát khỏi trại tù.
Kịch bản phim dường như dựa trên câu chuyện có thật về một trong những cuộc vượt ngục đặc biệt nhất trong Thế chiến II, khi tù binh Liên Xô Mikhail Devyataev cùng các đồng đội đánh cắp một oanh tạc cơ Đức và trốn thoát. Các nhân vật trong phim hoàn toàn là hư cấu, nhưng trọng tâm của bộ phim là xe tăng T-34 và nó phản ánh tầm quan trọng của vũ khí này với xã hội Nga hiện đại.
Bộ phim T-34 đem về doanh thu kỷ lục 10,6 triệu USD trong tuần công chiếu đầu tiên ở Nga hồi tháng 12 và đã được bán bản quyền tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp, Hàn Quốc và Anh. "Thương vụ và bộ phim về T-34 này đã tái khẳng định vai trò biểu tượng của xe tăng T-34 với Liên Xô trong Thế chiến II, tương tự súng trường AK với người Nga ngày nay", Salmon nhận định.
Những chiếc T-34 Lào sẽ được Nga dùng trong lễ Duyệt binh Chiến thắng tại các thành phố của Nga, trưng bày tại triển lãm và tham gia những bộ phim về Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Chính phủ Nga đang đầu tư nhiều nguồn lực cho quốc phòng, đồng thời thúc đẩy tinh thần yêu nước trên khắp lãnh thổ Nga. Sự tôn sùng cho xe tăng T-34 là điều dễ hiểu, khi nó được coi là vũ khí trên bộ quan trọng nhất suốt Thế chiến II, cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử loài người.
Các sử gia quân sự coi Mặt trận phía Đông là chiến trường ác liệt nhất trong Thế chiến II. "Mỗi giờ có 783 người chết, tương đương với 13,04 người/phút. Con số này được duy trì từng phút trong suốt giai đoạn kéo dài 3 năm 10 tháng 16 ngày 20 giờ và một phút ở Mặt trận phía Đông", nhà văn Jonathon Littel viết trong cuốn tiểu thuyết "The Kindly Ones", tác phẩm từng giành giải Nobel Văn học và được nhiều sử gia nổi tiếng ca ngợi vì tính xác thực.
Phe Đồng minh phương Tây làm chủ bầu trời và các vùng biển trong Thế chiến II, nhưng chính Hồng quân Liên Xô mới là lực lượng đánh bại phát xít Đức Quốc ở mặt trận trên bộ. Những con số thống kê sau cuộc chiến đều phản ánh mức độ ác liệt ở Mặt trận phía Đông. Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt gần 4 triệu lính phát xít Đức, nhưng khoảng 26 triệu binh sĩ và thường dân Liên Xô đã ngã xuống trong cuộc chiến đẫm máu này.
"Xe tăng T-34 được coi là vũ khí quan trọng nhất do Liên Xô triển khai trong cuộc chiến khủng khiếp đó. Nếu Thế chiến I là chiến tranh hầm hào, Thế chiến II có thể coi là cuộc đối đầu của tăng thiết giáp", Salmon nhận xét.
Xe tăng T-34-85 duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm 2015. Ảnh: TASS. |
Mỹ và đồng minh chỉ đối đầu với lực lượng thiết giáp chủ lực của Đức trong trận Normandy và Bulge năm 1944. Phần lớn các đơn vị xe tăng mạnh nhất của Berlin đều được triển khai ở Mặt trận phía Đông, đối đầu với Hồng quân ở các trận đánh dữ dội tại Kiev, Kharkov, Kursk, phía đông nước Đức và chiến dịch tại hồ Balaton, đợt tiến công cuối cùng của phát xít Đức trong cuộc chiến.
Quân đội Đức đi tiên phong trong hình thức tác chiến hiệp đồng binh chủng với học thuyết "Blitzkrieg" (Chiến tranh chớp nhoáng) lấy xe tăng là trọng tâm. Lực lượng xe tăng Panzer được phát triển để giành chiến thắng trong thời gian ngắn nhất, hạn chế thiệt hại về người.
Khi chiến thuật Blitzkrieg bị chững lại và đối thủ của Đức nhận ra vai trò trung tâm của tác chiến thiết giáp, cuộc chiến trên bộ của Thế chiến II trở thành hình thức tiêu hao tăng thiết giáp.
Xe tăng có vai trò đặc biệt quan trọng với quân đội Đức. Họ thường triển khai các sư đoàn tăng Panzer làm mũi chủ công, sau đó dùng những lữ đoàn hỏa lực để bảo vệ hậu phương. Khả năng sóng sót của xe tăng thường không cao trong Thế chiến II, khiến chiến thắng sẽ thuộc về quốc gia sản xuất được nhiều xe tăng và sở hữu nhiều tổ lái hơn.
Đức chỉ sản xuất được chưa đầy 2.000 xe tăng hạng nặng Tiger và King Tiger, cùng gần 6.000 xe tăng hạng trung Panther. Trong khi đó, Liên Xô xuất xưởng tới 58.000 chiếc T-34, dòng xe tăng vượt trội về tính năng so với phần lớn lực lượng thiết giáp Đức, chỉ trừ mẫu Panther và Tiger.
Xe tăng Đức có uy lực mạnh và nhiều tính năng hiện đại, nhưng quá phức tạp và đắt đỏ. Ngược lại, cấu tạo đơn giản của T-34 giúp nó dễ được sản xuất hàng loạt và nhanh chóng thay thế những chiếc hư hại trong chiến đấu. "Điều này biến T-34 trở thành khí tài quan trọng trong chiến thắng của Liên Xô ở Mặt trận phía Đông. Không loại thiết giáp nào trong biên chế Hồng quân có số lượng nhiều hơn T-34", sử gia Will Kerrs nhận xét.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những ưu điểm của T-34. "Dòng xe này cân bằng được tốc độ sản xuất và mức độ phức tạp trong thiết kế, giúp nó được xuất xưởng với số lượng lớn trong khi vẫn duy trì uy lực ngang ngửa đối phương", Kerrs nói thêm.
Xe tăng T-34-85 dẫn đầu đội hình cơ giới trong lễ Duyệt binh Chiến thắng ở Moskva năm 2018. Ảnh: TASS. |
T-34 được đánh giá cao trong cả ba tham số quan trọng nhất với xe tăng là khả năng bảo vệ, hỏa lực và sức cơ động. Kết cấu giáp nghiêng làm tăng độ dày hiệu quả của tháp pháo, đồng thời làm đạn chống tăng đối phương dễ bị trượt đi thay vì xuyên vào trong giáp.
Hệ thống treo Christie được Liên Xô mua bản quyền từ Mỹ giúp tăng đáng kể khả năng chạy băng đồng, trong khi bản xích rộng cho phép T-34 di chuyển trong địa hình bùn lầy và tuyết đặc trưng của Liên Xô. Động cơ xe dễ sửa chữa ngay trên chiến trường, không đòi hỏi đưa về nhà máy để bảo dưỡng.
Những chiếc T-34-85 sở hữu pháo ZiS-S-53 cỡ nòng 85 mm với khả năng xuyên phá vượt xa dòng Panzer IV và pháo tự hành StuG III, chỉ thua kém xe tăng hạng nặng Tiger và Panther.
Tuy nhiên, xe tăng T-34 không phải hoàn hảo. Những biến thể đời đầu có độ tin cậy không cao, hộp số rất khó sử dụng, trong khi tổ lái phải ngồi trong khoang chiến đấu chật hẹp và không tiện nghi. Pháo chính và kính ngắm của T-34 cũng thua kém hơn nhiều so với những xe tăng hiện đại của Đức trong Thế chiến II.
"T-34 thể hiện tốt tới mức những xe tăng đời sau của Đức như Panther và King Tiger đều sao chép thiết kế giáp nghiêng và bản xích rộng. Tốc độ xuất xưởng của dòng T-34 là điều mà các nhà máy xe tăng Đức nằm mơ cũng không nghĩ tới", Salmon viết. "Bởi vậy, với người Nga, T-34 dĩ nhiên là vũ khí trên bộ quan trọng nhất trong cuộc chiến vĩ đại nhất của nhân loại".
Theo: VNEXPRESS.NET
Ý kiến bạn đọc