EU vẫn bất đồng sâu sắc về vấn đề di cư

08:11, 27/06/2018

Nhằm giải tỏa bầu không khí căng thẳng giữa các thành viên Liên minh Châu Âu (EU) trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh chính thức diễn ra vào ngày 28 và 29-6, 16 quốc gia thành viên vừa tham gia cuộc họp thượng đỉnh để hóa giải bất đồng về vấn đề người di cư. Tuy nhiên, nỗ lực tìm kiếm giải pháp hàn gắn những rạn nứt đang đe dọa tương lai của khối dường như không đạt được kết quả khả quan. 

Tại hội nghị, mỗi bên đều đưa ra quan điểm riêng. Italia, một trong những nước ở “tuyến đầu” tiếp nhận người di cư từ Trung Đông, Châu Phi đã trình bày một danh sách các đề xuất, trong đó có chủ trương thành lập những trung tâm bảo trợ quốc tế tại các nước trung chuyển. Ngoài ra, Rome cũng đề nghị các quốc gia EU khác chia sẻ việc tiếp nhận những người di cư đến Châu Âu, nếu không sẽ nhận được ít tiền hơn từ EU. 



Để làm được việc này, liên minh phải thiết lập hạn ngạch nhập cảnh phân bổ cho từng quốc gia và coi đây là một nguyên tắc phải được tôn trọng. Trong đó, những quốc gia không chào đón người tị nạn sẽ phải gánh chịu những chế tài phù hợp. Từ khi nắm chính quyền hồi đầu tháng, Chính phủ dân túy của Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã từ chối tiếp nhận các tàu cứu hộ treo cờ nước ngoài chở người di cư. 

Đồng quan điểm với Italia, Pháp và Tây Ban Nha ủng hộ việc trừng phạt tài chính những nước thành viên EU từ chối tiếp nhận người di cư. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực giải quyết dòng người di cư trong khuôn khổ biên giới EU thông qua cải cách quy chế tị nạn của Hiệp định Dublin. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh: "Chúng ta không thể có những quốc gia được hưởng lợi lớn từ sự đoàn kết của EU và chỉ lớn tiếng bảo vệ lợi ích nước mình khi nói tới vấn đề người di cư".

Trái lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo, không có giải pháp cuối cùng cho vấn đề nhập cư ở cấp độ EU. Nữ Thủ tướng Đức mong muốn ký kết nhiều hơn các thỏa thuận song phương và đa phương với các nước quê hương của những người di cư nhằm giải quyết triệt để dòng người sang Châu Âu thay vì áp đặt các biện pháp cứng rắn lên chính những thành viên của EU. 

Theo các nhà phân tích, quan điểm của người đứng đầu nước Đức là có thể lý giải được trong bối cảnh EU đang bị chia rẽ ngày càng sâu sắc xung quanh cuộc khủng hoảng người tị nạn. Việc Thủ tướng A.Merkel tìm biện pháp dung hòa là nhằm tránh cho EU phải đối mặt với những bất đồng có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của cả khối. 

Sở dĩ, cuộc họp lần này chỉ có 16 nước thành viên tham gia là vì lãnh đạo Nhóm Visegrad - với thành viên là các quốc gia Trung Âu gồm Hungary, Séc, Slovakia và Ba Lan, vốn có quan điểm chống lại biện pháp phân bổ người tị nạn - tuyên bố tẩy chay sự kiện. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiịecki đã mô tả cuộc họp là "không thể chấp nhận được" vì muốn làm nóng lại đề xuất mà các nước Visegrad đã bác bỏ.

Dù mục tiêu ban đầu của hội nghị là nhằm trù bị nội dung cho Hội nghị Thượng đỉnh chính thức sắp tới, song bất đồng gay gắt đã khiến các thành viên EU không đưa ra được một tuyên bố chung cần thiết. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bất đồng liên quan vấn đề người di cư là tiềm lực kinh tế khác nhau giữa các nước, kéo theo mức độ sẵn sàng không giống nhau khi phải chia sẻ gánh nặng chung. 

Nhưng dù nguyên nhân gây chia rẽ là gì thì EU vẫn phải đối mặt thực tế rằng, tình trạng xung đột tại Trung Ðông, Bắc Phi sẽ đẩy dòng người di cư tiếp tục đổ về Châu Âu. Do vậy, nếu không sớm thống nhất kế hoạch tổng thể ngăn chặn người tị nạn trái phép, EU sẽ tiếp tục phải đương đầu những thách thức về an ninh, kinh tế, xã hội và cả sự tồn vong của ngôi nhà chung.

Theo HNM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Malaysia triệt phá đường dây buôn người di cư Bangladesh

Lực lượng an ninh Malaysia vừa triệt phá đường dây buôn người do một thương nhân Bangladesh cầm đầu. Điều tra ban đầu cho thấy chỉ trong hai năm, đối tượng này đã kiếm được ít nhất 2 tỷ ringgit (gần 500 triệu USD) từ những người Bangladesh muốn có việc làm tại Malaysia.

26/06/2018
Tiết lộ vụ truy lùng nhóm tội phạm mạng nguy hiểm nhất thế giới

Scan4You trở thành công cụ đắc lực giúp tội phạm công nghệ cao vô hiệu hóa hơn 35 phần mềm bảo mật nổi tiếng thế giới. Để đánh sập đường dây này, Trend Micro đã phối hợp với FBI triệt phá đường dây tội phạm công nghệ xuyên quốc gia trong suốt 5 năm qua. 

26/06/2018
Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu bầu quốc hội và tổng thống nhiệm kỳ mới

Sáng 24/6, cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đi bỏ phiếu bầu tổng thống và 600 nghị sỹ quốc hội nước này trong cuộc bầu cử sớm. Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa từ 8 giờ (giờ địa phương) và dự kiến sẽ đóng cửa vào 17 giờ cùng ngày. 

24/06/2018
Mỹ đình chỉ thêm 2 cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 22/6 cho biết, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí đình chỉ vô thời hạn hai cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 22/6 cho biết, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí đình chỉ vô thời hạn hai cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tháng này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

23/06/2018