Ý nghĩa lý luận đột phá từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại
Cách mạng tháng Mười năm 1917 đã tạo ra một sự thay đổi cách mạng trong cách hiểu về chính khái niệm “cách mạng”. Tất cả các cuộc cách mạng kể từ đó trở đi được đặt trong một vũ trụ cách mạng mới.
Trước Cách mạng tháng Mười, chủ nghĩa xã hội (CNXH) được xem là một dự án cách mạng độc quyền của giai cấp vô sản, mà sẽ được xúc tiến ở nơi nào giai cấp này trở thành một lực lượng chính trị lớn và vì thế mà sự phân cực xã hội giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản đã được đẩy xa tới mức cần thiết. Nói một cách ngắn gọn, CNXH được xem là dự án của giai cấp vô sản ở các nước tư bản tiên tiến.
Tạo hình của Đảng Cộng sản Anh (Marxist-Leninist), với biểu tượng búa liềm và khẩu hiệu nổi tiếng của chủ nghĩa Marx: “Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại”. |
Tất nhiên, Marx và Engels trước đây có xem xét khả năng cách mạng ở những nơi mà ngày nay chúng ta gọi là các nước ở vùng ngoại vi, như Ấn Độ và Ai Cập. Tuy nhiên, bản chất của các cuộc cách mạng như thế và mối liên hệ giữa chúng với dự án xã hội chủ nghĩa (XHCN) vẫn chưa được xác định vào thời của hai ông.
Cách mạng tháng Mười Nga đã thay đổi tất cả. Nó xem xét dự án cách mạng bên trong mỗi đất nước là bộ phận của quá trình quá độ của nước đó lên CNXH. Nó nhìn nhận các dự án cách mạng của các nước khác nhau trong mối liên kết với nhau, xem đó như các thời khắc khác nhau trong một quá trình chuyển đổi tổng thể sang CNXH.
Cách mạng tháng Mười cũng xem dự án cách mạng trong mỗi nước là được duy trì bởi liên minh giữa công nhân và nông dân (cùng với các giai cấp bị áp bức khác nữa) và do giai cấp vô sản lãnh đạo – điều kiện cần thiết cho quá trình quá độ thành công lên CNXH. Quan niệm này được Lenin trình bày rõ trong lời kêu gọi lập ra các “xô viết của nhân dân lao động” (khác biệt với xô viết của riêng giai cấp công nhân) ở các nước thuộc địa bị áp bức.
Sự thay đổi này trong quan niệm về cách mạng không phải là kết quả của tư duy võ đoán hay tưởng tượng, mà bắt nguồn từ thực tế vật chất của chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc không chỉ kết nối toàn thế giới với nhau mà còn có đặc trưng là cứ định kỳ các đối thủ đế quốc chủ nghĩa sẽ lại dùng chiến tranh để tái phân chia thế giới vốn đã bị phân chia, trong một cuộc đối đầu liên đế quốc.
Các cuộc chiến tranh đế quốc nói trên đương nhiên là mang lại khổ đau vô cùng lớn cho nhân loại. Nhưng mặt khác, chúng giúp phát triển ý thức cách mạng, không chỉ trong số những người công nhân ở các nước tư bản tiên tiến bị yêu cầu phải đánh nhau với các bạn công nhân của mình trên khắp các chiến hào để mở rộng các “lãnh thổ kinh tế” theo chỉ huy của giới tư bản độc quyền tương ứng với nước của họ, mà còn ở cả nhân dân lao động tại các nước bị áp bức, những người bị ép làm bia đỡ đạn trong những cuộc chiến tranh như thế.
Liên minh chiến lược với nông dân
Sự thay đổi quan niệm về cách mạng không xảy ra tức thời. Tại các nước chậm tiến tới chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản bản địa không thể hoàn thành cách mạng dân chủ lật đổ trật tự phong kiến, do họ sợ một cuộc tấn công vào tài sản phong kiến có thể gây phản ứng ngược là một cuộc tấn công vào tài sản của giai cấp tư sản. Điều này đã được Vladimir Lenin và các đồng chí Bolshevik của mình nêu ra trước đó.
Đảng Bolshevik nhận thấy rằng ở các nước hậu tiến đó, giai cấp tư sản không thể đáp ứng được mong muốn của giai cấp nông dân được giải phóng khỏi xiềng xích phong kiến, và giai cấp nông dân cần tới một cuộc cách mạng mà chỉ có thể do giai cấp công nhân lãnh đạo. Điều này khiến giai cấp nông dân trở thành một đồng minh của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng dân chủ, kéo theo việc cuộc cách mạng dân chủ này tự nó trở thành một giai đoạn trong quá trình quá độ lên CNXH. Tất nhiên trong quá trình quá độ đó, các đồng minh của giai cấp vô sản sẽ tiếp tục thay đổi.
Ý tưởng về một cuộc cách mạng dân chủ kiểu mới dựa trên liên minh công nông, mà ở đó giai cấp công nhân sẽ vẫn không bằng lòng với việc dừng lại ở chỗ giải quyết các nhiệm vụ phản phong kiến mà tiếp tục đưa cách mạng sang giai đoạn XHCN, cùng với các đồng minh có thể thay đổi trong chặng đường này, đã được Lenin lý luận hóa trong tác phẩm “Hai chiến thuật của Dân chủ xã hội trong Cách mạng dân chủ” của ông. Trên thực tế, ý tưởng trên đã được tích hợp vào cương lĩnh của đảng Bolshevik, với tầm nhìn về “Chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân”.
Điều này kéo theo một thay đổi căn bản trong thái độ với giai cấp nông dân. Sự thay đổi này một lần nữa là kết quả của thực tế vật chất khác đi chứ không phải là do cách tư duy khác đi. Một cuộc cách mạng dân chủ thông thường, như trong Cách mạng Pháp, nơi mà giai cấp tư sản đóng vai trò lãnh đạo và phá hủy tận gốc rễ tài sản của chế độ phong kiến và phân phối lại đất đai cho các nông dân, đã không còn khả thi tại các nước chậm đến với chủ nghĩa tư bản. Trong bối cảnh mới, mối quan hệ giữa 3 giai cấp (tư sản, vô sản, nông dân) sẽ khác đi.
Trước đây, thực tế giai cấp tư sản lãnh đạo cách mạng dân chủ mang lại quyền sở hữu đất cho nông dân đã giúp hiện thức hóa sự đoàn kết giữa giai cấp tư sản và nông dân trong cuộc đối đầu với giai cấp công nhân. Chính vì điều này mà Công xã Paris đã bị đánh bại. Trong sự kiện Công xã Paris, Adolphe Thiers đã gieo rắc nỗi sợ vào các nông dân Pháp rằng nếu họ tấn công tài sản của giai cấp tư sản thì điều này sẽ kéo theo việc tài sản của nông dân bị tấn công.
Nhưng giờ đây, ở những nước như nước Nga, có một tình hình mới: Do giai cấp tư sản bất lực trong việc tấn công vào giai cấp phong kiến nên giai cấp vô sản đứng trước cơ hội lịch sử hình thành được một mối liên minh với giai cấp nông dân, mà thông qua cách mạng dân chủ, dẫn tới CNXH.
Nhiều người đã giải thích sự thay đổi này trong thái độ đối với nông dân từ góc độ chủ nghĩa Marx một cách không đúng. Họ cho rằng chủ nghĩa Marx trước Cách mạng tháng Mười là thù địch với giai cấp nông dân, trong khi Cách mạng tháng Mười cho thấy việc vượt qua sự thù địch này. Điều này không đúng. Những người mác xít ở Nga thay đổi lập trường về vấn đề nông dân không phải là vấn đề đơn thuần thay đổi quan điểm. Sự điều chỉnh này là dựa trên sự thay đổi trong hiện thực vật chất, tức là việc giai cấp tư sản bất lực trong việc tiến hành cách mạng dân chủ phản phong trong tình hình mới.
Thành tựu lịch sử của Lenin và phái Bolshevik là họ đã nhận ra sự thay đổi này trong thực tế.
Vào thời điểm Cách mạng tháng Mười, phe Bolshevik đã thay thế mục tiêu trước đó của họ là “quốc hữu hóa ruộng đất” bằng việc phân phối lại ruộng đất.
Quan niệm về thế giới toàn cầu hóa đế quốc chủ nghĩa
Ở đây còn có sự thay đổi trong quan niệm liên quan đến chủ nghĩa đế quốc, xảy ra sau khi Thế chiến thứ nhất nổ ra.
Trong cuộc tranh luận toàn diện trước đó giữa Lenin và những người Narodnik về khả năng quá độ trực tiếp từ một nước nông nghiệp lạc hậu lên CNXH, và giữa Lenin và một số cây bút Menshevik về việc liệu có liên minh với giai cấp tư sản hay giai cấp nông dân trong cách mạng dân chủ, trọng tâm luôn nằm ở một cuộc cách mạng tại đất nước Nga trong trạng thái cô lập. Gần như không có sự đề cập nào tới chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng khi Thế chiến 1 nổ ra, điều này đã thay đổi. Chủ nghĩa đế quốc trở thành chủ đề hàng đầu cho các tranh luận. Lenin lập luận rằng nếu chủ nghĩa đế quốc đan cài thế giới lại và không có vấn đề lớn nào của thời đại lại có thể thảo luận mà không động chạm đến chủ nghĩa đế quốc thì số phận của cách mạng Nga cũng liên hệ với chủ nghĩa đế quốc. Ở đây có một thứ trở nên rõ ràng là chính hiện tượng đối đầu liên đế quốc (giữa các phe của chủ nghĩa đế quốc) đã gây ra chiến tranh và kéo theo các cuộc cách mạng, cũng tạo tiền đề cho sự tồn tại của các cuộc cách mạng ở nơi chúng được sản sinh ra. Sự đối đầu giữa các nước đế quốc thực sự cung cấp không gian cho các cuộc cách mạng sống sót.
Nói ngắn gọn, thế giới đã bước sang kỷ nguyên của các cuộc cách mạng. Hệ thống dây chuyền đế quốc chủ nghĩa đã bị phá vỡ, bắt đầu ở mắt xích yếu nhất của nó. Vấn đề rõ ràng là phải tiến lên với cương lĩnh cách mạng, tự hành động khi cần thiết mà không cần phải trông chờ các thành phần “dao động” khác nhau trong nhóm lãnh đạo giai cấp vô sản cùng tham gia cuộc đấu tranh cách mạng.
Thậm chí trong một trong các tác phẩm lý luận cuối cùng của mình, Lenin vẫn nhấn mạnh rằng Cách mạng Nga đã tồn tại được là nhờ sự đối đầu liên đế quốc. Thậm chí sau khi Cách mạng Đức thất bại, ông vẫn hy vọng rằng cách mạng sẽ nổ ra ở Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cho rằng khi ấy Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng tạo ra một khối lớn mạnh.
Nói cách khác, cách mạng không còn có thể xem xét trong trạng thái cô lập; tất cả đều liên quan đến nhau. Các sự kiện này đơn giản là các khoảnh khắc của một quá trình chuyển đổi cách mạng trên toàn thế giới, không bị giới hạn vào mỗi các nước tư bản tiên tiến mà còn diễn ra ở cả các nước thuộc thế giới thứ 3 bị áp bức nữa. Theo đó Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) được thành lập sau cuộc Cách mạng tháng Mười là điều chưa từng thấy trước đó: Tại đại hội của Quốc tế này, các đại biểu đến từ Đức, Pháp và Anh sát vai bên nhau cùng với các đại biểu đến từ Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Đây là một Quốc tế theo đúng nghĩa của thuật ngữ này.
Liên Xô đã sụp đổ. Cấu trúc đối đầu liên đế quốc đặc trưng cho thời kỳ của Lenin và toàn bộ thời kỳ cho tới khi Thế chiến thứ 2 kết thúc đã nhường chỗ cho một cục diện thế giới mới đặc trưng bởi sự bá quyền của tư bản tài chính quốc tế.
Cách thức chính xác mà trong đó các cuộc cách mạng sẽ diễn ra trong tình hình mới có thể không giống với trước đây nữa. Nhưng quan điểm cơ bản về cách mạng thế giới, tiền đề lý luận cho Cách mạng tháng Mười, tức là quan điểm về một hệ các cuộc cách mạng có liên quan với nhau, có thể với động lực là giai cấp vô sản hay liên minh công nông (tùy bối cảnh từng nơi), vẫn có giá trị cho tới ngày nay. Lý luận dẫn đường cho Cách mạng tháng Mười, dựa trên phân tích về chủ nghĩa đế quốc và tính quốc tế của nó, vẫn còn giá trị chừng nào chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại.
Theo VOV.VN
Ý kiến bạn đọc