Chiến tranh Mỹ - Triều phải chăng là "không thể tránh khỏi"?
Đáp trả việc Mỹ triển khai máy bay ném bom ở phía Đông Triều Tiên, nước này đe dọa việc phóng tên lửa tấn công Mỹ là “không thể tránh khỏi”.
Khẩu chiến gay gắt…
Theo Reuters, phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cuối tuần qua, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho nhấn mạnh, việc Triều Tiên sử dụng tên lửa tấn công các mục tiêu của Mỹ là không thể tránh khỏi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có những lời lẽ không hay nhằm vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những lời lẽ hết sức gay gắt nhằm vào nhau. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố trên của ông Ri Yong Ho được đưa ra trong bối cảnh, vài giờ trước đó, Mỹ rầm rộ triển khai máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa B-1B Lancer cùng các chiến đấu cơ F-15C Eagle bay dọc vùng biển phía Đông Triều Tiên.
Giới chức Mỹ cho biết, đây là lần đầu tiên Mỹ cho các máy bay ném bom và chiến đấu cơ bay sát khu vực phi quân sự chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc đến như vậy trong vòng 17 năm qua. Trước đó, hầu như các máy bay ném bom và chiến đấu cơ của Mỹ chủ yếu bay ở phía Nam của khu vực phi quân sự này.
Phía Mỹ khẳng định, hành động “phô trương thanh thế này” là nhằm “chứng tỏ cho Triều Tiên thấy Lầu Năm Góc đã sẵn sàng mọi phương án quân sự để đệ trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump”.
Nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Chiến dịch này là nhằm gửi đi một thông điệp rằng, Tổng thống Mỹ có rất nhiều lựa chọn về mặt quân sự để đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào. Chúng tôi đã sẵn sàng sử dụng toàn bộ năng lực quân sự của mình để bảo vệ lãnh thổ quốc gia và các đồng minh”.
Đáp lại, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cảnh báo, Triều Tiên sẵn sàng tự vệ nếu Mỹ có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đang lên kế hoạch “tấn công vào các cơ quan đầu não hoặc khơi mào cho một cuộc chiến với Triều Tiên”.
“Cuối cùng chúng tôi cũng chỉ còn cách cánh cửa của việc trở thành một quốc gia hạt nhân có vài bước chân”, ông Ri Yong Ho khẳng định và nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc sẽ “không thể ngăn cản quyết tâm hoàn tất chương trình hạt nhân của Triều Tiên để đạt được mục tiêu tối thượng là tạo ra thế cân bằng về sức mạnh quân sự với Mỹ”.
… có dẫn đến chiến tranh bùng nổ?
Theo các chuyên gia, nếu lời đe dọa tấn công Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên trở thành sự thật, Mỹ sẽ không còn cách nào khác là phải phá hủy quả tên lửa này trước cả khi nó được phóng đi. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải chủ động khai chiến với Triều Tiên và hệ lụy của cuộc chiến này là khôn lường.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, trên thực tế, Tổng thống Donald Trump không có nhiều lựa chọn như giới chức Mỹ vẫn thường tuyên bố. Hơn nữa, ông Trump còn phải khéo léo “tránh vết xe đổ” của những người tiền nhiệm.
Việc sử dụng các biện pháp ngoại giao đối với Triều Tiên từ nhiều thập niên qua của các Tổng thống thuộc cả 2 đảng của Mỹ đều đã thất bại. Triều Tiên không những không dừng chương trình hạt nhân của mình mà còn đẩy mạnh hơn nữa quá trình này. Hơn thế nữa, các lệnh trừng phạt của cả Mỹ và Liên Hợp Quốc cho đến nay vẫn không mấy tác dụng với Triều Tiên.
Thông thường, khi những giải pháp về ngoại giao và trừng phạt thất bại, Mỹ sẽ tiến hành các chiến dịch quân sự để đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên được đánh giá là “quá nguy hiểm” bởi điều đó đồng nghĩa với khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân diện rộng trong khi sức mạnh về hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa được giải mã toàn bộ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cho đến thời điểm này, Triều Tiên vẫn chưa cho thấy họ sẵn sàng tấn công Mỹ. Lời đe dọa “nhấn chìm đảo Guam bằng tên lửa” của Triều Tiên đã bị lùi lại một lần và đến nay đã quá hạn nhưng vẫn chưa được Triều Tiên thực hiện.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia gợi ý, Mỹ có thể chủ động kiềm chế Triều Tiên bằng cách tận dụng năng lực quân sự của bản thân và các đồng minh thiết lập nên một vành đai phòng thủ xung quanh quốc gia Đông Bắc Á này nhằm theo dõi “nhất cử nhất động” của Triều Tiên.
Đây được cho là một phương án hoàn toàn khả thi dựa trên sự phát triển về công nghệ của Hải quân Mỹ-Nhật-Hàn. Hải quân của 3 nước này đều sử dụng hệ thống radar Aegis tối tân được tích hợp tên lửa SM-3 có khả năng đánh chặn mọi tên lửa của Triều Tiên.
Theo đánh giá của Hải quân Mỹ, chỉ cần 2 tàu khu trục của Mỹ-Nhật hoặc Mỹ-Hàn hoặc Hàn-Nhật đậu ngoài khơi Triều Tiên là đủ để thành lập hàng rào phòng thủ tên lửa bao quanh Triều Tiên.
Những hệ thống radar với các cảm biến cực mạnh của Hải quân 2 trong 3 nước nói trên hoàn toàn có thể phát hiện được tên lửa Triều Tiên ngay khi nó rời bệ phóng. Việc đánh chặn có thể diễn ra ở ngoài khơi vùng biển Triều Tiên để hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.
Dĩ nhiên, việc đánh chặn tên lửa của Triều Tiên cũng có thể dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu Triều Tiên có những động thái đáp trả quyết liệt. Tuy nhiên, khả năng này thấp hơn nhiều so với việc Mỹ chủ động tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Hơn thế nữa, theo các chuyên gia, hiện nay, năng lực thực sự của tên lửa Triều Tiên vẫn là dấu hỏi lớn. Triều Tiên được cho là cần thêm nhiều thời gian để tiếp tục hoàn thiện tên lửa của mình, chính vì thế, nếu không bị dồn ép thái quá, Triều Tiên sẽ không có những hành động bất cẩn.
Như vậy, có thể thấy kịch bản chiến tranh Mỹ-Triều không phải là không có khả năng xảy ra, tuy nhiên, khả năng này là rất thấp và chỉ có thể trở thành hiện thực nếu như một trong hai phía có những động thái bất ngờ nằm ngoài mọi tính toán mang tính lý trí./.
vov.vn
Ý kiến bạn đọc