Mỹ công bố chiến lược quân sự mới tại Afghanistan, bỏ rơi Pakistan
Chính phủ Mỹ ngày 22/8 triển khai chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump tại Afghanistan, trong khi rút lại quy chế đồng minh với Pakistan.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan, hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố rút quân đưa ra trước khi đắc cử, đã nhận được sự hoan nghênh của Chính phủ Afghanistan, gọi đây là một bước đi mang tính lịch sử.
Trong khi đó, quốc gia láng giềng Pakistan lại coi đây là một sự phớt lờ đối với những “hy sinh to lớn” của nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Có thể thấy đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng dành cho Pakistan, một trong số ít những nước được nhận quy chế đồng minh ngoài NATO của Mỹ.
Theo đó, Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ an ninh cho Pakistan nếu nước này không hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố, không có những hành động ngay lập tức để ngăn chặn các phần tử khủng bố biến đất nước này thành "nơi trú ẩn an toàn".
Trong bước đi đầu tiên được xem là nhằm cụ thể hóa chiến lược mới của Tổng thống Donald Trump tại Afghanistan, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đưa ra những biện pháp có thể thực hiện ngay lập tức việc gia tăng sức ép với Pakistan, như giảm hỗ trợ, trừng phạt, thậm chí là rút lại quy chế đồng minh ưu tiên ngoài NATO, mà Pakistan đang được hưởng. Theo ông Rex Tillerson, mọi lựa chọn đều đang được đặt lên bàn và sẽ được thực hiện một khi Pakistan từ chối thay đổi thái độ của mình.
“Pakistan và Mỹ có mối quan hệ rất tốt đẹp, nhưng trong vài năm gần đây đã có sự đổ vỡ thực sự trong lòng tin giữa hai nước. Lý do là chúng ta đã chứng kiến các tổ chức khủng bố coi Pakistan là nơi trú ẩn an toàn để lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công chống lại quân đội Mỹ, các quan chức Mỹ, cũng như làm gián đoạn các nỗ lực hòa bình bên trong Afghanistan”, ông Tillerson nói.
Chính phủ Pakistan ngay lập tức đưa ra phản ứng khi bày tỏ sự thất vọng trước những chỉ trích của Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao nước này, không một quốc gia nào trên thế giới phải chịu đựng nhiều hơn Pakistan những tai họa của chủ nghĩa khủng bố.
Những tuyên bố của Mỹ là sự phủ định đối với những hi sinh to lớn của nhân đân Pakistan. Bộ Ngoại giao Pakistan đồng thời khẳng định mong muốn, cũng như quyết tâm của nước này đối với nền hòa bình và sự ổn định.
Trung Quốc, quốc gia láng giềng và là đối tác gần gũi của Pakistan cũng chia sẻ quan điểm này, khi đánh giá cao những đóng góp của nước này trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Pakistan là một trong những quốc gia tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố và chấp nhận những hi sinh to lớn vì cuộc chiến này trong nhiều năm qua.
Pakistan đã có những đóng góp quan trọng để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực và toàn cầu. Chúng tôi rất vui khi thấy rằng Pakistan và Mỹ thực hiện hợp tác chống khủng bố trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau hợp tác để bảo đảm an ninh và hợp tác toàn diện vì sự ổn định trong khu vực và trên thế giới”.
Có thể thấy, chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan một mặt là tin tốt với Afghanistan khi được xem là một sự đảm bảo tốt nhất đối với an ninh quốc gia, song mặt khác lại như một lời cảnh báo đối với Pakistan rằng, Mỹ sẽ trở lại và vẫn là một đồng minh thân cận của Afghanistan.
Xét về một mặt nào đó, có thể coi chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan cũng đồng nghĩa với một chương mới trong quan hệ của Mỹ với Pakistan. Trên thực tế, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan đã không còn ở giai đoạn hoàng kim của những năm 2000 khi hai nước hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến khủng bố, mà theo kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Minh chứng rõ nhất là dù vẫn rất cần sự hậu thuẫn của Mỹ trong chiến dịch chống lại các phần tử cực đoan đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở trong, song Pakistan cũng đang xây dựng các mối quan hệ đồng minh gần gũi hơn với quốc gia láng giềng Trung Quốc. Vừa có “người anh em” sát cánh kế bên vừa nhận hàng tỉ USD viện trợ mỗi năm từ Mỹ, nên Pakistan cũng tỏ ra hài lòng với tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, một khi những cảnh báo của Mỹ được cụ thể hóa, thì cảm giác thỏa mãn nói trên có thể sẽ biến thành bất mãn. Nhưng tới lúc đó thì đã quá trễ để thay đổi.
Chính vì thế, theo giới phân tích, chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan thời gian tới sẽ còn có những điều chỉnh, để cân bằng các mối quan hệ, cũng như lợi ích chiến lược của Mỹ tại khu vực. Bản thân Pakistan cũng phải có những hành động cụ thể mới có thể chứng minh được thành ý của mình trong cuộc chiến chống khủng bố./.
vov.vn
Ý kiến bạn đọc