Ông Donald Trump đứng trước thách thức hàn gắn đất nước
Các Thượng nghị sĩ Dân chủ ngày 15/11 đã phản đối gay gắt việc ông Donald Trump lựa chọn ông Steven Bannon làm cố vấn cấp cao.
Phe Dân chủ đã yêu cầu ông Donald Trump hủy bỏ lựa chọn này nếu Tổng thống đắc cử Mỹ thực sự muốn đoàn kết nước Mỹ.
Lựa chọn đầu tiên cho chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là giao Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus - một nhân vật có quan hệ gần gũi với các lãnh đạo đảng Cộng hòa làm Chánh Văn phòng Tổng thống, cho thấy mong muốn hằn gắn chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa và khởi đầu chính phủ mới trôi chảy.
Ông Steven Bannon trong chiến dịch tranh cử của ông Trump ở New Hampshire trong tháng 10/2016. (ảnh: New York Times). |
Trong khi việc ông Trump lựa chọn Stephen Bannon - người phụ trách chiến dịch truyền thông trong quá trình tranh cử làm người đứng đầu bộ phận chiến lược và cố vấn cấp cao sau khi chính thức nắm quyền lại đang vấp phải phản đối mạnh mẽ từ đảng Dân chủ.
Các Thượng nghị sĩ Dân chủ và các nhóm chính trị cánh tả tại Mỹ cho rằng Stephen Bannon là người có khuynh hướng phân biệt chủng tộc và phân biệt giới. Một ngày sau khi công bố lựa chọn Stephen Bannon, các Thượng nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi Tổng thống đắc cử rút lại quyết định này.
Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid nhấn mạnh đến sự đoàn kết nước Mỹ mà ông Trump muốn tìm kiếm: “Nếu ông Trump thực sự muốn tìm kiếm sự đoàn kết, thì điều đầu tiên ông ta phải làm là bãi bỏ quyết định lựa chọn ông Stephen Bannon. Bởi vì một người bênh vực tư tưởng phân biệt chủng tộc bước ra từ Phòng Bầu dục sẽ không thể thúc đẩy nỗ lực hàn gắn quốc gia của ông Trump. Tôi phải nói với ông Trump rằng ông ta cần có trách nhiệm, cần nâng cao phẩm cách của những người làm việc trong văn phòng Tổng thống”.
Còn Thượng nghị sĩ dân chủ của Michigan, Debbie Stabenow nói: “Chúng tôi kêu gọi ông Trump loại bỏ tư tưởng phân biệt chủng tộc khỏi chính quyền của mình. Đặc biệt, việc ông Trump chỉ định Stephen Bannon là một thông điệp hoàn toàn sai lầm gửi tới người dân Mỹ”.
Chia rẽ sâu sắc là điều mà nước Mỹ chứng kiến kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống hôm 8/11. Cái tên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thể hiện một quốc gia đa sắc tộc, giai cấp và tôn giáo vốn luôn được nhắc đến như sức mạnh của Mỹ, song nay lại bộc lộ “yếu điểm”.
Kể từ sau chiến thắng của ông Trump, biểu tình vẫn đang lan rộng tại nhiều bang trên khắp nước Mỹ. Khai thác được sự tách biệt về quan điểm, lối sống... của cử tri đã mang đến chiến thắng cho ông Trump, song khi bước chân vào Nhà Trắng thì đoàn kết người dân, khôi phục niềm tin với nền chính trị sẽ là thách thức đầu tiên mà ông giải quyết.
Cả Tổng thống đương nhiệm Barack Obama và ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đều lên tiếng kêu gọi người dân đoàn kết sau khi bầu cử kết thúc. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryal cũng thừa nhận những lo ngại hiện nay của người dân Mỹ.
“Với tất cả người dân Mỹ đang lo ngại về tương lai của đất nước, về tương lai của mình và lo ngại cho hướng đi của nước Mỹ sắp tới, tôi muốn nói rằng chúng tôi đã thấy những lo ngại của các bạn và chúng tôi ở đây để giải quyết vấn đề. Các nhà lãnh đạo Cộng hòa là một đội ngũ thống nhất”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryal nói.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa ngày 15/11 đã nhất trí đề cử ông Paul Ryal tiếp tục làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong 2 năm tới. Ông Ryal, người từng có thời gian dài bất đồng với ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử, đã cam kết hợp tác chặt chẽ với Tổng thống đắc cử. Trong cuộc tổng tuyển cử hôm 8/11 vừa qua, Đảng Cộng hòa tiếp tục duy trì được thế đa số tại cả lưỡng viện của Quốc hội Mỹ./.
vov.vn
Ý kiến bạn đọc