Hơn 1 triệu người ở Mosul, Iraq trả giá bằng khủng hoảng nhân đạo
Liên Hợp Quốc ước tính có 1,2 đến 1,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi diễn biến chiến sự đang nóng lên từng ngày ở Mosul, Iraq.
Trong khi quân đội Iraq và các đồng minh dồn lực cho chiến dịch giải phóng Mosul - thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq, thì các cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc cũng đang nỗ lực hết mình để đối phó với một cuộc khủng hoảng nhân đạo đi kèm với chiến dịch này. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ngày 23/10 tuyên bố sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho những trẻ em di tản khỏi chiến trường Mosul.
Trong một tuyên bố ngày 23/10, Giám đốc UNICEF tại khu vực Trung Đông ước tính hơn 1 triệu người sẽ di tản khỏi thành phố miền Bắc Mosul khi Iraq và các lực lượng đồng minh tấn công giải phóng khu vực này khỏi tay IS. UNICEF đặc biệt nhấn mạnh một nửa trong số người di tản là trẻ em và UNICEF đã sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ.
Phát biểu khi tới thăm khu trại tị nạn Debaga - nơi đang tiếp nhận ngày càng nhiều người dân di tản khỏi Mosul, Giám đốc UNICEF tại khu vực Trung Đông, ông Geert Cappelaere cho biết: “Liên Hợp Quốc ước tính có 1,2 đến 1,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi diễn biến chiến sự tại Mosul. Trong đó, những trẻ em đã phải sống trong những điều kiện cùng cực suốt 2 năm qua. Chúng tôi có mặt tại đây để hỗ trợ điều trị tâm lý cho trẻ em và nỗ lực để đưa các em trở lại cuộc sống bình thường mà một đứa trẻ đáng được hưởng”.
Các cuộc giao tranh xung quanh Mosul đã khiến hơn 5.600 người phải sơ tán từ đầu tuần trước. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng cảnh báo về dòng người di tản khỏi Mosul, đồng thời cho biết việc tìm một địa điểm thích hợp để tiếp nhận họ là không hề dễ dàng.
Cao ủy phụ trách vấn đề người tị nạn của Liên Hợp Quốc Filippo Grandi ngày 23/10 đã tới Jordan và thảo luận với Ngoại trưởng nước chủ nhà Nasser Judeh về sự chuẩn bị của Liên Hợp Quốc để đối phó với dòng người di tản khỏi vùng chiến sự Mosul.
Ông Grandi nói: “Trên thực tế, xung đột đã khiến phần lớn người Iraq bị mất nhà cửa và không chốn nương thân ngay tại đất nước của mình. Cũng có một số chạy sang Syria, song con số này không lớn. Chúng tôi đã chuẩn bị lều tạm, nước uống, thực phẩm và thuốc men tại nhiều khu vực của Iraq để tiếp nhận người dân di tản. Tôi cho rằng thách thức lớn mà chúng ta đang đối mặt chính là tìm được những khu vực thích hợp để dựng chỗ ở tạm tiếp nhận người dân”.
Đến nay, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã đưa hơn 5.400 người dân ở một số khu vực xung quanh Mosul tới một trạm tiếp nhận ở ngôi làng An-Hood thuộc thành phố miền Bắc Qayyarah và khoảng 240 người khác đã từ quận Hamdaniyah ở phía Đông Mosul về khu trại tị nạn Debaga.
Quân đội Iraq và các lực lượng đồng minh đã triển khai chiến dịch tổng tiến công chiếm lại Mosul từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong 2 tuần qua. Nếu chiến dịch tái chiếm Mosul thành công, lực lượng chính phủ Iraq có thể giành lại quyền kiểm soát một nửa diện tích mà IS đã chiếm giữ ở miền Bắc nước này kể từ tháng 6/2014.
Các cơ quan hỗ trợ nhân đạo Liên Hợp Quốc đã cảnh báo cuộc tổng tấn công có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cũng cảnh báo nhóm khủng bố IS có thể sử dụng hàng chục nghìn người dân Mosul làm lá chắn sống nhằm bảo vệ thành trì cuối cùng của chúng tại Iraq./.
vov.vn
Ý kiến bạn đọc