Mỹ lo ngại Nga và Iran hợp tác chống IS tại Syria?

07:18, 19/08/2016

Liệu Mỹ có lo ngại liên minh Nga-Iran không khi họ chỉ trích việc Nga sử dụng căn cứ quân sự ở Iran để đánh IS?

Nga ngày 17/8 tiếp tục cho máy bay chiến đấu cất cánh từ một căn cứ không quân tại Iran, bất chấp những cảnh báo của Mỹ cho rằng điều này có thể vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

my lo ngai nga va iran hop tac chong is tai syria? hinh 0

 

Cờ Nga và Iran. Ảnh: emergingequity.

Quyết định của Iran lần đầu tiên cho phép quân đội nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ kể từ năm 1979 và lần đầu tiên Nga sử dụng lãnh thổ của một nước khác tại Trung Đông cho hoạt động bên trong lãnh thổ Syria, cho thấy quyết tâm của quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố tại Syria cũng như khẳng định sự can dự sâu hơn của Nga vào cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua bác bỏ các cáo buộc của Mỹ cho rằng việc Nga sử dụng căn cứ quân sự của Iran để tiến hành không kích tại Syria là vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran.

Ông Lavrov khẳng định, sự hiện diện của không quân Nga tại Iran chỉ là sử dụng cơ sở hạ tầng của môt nước khác: “Không có lí do gì để tin rằng Nga vi phạm nghị quyết 2231. Nga không cung cấp, bán hay chuyển giao các trực thăng quân sự từ Nga tới Iran. Đó là những loại máy bay chiến đấu của Không quân Nga được điều động, với sự cho phép của Iran để tiến hành các hoạt động chống khủng bố, theo yêu cầu của chính phủ Syria”.

Lo sợ vai trò đang lên của Nga trong khu vực?

Quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Iran không phải là điều quá mới mẻ đối với Mỹ cũng như nhiều nước phương Tây khác. Tuy nhiên mối quan hệ đó trong bối cảnh hiện nay có thể khiến Mỹ thực sự lo ngại. Không đơn thuần như tuyên bố của Mỹ cho rằng bước đi này làm phức tạp thêm giải pháp chính trị mà Mỹ đang tìm kiếm tại Syria, sự hợp tác giữa Nga và Iran có thể giúp củng cố vai trò của Nga trong khu vực, cũng như hiệu quả trong chiến dịch chống Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Syria mà Mỹ và các đồng minh phương Tây dường như đang yếu thế hơn.

Việc Nga lần đầu tiên sử dụng căn cứ tại Iran để không kích IS cho thấy sự can dự sâu hơn của Nga vào cuộc nội chiến Syria, với xuất phát điểm chỉ từ một căn cứ nhỏ ở thị trấn Latakia của Syria.

Trong khi Nga-Mỹ vẫn thường được nhắc đến là trụ cột chính để giải quyết cuộc xung đột hay vấn đề khủng bố tại Syria, mối quan hệ hợp tác Nga và Iran dường như đang làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Nga đang có sự ủng hộ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, liên minh chặt chẽ với Iran và khả năng Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Nga sử dụng căn cứ Incirlik làm bàn đạp chống IS. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran sẽ là một trục liên minh hiệu quả, không chỉ  thay đổi cục diện tại Syria mà cả trong khu vực. Điều này có thể là sức ép buộc Mỹ phải có một số nhượng bộ trong các hoạt động quân sự với Nga tại Syria cũng như trên bàn đàm phán hòa bình về tương lai của Tổng thống Át-xát.

Trong khi đó, việc máy bay Nga được phép đồn trú trên lãnh thổ Iran và có thể là cả căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ giúp gia tăng cường độ các cuộc tấn công vào căn cứ của IS ở Syria cũng như chặn mọi kênh cung cấp tài trợ cho nhóm vũ trang này. Mô hình hợp tác này sẽ mang lại hiệu quả thực sự để đánh bại chủ nghĩa khủng bố ở Syria – điều mà liên minh Mỹ và các nước phương Tây đang đối mặt với nhiều chỉ trích.

Đối thoại Nga-Mỹ

Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống IS cũng như giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria. Chính vì vậy, Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm 17/8 khẳng định, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phối hợp nhằm giải quyết các bất đồng liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria.

Nga và Mỹ đang tiến hành các cuộc đối thoại ở các cấp khác nhau để thực hiện thỏa thuận hợp tác về Syria như tham vấn ở các cấp quân sự, tình báo và Ngọai trưởng hai nước. Phía Mỹ cũng khẳng định, sự hợp tác giữa Nga và Iran không ngăn cản việc nước này tiến đến một thỏa thuận với Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mác Tôn-nơ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với Nga thông qua các nhóm làm việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm thế nào để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn bền vững, tiếp cận nhân đạo cũng như tái khởi động đàm phán tại Geneva về hòa bình cho Syria”.

Giới quan sát cũng cho rằng, liên minh hợp tác Iran - Thổ Nhĩ Kỳ - Nga sẽ là một động lực mới cho cuộc chiến chống khủng bố tại  Syria. Tuy nhiên điều quan trọng hiện nay là các nước liên quan cần gạt bỏ những mâu thuẫn và lợi ích chính trị cùng hướng đến mục tiêu chung là xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố ra khỏi quốc gia Trung Đông này./.

vov.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đội ngũ nâng đỡ "hùng hậu" sẽ giúp bà Clinton đánh bại ông Trump?

Từ Đệ nhất phu nhân đến Tổng thống Mỹ đương nhiệm Obama đều có bài phát biểu hùng hồn ủng hộ ứng cử viên Hillary.

29/07/2016
Điểm yếu chết người của phe đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Với sự bài bản "không hề nhẹ", phe đảo chính suýt chạm tới thắng lợi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên họ không tránh khỏi thất bại do có một số điểm yếu lớn.

28/07/2016
Bà Clinton chính thức trở thành ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ

Sáng 27/7 (theo giờ Việt Nam) Đại hội đảng Dân chủ đã nhất trí đề cử cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trở thành ứng viên Tổng thống của đảng.

27/07/2016
Phó Tổng thống bị cách chức, Nam Sudan nguy cơ xung đột bùng phát

Lực lượng ủng hộ tổng thống và phó tổng thống tại Nam Sudan từ đầu tháng đến nay luôn có cuộc đối đầu trong đó có huy động cả máy bay, trực thăng.

26/07/2016